Đột nhập "đại bản doanh", tận mục sự đáng sợ của “ông trùm” tập đoàn tín dụng đen Nam Long

Đột nhập "đại bản doanh", tận mục sự đáng sợ của “ông trùm” tập đoàn tín dụng đen Nam Long

Hoàng Văn Việt

Hoàng Văn Việt

Chủ nhật, 02/12/2018 18:30

“Ông trùm” Nguyễn Đức Thành là người sống khép kín, ít giao tiếp với người dân địa phương. Chỉ khi lực lượng chức năng khám xét nhà “ông trùm” thì người dân mới biết người đàn ông này là kẻ cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi.

image

Người dân nói gì về “ông trùm” tập đoàn “tín dụng đen” Nam Long?

Liên quan đến vụ đánh sập đường dây “tín dụng đen” ở Thanh Hóa do đối tượng Nguyễn Đức Thành (ngụ phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM) cầm đầu, ngày 2/12, PV báo Người Đưa Tin đã đến phường Cầu Kho để tìm hiểu về đối tượng này.

Qua dò hỏi nhiều người dân, PV xác định đối tượng Thành trú tại địa chỉ hẻm 393/5 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM, đây được cho là “đại bản doanh” của đối tượng Thành hoạt động, điều hành đường dây tín dụng đen.

An ninh - Hình sự - Đột nhập 'đại bản doanh', tận mục sự đáng sợ của “ông trùm” tập đoàn tín dụng đen Nam Long

Con hẻm 393, nơi ông trùm Nguyễn Đức Thành đặt “đại bản doanh” điều hành đường dây tín dụng đen.

Theo ghi nhận của PV, hẻm 393 chạy thẳng từ đường Trần Hưng Đạo dẫn sâu vào bên trong khu dân cư được phân thành nhiều ô bàn cờ nhỏ gọi là các tiểu khu của phường Cầu Kho. Căn nhà số 393/5, với 3 tầng lầu, 1 tầng trệt, nằm cách đường lớn Trần Hưng Đạo khoảng 20m. Thời điểm PV có mặt, căn nhà này đóng cửa kín mít, khóa bên ngoài.

An ninh - Hình sự - Đột nhập 'đại bản doanh', tận mục sự đáng sợ của “ông trùm” tập đoàn tín dụng đen Nam Long (Hình 2).

Căn nhà “ông trùm” Nguyễn Đức Thành thuê ở, luôn đóng kín cửa kể từ ngày đường dây tín dụng đen bị công an đánh sập.

PV ghé vào một quán cà phê cóc, cách nhà 393/5 khoảng 10m. Tại đây, có khá nhiều người dân đang ngồi uống cà phê nên PV đã tìm hiểu, khai thác được nhiều câu chuyện xung quanh “ông trùm” Nguyễn Đức Thành.

Ông Năm H. (chủ quán cà phê) cho biết: “Căn nhà 393/5 là của một người khác đứng tên, sống ở quận Bình Tân (TP.HCM) cho thuê. Cách đây hơn 1 năm, tôi thấy người đàn ông tên Thành quê đâu ngoài miền Bắc đến thuê ở. Tuy nhiên, từ sau khi người thuê nhà bị bắt, căn nhà cũng đóng cửa”.

Ông H. cũng cho biết một điều khá đặc biệt là vị khách thuê nhà này sống cực kỳ khép kín, ít giao tiếp với những người sống xung quanh.

“Lâu lâu, tôi thấy anh ta ra mua nước uống. Điều đặc biệt là không thấy người này uống cà phê mà lần nào anh ta cũng mua một chai sữa đậu nành. Uống xong rồi vào nhà đóng cửa luôn”, ông H. nói.

Chị Q., một người khách uống cà phê tại quán ông Năm H. nói: “Tôi thấy mấy người đó thuê nhà ở đây cũng lâu rồi, nhưng ít khi họ xuất hiện. Lâu lâu có một anh người hơi mập nói chuyện, chào hỏi mọi người rất lịch sự, xuất hiện chút xíu rồi ở trong nhà không thấy mở cửa. Tuy nhiên, tôi cũng có lúc bắt gặp người này gọi điện cho ai đó, kiểu như cấp dưới của anh và la mắng, chửi tục thậm tệ lắm”.

Khi PV hỏi, “người dân ở đây có biết đối tượng ở trong căn nhà này là ai và làm công việc gì hay không” thì hầu như những người dân ở đây cho biết, họ không hề biết đối tượng là người thế nào và công việc của anh ta là gì. Bởi Thành sống khép kín, không giao lưu, quan hệ với bất kỳ người lạ nào, mặc dù vừa rồi anh ta ăn Tết Nguyên đán ở đây.

