Theo đó, báo cáo tại phiên họp, đại diện Tp.Đà Nẵng cho biết địa phương này đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, bãi bỏ thủ tục có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, tạm trú, công bố mới lại bộ thủ tục hành chính. Đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành đã công bố ban hành lại bộ thủ tục hành chính này.
Thành phố cũng tập trung nguồn lực và trang thiết bị triển khai thủ tục "3 trong 1" liên quan đến khai sinh (cấp giấy khai sinh, cấp thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế) và khai tử (khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí) từ ngày 10/7.
Báo cáo về điểm nhấn trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết thành phố đã thí điểm dịch vụ công toàn trình (cấp độ 4) đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe trên địa bàn.
Điểm đặc biệt của Đà Nẵng đó chính là việc thực hiện "đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe". Đây là mô hình đột phá trong chuyển đổi số, theo đó người dân chỉ cần một bước đến khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn (Tp.Đà Nẵng), cung cấp thông tin, giấy phép lái xe cũ, sẽ được hỗ trợ thực hiện các thủ tục và trả giấy phép mới tại nhà.
Tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết địa phương đang đánh giá việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội và nghị định của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, trong đó có việc không tổ chức HĐND cấp phường.
Thành phố đã chỉ đạo, tập trung thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức tại 175 phường; quyết định chuyển công chức cấp xã ở phường sang công chức Nhà nước.
Địa phương cũng báo cáo Bộ Nội vụ giao bổ sung 2.625 biên chế công chức tại 175 phường thành công chức cấp quận quản lý, hoạt động theo cơ chế quản lý mới. Kết quả, đã giảm 125 biên chế so với khi chưa thực hiện thí điểm.
Hà Nội kiến nghị điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường theo số lượng dân cư và diện tích tăng thêm hoặc tăng thêm các chế độ, chính sách đối với công chức ở những phường có số lượng dân cư đông (bình quân mỗi phường của Hà Nội có 25.000 dân, thậm chí có phường tới 100.000 người)…
Trong khi đó tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết tỉnh đã triển khai thí điểm liên thông một số thủ tục lĩnh vực đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, xây dựng…
Theo đó, người dân chỉ nộp hồ sơ một lần tại bộ phận một cửa nhưng nhận được nhiều kết quả; cắt giảm đáng kể thời gian và số lần đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, tỉnh triển khai tiếp nhận giải quyết thủ tục theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Cụ thể, UBND tỉnh lựa chọn 83 thủ tục (lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công thương...) người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện thường xuyên thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện để giao cho Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận.
Người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của huyện, thành phố hoặc tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm có 1.240 hồ sơ được giải quyết.