Các loài động vật khắc chế lẫn nhau ra sao trên chiến trường? Và con vật nào trở nên nguy hiểm nhất khi được sử dụng trong chiến tranh? Loạt bài sau đây sẽ giải đáp phần nào những câu hỏi đó. |
Từ trước công nguyên, không ít động vật, như voi, ngựa, lạc đà đã được con người sử dụng trên chiến trường và sự xuất hiện của chúng có thể mang tới chiến thắng quyết định trong chiến tranh.
Từ trước công nguyên, không ít động vật, như voi, ngựa, lạc đà đã được con người sử dụng trên chiến trường và sự xuất hiện của chúng có thể mang tới chiến thắng quyết định trong chiến tranh.
Cho tới tận ngày nay, khi khoa học – công nghệ đã phát triển, khả năng đặc biệt của một số loài động vật vẫn được con người sử dụng trong lĩnh vực quân sự, an ninh và cả gián điệp.
Ngựa chiến tạo nên sức mạnh của quân Mông Cổ (ảnh: History Collection)
Ngựa
Ngựa là một trong những loài vật được sử dụng sớm nhất và rộng rãi nhất trong các cuộc chiến tranh, theo Forces News.
Nghiên cứu của các nhà khảo cổ chỉ ra rằng, vào thời đại đồ đồng (khoảng 3.000 năm TCN), nhiều bộ lạc ở châu Á, sau đó là Bắc Âu và Tây Âu đã thuần hóa được ngựa hoang. Họ buộc ngựa vào xe kéo hoặc cưỡi chúng. Những ai sở hữu ngựa có thể săn bắn được nhiều hơn, đi buôn bán ở xa hơn.
Qua thời gian, ngựa được sử dụng như một phương tiện để tiến hành chiến tranh. Người Ai Cập và Trung Quốc cổ đại đã thiết kế ra chiến xa với sức ngựa kéo để áp đảo bộ binh.
Trong một số di tích còn sót lại của nền văn minh Andronovo, cách đây khoảng 2.000 năm trước (nay thuộc Nga và Kazakhstan), các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ của những con ngựa chiến và chiến xa.
Thời nhà Thương (1600 – 1050 TCN) quân đội của nhà vua được trang bị chiến xa. Thời Xuân Thu (770 – 476 TCN), chiến xa được sử dụng phổ biến trên chiến trường khi nhiều nước chư hầu triệt hạ lẫn nhau để giành ngôi bá chủ.
Chiến xa của quân Tần (ảnh: Sina)
Thời Tần – Hán (221 TCN – 220), các đội kỵ binh một người một ngựa hoặc 2 người một ngựa xuất hiện, với lối tác chiến linh hoạt, mạnh mẽ đã thay thế những cỗ chiến xa cồng kềnh và tốn kém trên chiến trường, theo Sohu.
Trên lưng ngựa, binh sĩ với một thanh kiếm, giáo hoặc đại đao có lợi thế lớn về tầm đánh so với bộ binh thông thường. Ngựa chiến còn có thể được huấn luyện để húc, cắn và đá đối thủ.
Trong thế kỷ 13, kỵ binh Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy tung hoành khắp lục địa Á – Âu và trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia.
Theo History, vai trò của ngựa chiến đã suy giảm đáng kể trong Thế chiến I (1914 – 1918) với sự xuất hiện của các phương tiện cơ giới như xe tăng, xe bọc thép.
Ngày mở màn trận Verdun ở Pháp (21/2/1916), ước tính có khoảng 7.000 con ngựa chết do hỏa lực của pháo binh Pháp và Đức. Ở Anh, khoảng 484.000 con ngựa đã chết trong Thế chiến I.
Trong Thế chiến II, kỵ binh hầu như không còn tồn tại.
Voi được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tranh thời cổ đại (ảnh: Openart)
Voi
Theo Insider, những bằng chứng khảo cổ cổ xưa nhất chỉ ra rằng, cách đây khoảng 4.500 năm, voi đã được thuần dưỡng ở khu vực Lưỡng Hà (bao gồm các nước Iraq, Kuwait, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Iran ngày nay) và khu vực sông Ấn (Ấn Độ).
Người Ấn Độ cổ đại có lẽ là những người đầu tiên sử dụng voi trong một cuộc chiến. Trong một số thư tịch cổ của Ấn Độ, như kinh Vệ Đà, voi được các nhà vua và chiến binh với sức mạnh phi thường thuần phục và sử dụng trong chiến trận.
Theo Insider, vào khoảng thế kỷ 8 TCN, Semiramis – nữ vương của người Assyria (phía bắc Iraq) – đã dẫn quân xâm lược Ấn Độ. Đội quân của Semiramis với nhiều lạc đà đã bị đội tượng binh (voi chiến) của vua Stabrobates (Ấn Độ) đánh bại.
Vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, trong chiến dịch xâm lược Ba Tư, quân đội La Mã do Alexander Đại đế chỉ huy từng chạm trán với tượng binh của người Ba Tư. Quân La Mã chiến thắng, nhưng Alexander Đại đế cũng nhận ra sự lợi hại của tượng binh và bổ sung những con voi vào hàng ngũ.
Một bầy voi chiến có thể càn quét kẻ địch trên chiến trường (ảnh: Ancient Origins)
Theo Insider, voi chiến thường được triển khai ở vị trí tiên phong hoặc trung tâm của đội hình. Voi có thể lao với tốc độ lên tới 32km/giờ về phía đối phương, phá nát các thành lũy bằng tre, gỗ và giẫm đạp, dùng ngà đâm kẻ thù.
Trên chiến trường, ngựa sẽ hoảng sợ và bỏ chạy khi nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi của voi. Loài động vật to lớn nhất trên cạn cũng có sức uy hiếp đáng kể về mặt tinh thần đối với bộ binh đối phương.
Theo Insider, qua thời gian, số lượng voi trên Trái đất đã suy giảm đáng kể do nạn săn bắn và các khu rừng bị tàn phá. Vào khoảng thế kỷ 15, sự xuất hiện của các loại súng hỏa mai, đại bác trên chiến trường với sức công phá lớn về cơ bản đã kết thúc vai trò của voi chiến.
Tranh vẽ cảnh binh sĩ dùng lợn khắc chế voi (ảnh: History Collection)
Lợn
Ít ai ngờ rằng lợn cũng có thể ra trận và trở thành “vũ khí” chống lại voi chiến lợi hại nhất. Loài voi được cho là rất sợ tiếng kêu eng éc của loài lợn, theo DVA (Cơ quan hỗ trợ cựu chiến binh Úc).
Theo DVA, vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, trong chiến dịch xâm lược Ba Tư, quân đội La Mã của Alexander Đại đế đã nhiều lần sử dụng lợn để chống lại kẻ địch có voi.
Tương truyền, chính vua Porus (người cai trị khu vực hiện nay là tỉnh Punjab, Pakistan) đã tiết lộ cho Alexander Đại đế cách dùng lợn để đánh bại tượng binh. Điều đáng nói là Porus từng là địch thủ của Alexander Đại đế.
Năm 266 TCN, Antigonus II Gonata – vua xứ Macedonia – đã thất bại trong chiến dịch xâm lược và vây hãm Megara, một thành trì Hy Lạp. Người Megara đổ nhựa thông lên lưng những con lợn, châm lửa (để lợn kêu to hơn) và lùa chúng về phía đàn voi chiến của Macedonia. Tiếng kêu của những con lợn khiến đàn voi hoảng sợ, bỏ chạy và phá vỡ đội hình của Macedonia.
Sau trận thua đau, Antigonus II Gonata đã ra lệnh nhốt lợn vào chuồng voi để lũ voi quen dần với dáng vẻ và tiếng kêu của lợn. Sự kiện này được Polyaenus, nhà hùng biện người Macedonia sống vào khoảng thế kỷ thứ 2, ghi chép lại.
Đồng tiền cổ có 2 mặt lợn và voi (ảnh: Ancient Origins)
Năm 554, loài lợn một lần nữa “thị uy” trên chiến trường khi Khusrau I (vua Ba Tư) dẫn quân tấn công thành phố Edassa (vùng thượng Lưỡng Hà).
Với ưu thế áp đảo về lực lượng và dàn voi chiến hùng hậu, quân Ba Tư tiến vào Edessa và bao vây quân La Mã ở đây.
“Nhưng quân La Mã, bằng cách treo những con lợn lên tháp cao, đã thoát khỏi nguy hiểm. Khi những con lợn bị treo cao, chúng kêu ré lên. Điều này làm lũ voi sợ hãi và bỏ chạy. Quân Ba Tư phải rút lui”, Procopius (500 – 565), nhà sử học người Hy Lạp, chép.
Theo Ancient Origins, thời cổ đại, người La Mã từng đúc một loại tiền xu đặc biệt, một mặt có hình con voi còn mặt kia là hình con lợn. Điều này như một cách nhắc nhở cho thế hệ sau rằng dùng lợn có thể đánh bại voi.
_____________
Bom chuột và bom mèo là 2 trong số những vũ khí bị đánh giá là "điên rồ" nhất từng được sử dụng để đối phó quân Đức trong Thế chiến II. Kết quả khi tình báo Mỹ, Anh sử dụng bom chuột và bom mèo ra sao? Mời quý độc giả tìm câu trả lời trong bài kỳ sau, xuất bản vào...
Vương Nam – tổng hợp