Mỡ thối thành... dầu ăn cao cấp
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương liên tục nhận được phản ánh của người dân về sản phẩm dầu ăn rán từ mỡ động vật do các lò sản xuất tư nhân không đảm bảo chất lượng, có mùi hôi khác thường... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nhận được thông tin có nhiều lò sản xuất dầu ăn rán từ mỡ hoạt động "chui", không có giấy phép sản xuất, chuyên thu gom mỡ thối không có nguồn gốc rõ ràng, trôi nổi trên thị trường để sản xuất dầu ăn.
Sau thời gian theo dõi, lực lượng chức năng tại tỉnh Bình Dương thấy nổi lên lò sản xuất dầu ăn từ mỡ do một thanh niên tên Sỹ (ngụ khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) điều hành, có hành vi thu gom mỡ thối từ các lò giết mổ, người dân trên địa bàn và các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM… để sản xuất dầu ăn cho người dân và bánh mỡ cho các quán nhậu. Qua xác minh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều người dân phản ánh về hoạt động sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của lò sản xuất này. Ngay sau đó, vụ việc được lực lượng chức năng thị xã Thuận An điều tra làm rõ.
Đối tượng Lê Phạm Văn Sỹ đang lấy mỡ từ thùng trữ lạnh ra rán
Quyết định phải triệt phá lò sản xuất dầu ăn bẩn này, lực lượng trạm Thú y thị xã Thuận An bất ngờ ập vào lò sản xuất này để kiểm tra hành chính. Trước đó, lực lượng chức năng đã xác minh được lò sản xuất này chuyên thu gom mỡ thối để rán thành dầu ăn "chất lượng cao". Khi lực lượng chức năng ập vào thì phát hiện đối tượng Lê Phạm Văn Sỹ (23 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú phường Bình Hòa) đang lấy mỡ từ thùng trữ lạnh ra rán. Lượng mỡ này đã chuyển sang màu khác thường, có mùi hôi khó chịu, trên mỡ có nhiều vết ố đen...
Kiểm tra lò sản xuất, lực lượng chức năng vô cùng sửng sốt khi phát hiện lò sản xuất chỉ là một căn nhà lụp xụp, nằm khuất sau con hẻm thuộc khu phố Bình Đức 2. Sau thời gian ngắn kiểm tra, lực lượng chức năng khẳng định, lò sản xuất này chuyên rán mỡ động vật thối thành dầu ăn bán ra thị trường.
Ngày 1/6, làm việc với cán bộ trạm Thú y thị xã Thuận An, Sỹ khai nhận thuê ngôi nhà này mở lò sản xuất để rán mỡ động vật thành dầu ăn nhiều tháng qua. Mỗi ngày, Sỹ thu gom hàng tạ mỡ động vật thối không có nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường. Sau đó, Sỹ cho trữ đá rồi đem rán thành dầu ăn bán ra thị trường. Riêng xác mỡ, sau khi rang xong được đúc thành từng bánh, bán cho các quán nhậu, quán ăn bình dân. Một cán bộ trong lực lượng chức năng cho biết, mỡ ở đây là mỡ bẩn, mỡ thối. Người tham gia sản xuất dùng tay không để bốc mỡ bỏ vào chảo. Dụng cụ sản xuất của lò bỏ vương vãi trên nền đất, không được lau chùi, vệ sinh cẩn thận...
Ổ bệnh nguy hiểm
Đại diện trạm Thú y thị xã Thuận An cho biết, vụ triệt phá lò sản xuất do đối tượng Lê Phạm Văn Sỹ điều hành đã phát hiện một lượng lớn mỡ thối chưa sản xuất, nhiều can dầu ăn thành phẩm và hàng trăm xác bánh mỡ chuẩn bị mang đi bán. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng Sỹ chuẩn bị đưa bốn bao mỡ, nặng khoảng hai tạ từ tủ trữ lạnh vào chảo chuẩn bị rán. Lực lực chức năng còn phát hiện một bồn dầu ăn có màu đen kịt (khoảng 200 lít) và một thùng phuy chứa đầy thịt động vật đã bốc mùi hôi nồng nặc và hàng chục thùng xốp đang tẩm hóa chất để tẩy các loại mỡ thối, mỡ bẩn.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định, lò sản xuất này hoạt động "chui", chưa đăng ký giấy phép sản xuất. Hoạt động sản xuất của lò rán mỡ động vật thối này không chỉ gây hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường tại khu dân cư mà còn gây ra nhiều hệ lụy khôn lường khác. Trong đó, hàng trăm lít dầu ăn sản xuất ở đây có nguy cơ nhiễm khuẩn, dễ phát sinh mầm bệnh.
