Nỗi ám ảnh hoang vu
Lần theo câu chuyện kể của một đồng nghiệp trước đây đã tìm đến khu tập thể Thuốc lá Thăng Long, chúng tôi tìm đến căn hộ tập thể cách đây hơn 20 năm là hiện trường của một vụ giết người dã man. Nơi đây là khu tập thể cũ xây dựng phục vụ cuộc sống của công nhân nên nhà nhỏ, dãy hành lang hun hút ban ngày. Bỗng dưng tôi cũng thấy ớn lạnh khi đi trong dãy hành lang vắng mà đầu óc lại mường tượng hình ảnh về vụ án năm xưa.
Nhiều người dân của khu tập thể Thuốc lá Thăng Long vẫn còn nhớ về vụ án khủng khiếp ấy. Khu Cao-Xà-Lá lúc đó còn khá hoang vu, đất rộng, người thưa, lau lác vẫn còn, nó vốn là ngoại thành Hà Nội. Chỉ có vài khu tập thể 5 tầng được xây dựng để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân ngoại tỉnh về làm việc tại các nhà máy Thuốc lá Thăng Long, nhà máy Xà phòng và Cao su Sao Vàng. Nếp nghĩ của người dân khi ấy còn đơn giản lắm nên vụ án chấn động giết người, cướp của trở thành tâm điểm của sự chú ý.
Bây giờ, đến khu tập thể này nhắc đến vụ án xưa nhiều người dân vẫn nhớ rõ. Ngày ấy, căn phòng trên tầng 3 của một người dân luôn đóng cửa. Mẹ con của bà chủ nhà ở nơi khác, thi thoảng một trong ba cậu con trai của chủ nhà mới đưa bạn về chơi. Nhưng dù có người ở nhà hay không thì căn phòng ấy vẫn khoá trái cửa.
Hành lang hun hút của căn nhà từng xảy ra thảm án.
Thời điểm đó đang là mùa hè nắng nóng, cả khu tập thể náo loạn bởi mùi hôi hám của xác chết đang trong giai đoạn phân huỷ. Khắp tầng 3, người ta đổ đi tìm cái mùi khó chịu ấy. Cuối cùng tất cả mọi nghi ngờ đều được đổ dồn vào căn phòng khoá trái cửa. Khi công an gọi chủ nhà đến mở cửa, tất cả bàng hoàng khi thấy người chết đã bị kẻ thủ ác chặt ra làm nhiều mảnh để tìm cách phi tang. Nhưng vì lý do nào đó, sợ bị lộ khi có người nên kẻ thủ ác chưa thể di chuyển nạn nhân.
Hung thủ nhanh chóng được xác nhận đó là Dũng, con trai của chủ nhà. Nguyên nhân giết người cũng được làm rõ, Dũng rủ bạn về chơi, thấy bạn có dây chuyền vàng, đá quý nên đã lập mưu giết bạn, cướp của. Mọi chuyện qua thời gian cũng dần lãng quên, nhưng căn phòng nơi Dũng ra tay giết người vẫn còn đấy khiến nỗi kinh hoàng lại trỗi dậy khi có người gợi nhớ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, ở đối diện với căn phòng thảm án nhớ lại: "Ngày ấy, cả khu tập thể cùng sợ. Buổi tối mọi nhà đóng cửa hết, chẳng ai dám ra đường". Cũng theo bà Hiền kể lại, sau đó, Dũng bị kết án tử hình. Mẹ Dũng hiện đang đi tu ở một ngôi chùa nào đó, còn hai cậu em cũng đã đi nước ngoài và ở luôn bên đó. Ngôi nhà sau một thời gian rao bán cũng đã có người mua. Nó được sang tên, đổi chủ, kết thúc một nỗi đau khủng khiếp của một gia đình. Nhắc đến Dũng, kẻ thủ ác, người dân khu tập thể vẫn còn nhớ khuôn mặt điển trai, chụp ảnh đẹp và hát hay của hắn.
Quá sợ chuyển chỗ, bán nhà
Trước đây nhà bà Nguyễn Thị Hiền nằm đối diện với căn phòng xảy ra thảm án, còn căn hộ bà sinh sống hiện tại nằm ở tầng 2, vẫn cùng toà nhà. "Ngày ấy, nhà tôi có hai mẹ con, chỉ nghe có chuyện người chết bị chặt, tôi đã sợ lắm rồi. Ngay hôm ấy, tôi đã mướn được một căn phòng của người quen không ở nữa phía cuối cùng của dãy hành lang để về ở. Tôi không dám nhìn vào căn phòng ấy. Ngay cả khi chuyển đi, mọi đồ đạc trong nhà, tôi cũng phải thuê người về thu dọn hộ. Tôi thật sự sợ hãi và ám ảnh", bà Hiền kể lại.
10 tháng sau, bà Hiền cũng bị người cho mượn nhà lấy lại. Dù còn sợ hãi, nhưng bà Hiền cũng phải trở về căn phòng cũ, gần nơi có người chết. Bà luôn bị ám ảnh một nỗi sợ mơ hồ nào đấy. Bà hay ngồi ở dưới đường, thấy ai đi qua cũng hỏi mua nhà không. Cuối cùng bà cũng bán được căn phòng của mình để mua lại một căn khác ở tầng 2 và ở đó cho đến bây giờ.