Người dân cho biết thêm, thi thoảng thấy một số người đến nhà 393/5, rồi vào trong đóng kín cửa làm công việc gì đó. Việc này người dân không thể biết, chỉ đến khi công an đến làm thủ tục khám xét tại nhà này thì người dân mới biết sự việc.

Theo nhiều người dân địa phương, những ngày qua, theo dõi thông tin trên báo chí, đặc biệt là báo Người Đưa Tin, người dân phát hiện “ông trùm” này điều hành đường dây “tín dụng đen” này cực kỳ tinh vi.

“Tại địa phương, “ông trùm” cùng đàn em hoạt động kín kẽ, ít tiếp xúc với người dân địa phương để tránh đường dây bị chú ý. Thế nhưng, ở bên ngoài, đường dây này thật sự đáng sợ. Cũng chính vì lẽ đó nên đến khi đường dây tín dụng đen bị đánh sập, người dân sống xung quanh nhà đối tượng mới giật mình nhận ra hàng xóm của mình hoạt động phạm pháp”, ông N.T.T. (một người dân địa phương) nói. 

Đại diện Công an TP.HCM cho biết, ban Chuyên án của bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an TP.HCM và công an địa phương tiến hành khám xét nơi đối tượng Nguyễn Đức Thành cư trú theo quy định của pháp luật. 

An ninh - Hình sự - Đột nhập 'đại bản doanh', tận mục sự đáng sợ của “ông trùm” tập đoàn tín dụng đen Nam Long (Hình 3).

Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với bộ Công an thông báo kết quả bước đầu của chuyên án.

Trước đó, báo Người Đưa Tin đã thông tin, cuối năm 2017, Nguyễn Đức Thành (SN 1988), trú ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM và Nguyễn Cao Thắng (SN 1984), trú tại phường 15, quận 1, TP.HCM đã cùng nhau thành lập ra công ty tài chính Nam Long. Để thiết lập "đế chế" riêng và thể hiện quyền lực của mình, các đối tượng cầm đầu đã đặt ra chế độ "tiêu diệt" cá nhân và gia đình (bắt cóc, đe dọa người thân, thậm chí yêu cầu tự chặt ngón tay). Ngoài ra, để lôi kéo nhân viên, “tập đoàn" này thực hiện chế độ trả lương rất cao, bắt họ đặt cọc tới hàng trăm triệu đồng vào công ty để giữ chân và ràng buộc. Điều ghê sợ hơn, tổ chức tội phạm này còn soạn ra cả giáo trình đòi nợ.

An ninh - Hình sự - Đột nhập 'đại bản doanh', tận mục sự đáng sợ của “ông trùm” tập đoàn tín dụng đen Nam Long (Hình 4).

Các đối tượng tham gia đường dây bị bắt giữ.

Với vỏ bọc "tập đoàn" Nam Long, các đối tượng cầm đầu đã đánh lừa dân là công ty có hợp tác với một ngân hàng để cho vay. Nhưng trên thực tế, tập đoàn này không hề tồn tại mà ký hợp đồng là một công ty khác. Lãi suất vay là 360%/năm, khi người dân đã đồng ý vay thì các đối tượng còn đưa ra các khoản thu trong hợp đồng và luôn có cách để khống chế nạn nhân.

Thông qua mức lương, hệ thống nội quy, quy chế và cách thức kêu gọi cho vay để người dân lầm tưởng đây là một tổ chức tín dụng đàng hoàng, từ đó người dân tham gia vào hoạt động vay. Nhưng khi vào làm việc trong công ty thì người ta mới biết được đây là một tổ chức tín dụng hoạt động bất hợp pháp.

Tổ chức tội phạm này có 26 chi nhánh phụ trách 63 tỉnh thành trên cả nước. Mỗi chi nhánh phụ trách 2 - 5 tỉnh, do một người làm quản lý. Tính đến thời điểm này, có khoảng 200 bị hại đã chuyển tiền vào trên 30 tài khoản của tổ chức tội phạm, với số tiền trên 510 tỷ đồng.

Do không tuân thủ “luật chơi”, anh Nguyễn Văn M. (nhân viên công ty tài chính Nam Long) đã bị các đối tượng trong băng nhóm này đánh đập, tra tấn cho tới chết.

Hiện, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 9 đối tượng tham gia vụ án này. Trong đó, 7 đối tượng đã bị tạm giam, còn 2 đối tượng bỏ trốn đang bị truy nã. Hiện, vụ án đang được ban chuyên án mở rộng điều tra.

Phương Bảo Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.