Nhiều người dân ngụ thị xã Thuận An cho biết, đây là lần đầu tiên, lực lượng chức năng trên địa bàn triệt phá một lò sản xuất dầu ăn từ mỡ thối động vật. Khi những thông tin về vụ triệt lò sản xuất này lọt ra ngoài, nhiều người dân vô cùng bất ngờ khi biết được sản phẩm dầu ăn rán từ mỡ động vật bán giá rẻ trên thị trường lại có công thức sản xuất kinh hoàng như vậy. Từ trước đến nay, người dân cứ ngộ nhận rằng, loại dầu ăn rán từ mỡ động vật phải được rán từ loại mỡ mới, đảm bảo vệ sinh. Họ không thể ngờ, các loại mỡ thối, đã chuyển màu, có mùi hôi khó chịu vẫn được các chủ lò thu mua để sản xuất dầu ăn.
Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Nam, chuyên gia nghiên cứu thực phẩm công nghiệp tại TP.HCM cho biết: "Vụ lò sản xuất dầu ăn từ mỡ thối vừa được cơ quan chức năng của thị xã Thuận An triệt phá là vụ việc mới nhất được xác định. Trước đó, lực lượng chức năng của hàng loạt địa phương khác trong cả nước triệt phá, xử lý hàng chục lò sản xuất dầu ăn từ mỡ thối tương tự. Tuy nhiên, vụ việc phát hiện lần này phơi bày nhiều hơn hoạt động sản xuất loại dầu ăn đang được người dân ưa chuộng này. Đa số các hoạt động sản xuất vi phạm pháp luật này đều rơi vào các lò sản xuất "chui", nằm khuất trong khu dân cư để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện".
Loại dầu ăn, bánh mỡ được sản xuất từ mỡ thối động vật ẩn chứa bên trong rất nhiều loại mầm bệnh. Người dân nếu thường xuyên sử dụng loài dầu ăn, bánh mỡ này sẽ tích tụ một ổ bệnh nguy hiểm trong người. Bác sĩ Hồ Văn Hải, Trưởng văn phòng Chữa bệnh cộng đồng Bình An cho biết: "Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, các loại mỡ thối, mỡ bẩn động vật chứa rất nhiều mầm bệnh, vi khuẩn gây hại. Trong quá trình rán mỡ thành dầu ăn, bánh mỡ những mầm bệnh, vi khuẩn này vẫn còn. Do các lò sản xuất này sản xuất thủ công, không có hệ thống máy móc hiện đại để xử lý nên khi người dân ăn loại dầu ăn, bánh mỡ này vào thì những mầm bệnh, vi khuẩn này sẽ tấn công vào cơ thể. Khi người dân ăn càng nhiều thì các mầm bệnh, vi khuẩn sẽ tích tụ nhiều hơn. Như vậy, trong cơ thể người đã hình thành một ổ bệnh nguy hiểm, chỉ đợi thời điểm cơ thể không thể chịu đựng được thì sẽ phát bệnh ra".
Phải xử lý nghiêm Luật sư Phạm Thành Chương (văn phòng Tư vấn luật Thành Chương) cho biết: "Hiện nay, rất nhiều đối tượng lao vào các hoạt động sản xuất "chui" để thu lợi bất chính, bất chấp các quy định của pháp luật. Đây là việc làm vô cùng nguy hại, gây ảnh hưởng đến toàn xã hội. Để ngăn chặn các vi phạm này tái diễn, cơ quan chức năng phải xem đây là hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến nhiều người dân để áp dụng các hình phạt tăng nặng. Chỉ có như vậy, mới có thể răn đe được các đối tượng đang "lăm le" tham gia các hoạt động sản xuất vô nhân đạo này”. |
Hồ Nam