Người đến mua nhà bà Hiền khẳng định với phóng viên: "Tôi về đây ở, mọi chuyện cũng chỉ nghe qua nên không thấy sợ và cũng chẳng thấy vấn đề gì". Bà Hiền nói: "Hai mẹ con tôi nhút nhát nên sợ, chứ nhiều người dân ở khu tập thể còn đến dọn dẹp, rửa sạch căn phòng ấy vẫn bị ám ảnh nhiều năm".
Một đồng nghiệp của chúng tôi, chị Nguyễn Hoài Anh, khi còn là phóng viên cũng đã tìm đến khu tập thể Thuốc lá Thăng Long để tìm mua nhà. Dù không hỏi mua đúng căn hộ có người chết, nhưng khi nghe khu tập thể đã từng có án mạng xảy ra, chị Hoài Anh cũng bỏ chạy, không dám quay lại. Căn phòng sau thảm án lại được khoá trái cửa im lìm. Không ít người dân vẫn cảm thấy rờn rợn khi phải có việc qua dãy hành lang tầng 3, mãi về sau người ta cũng quen dần rồi bớt sợ hãi.
Cũng theo người dân nơi đây kể lại, khoảng vài năm sau, căn phòng ám ảnh ấy cũng được bán cho cậu sinh viên tên Cường quê ở Đan Phượng. Cường có chị làm ở nhà máy Thuốc lá Thăng Long, biết rõ chuyện vụ án nhưng vẫn quyết mua vì đơn giản giá nhà bán rất rẻ. Bà Hiền cau mày nhớ lại: "Hình như ngày ấy căn hộ ấy chỉ bán với giá mấy chỉ vàng thôi. Mà người phố có ai dám mua đâu, chỉ có người quê xa thiếu chỗ ở mới mua thôi".
Bà Hiền đang trao đổi với PV.
Người mới không sợ việc cũ
Cường và Mạnh khi ấy cùng là sinh viên đến ở tại căn hộ sau thảm án. Trước đấy, nhiều người dân vẫn đồn thổi những chuyện rờn rợn quanh căn phòng này. Những tiếng loảng xoảng, chặt chém khi về đêm, cảm giác rờn rợn, lạnh sống lưng khi đêm tối phải đi trong hành lang. Có lẽ vì thế, đêm xuống ai ở nhà ấy, cầu thang, hành lang trở nên vắng vẻ càng tạo ra sự ớn lạnh. "Khi Cường và Mạnh đến dọn nhà ở, ngay sáng hôm sau, thấy các cháu ra khỏi nhà, tôi hỏi: "Các cháu ngủ có thấy gì không"?, cả hai cùng nói: "Chúng cháu dọn nhà mệt, đặt người xuống là ngủ luôn nên chẳng thấy gì cả". Vậy là tôi yên tâm rồi, có người ở, không chuyển đi thì căn phòng sẽ không lạnh lẽo, cảm giác sợ hãi của người dân chúng tôi rồi cũng qua đi", bà Hiền nói.
Sau lấy vợ, Cường đã chuyển về Cầu Diễn ở, căn phòng được bán cho chị gái. Chủ nhân của căn phòng ấy hiện nay là một nữ sinh viên của Đại học Hà Nội. Mấy lần phóng viên tìm đến, căn phòng đều khoá ngoài. Chờ đợi mãi, cuối cùng, tôi cũng gặp được cô sinh viên nhỏ nhắn. Nghe tiếng gõ cửa, Phượng- cô sinh viên ấy ra mở cửa. Khi tôi hỏi về căn phòng này đã từng xảy ra án mạng, Phượng ngập ngừng: "Em cũng biết chuyện mình ở trong ngôi nhà như vậy. Nhưng em cũng không muốn tìm hiểu, không hỏi tung tích, không thích tìm hiểu".
Phượng cũng bảo: "Hôm em mới về đây ở, cũng có mấy bác hàng xóm đi qua bảo nhà rộng ở một mình có sợ không? Em hỏi lại, sợ gì ạ? Nhưng em vẫn hiểu ngay các bác ấy định ám chỉ điều gì. Em thấy mọi chuyện vẫn bình thường, và điều mọi người xì xào cũng không ảnh hưởng gì đến tâm lý của em".
Mới hay, nhìn cảnh nhớ người nhưng người mới không ký ức thì cảnh cũ dẫu tồn tại cũng chẳng gợi nhớ chuyện xưa. Phượng đã nghĩ như vậy, và em đã và đang sống bình yên trong căn hộ sau thảm án với nhiều đồn thổi.
Bước qua sự sợ hãi Hai cậu sinh viên Cường và Mạnh đã ở trong ngôi nhà "ma ám" suốt thời sinh viên cho đến khi đi làm, lấy vợ. Họ là những người tốt, sống với cái tâm trong sáng nên có gì đáng ngại đâu. Cường và vợ đến bây giờ sống hạnh phúc, các con đều học giỏi ngoan ngoãn. Thực sự, họ là những người bước qua sự sợ hãi, chấm dứt những lời đồn huyễn hoặc. Ngôi nhà đã được "giải oan" khi có những người trẻ như cậu, cháu Cường. |
Nhóm Phóng viên