Hai ngày qua, việc VTVcab bất ngờ cắt hàng loạt kênh quen thuộc như HBO, Disney, Cartoon Network, Fox Sports1,2… mà không thông báo trước khiến nhiều khách hàng bức xúc.
Thay vào đó, VTVcab tăng cường quảng cáo về gói chùm 12 kênh mới trên hệ thống mà hoàn toàn ém nhẹm việc cắt quyền lợi của khách hàng trung thành.
Trên các diễn đàn về truyền hình, không ít ý kiến đã đòi tẩy chay VTVcab. Khách hàng cho rằng VTVcab đang đẩy người dùng vào thế làm "con tin" vì lỡ đóng tiền theo gói 6 tháng, 12 tháng trước đó vì tận dụng khuyến mãi 15% và "chiêu bài" tặng sữa cho khách hàng.
Trên trang fanpage của VTVcab, không ít người đã bức xúc đòi cắt dịch vụ của VTVcab trước sự thay đổi không được báo trước này.
Trao đổi với báo chí chiều qua (2/4), Tổng giám đốc VTVcab Bùi Huy Năm cho biết, trong quá trình triển khai thay đổi hệ thống kênh truyền hình mới, VTVcab đã truyền thông tới khách hàng trên các kênh của VTVcab như Fanpage, thông báo, chạy chữ trên các kênh truyền hình, website Vtvcab.vn...
Tuy nhiên, có một số khách hàng vì lý do nào đó chưa nhận được thông tin. Do đó, dẫn đến việc khách hàng bất ngờ và phản hồi về việc không mở được các kênh quen thuộc.
Vị đại diện của VTVcab thông tin, sau hơn 1 ngày thay đổi gói kênh truyền hình nước ngoài, tổng đài chăm sóc khách hàng của VTVcab nhận được hơn 5.000 cuộc gọi về việc "xuống kênh" và nội dung các kênh mới.
Được biết, VTVcab vốn là một trong hai đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền lớn nhất Việt Nam, thị phần chỉ đứng sau SCTV.
Nhờ lợi thế phủ sóng khắp cả nước, số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ của VTVcab, bao gồm cả Analog, HD new, full HD,... lên tới 2,56 triệu người vào năm 2016.
Doanh thu hợp nhất từ dịch vụ truyền hình (cáp, internet, HD, K+) của VTVcab tăng mạnh qua các năm.
Hơn 2,5 triệu thuê bao hàng tháng đã đem về cho VTVcab khoản tiền từ 1.331 tỷ đồng vào năm 2014, sau đó tăng dần, đạt 1.427 tỷ đồng vào năm 2016.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, con số trên là hơn 1.000 tỷ đồng, chưa bao gồm tiền thu từ quảng cáo, bản quyền, truyền dẫn, XHH, duy trì từ 430 tỷ đến hơn 600 tỷ mỗi năm.
Lợi nhuận hợp nhất của VTVcab cũng được giữ ổn định từ 80-90 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 - 2016.
Mặc dù vướng phải sự phản đối của khách hàng khi âm thầm cắt các kênh truyền hình cáp, đại diện VTVcab cho biết, cho đến nay chưa có khách hàng nào thực hiện chấm dứt hợp đồng.
Sau thời gian chậm trễ cổ phần hóa do những khúc mắc trong việc định giá tài sản, mới đây, Thủ tướng đã đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu đối với công ty TNHH MTV Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) chậm nhất là đến ngày 30/6/2018, đồng thời VTV không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp của VTVcab tại thời điểm 31/12/2015 đã được Đài công bố (hơn 7.900 tỷ đồng). Ngày 17/4 sắp tới, sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của VTVcab. Dự kiến sau cổ phần hóa, vốn điều lệ VTVcab là 884 tỷ đồng. Lượng cổ phần đem ra đấu giá là 42,29 triệu cổ phiếu cổ phần, tương đương 47,8% vốn điều lệ dự kiến. Với mức giá khởi điểm lên đến 140.900 đồng – gấp 14 lần mệnh giá, VTVcab được định giá lên đến 12.376 tỷ đồng. Phiên đấu giá thành công có thể đem về cho VTV xấp xỉ 6.000 tỷ đồng. |