Đánh thức tiềm năng
Giữa tháng 7, trời nắng như đổ lửa, hàng nghìn người từ thập phương đã về khu du lịch sinh thái Phà Lài ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An để tắm mát. Không khí trong lành giữa rừng núi, buổi tối nhảy bên bếp lửa bập bùng trong giai điệu của người Thái, thưởng thức cơm lam 7 màu và gà nướng,… là những trải nghiệm không thể nào quên.
Bà Vi Thị Thắm, Giám đốc khu du lịch sinh thái Phà Lài cho biết, trước đây, khu vực này vô cùng hoang sơ do nằm trong vùng rừng núi vườn quốc gia Pù Mát. Người dân phần lớn đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế vô cùng khó khăn, chỉ mới biết làm lúa nước do bộ đội hướng dẫn, vì thế nghèo đói quanh năm.
Năm 2017, bà quyết định thành lập công ty du lịch để khai phá vùng đất này, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, công việc chỉ mới khởi đầu thì cuối năm 2019 dịch Covid-19 xuất hiện, việc phát triển du lịch bị đình trệ hơn 2 năm qua.
“Ngay khi có chủ trương mở cửa trở lại, khu du lịch sinh thái Phà Lài đã chuẩn bị cơ sở vật chất, về nhân sự và các gói dịch vụ sản phẩm mới để phục vụ cho du khách. May mắn là trong mấy tháng nay, rất đông du khách đã đến thăm quan, nghỉ dưỡng”, bà Thắm cho biết.
Cách làm du lịch của Phà Lài là lấy văn hóa làm trung tâm, làm du lịch kết hợp với quảng bá văn hóa bản địa. Vì thế mà, bà đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm và mời gọi các nghệ nhân dân gian sưu tầm và phục dựng nhiều làn điệu hát múa cũng như một số lễ hội cổ của người Thái.
Du khách đến với Pha Lài có thể tham quan các làng nghề, được tận tay dệt nên những tấm thổ cẩm theo thiết kế của đồng bào. Thú vị hơn, là được trải nghiệm các hoạt động sản xuất như đánh cá, hái cam, cày ruộng, chèo thuyền… và cùng thưởng thức, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng bà con trong thôn bản. Thích nhất là được cùng bà con chế biến các món ăn đặc sắc của đồng bào Thái ở Nghệ An.
“Du khách đến với Phà Lài, ngoài nghỉ dưỡng và trải nghiệm như đánh cá, cưỡi trâu, chèo thuyền... thì họ còn muốn khám phá nét đẹp văn hóa của bà con nơi đây. Cách tốt nhất là sân khấu hóa một số sinh hoạt của đồng bào để họ được thỏa mãn. Vì thế mà, tôi đang cố gắng cùng các nghệ nhân dàn dựng truyền thuyết “Trăm cây nứa vàng” của người Đan Lai, hoặc dựng lại hào khí “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” của nghĩa quân Lê Lợi năm xưa”, bà Thắm nói.
Không chỉ riêng huyện Con Cuông, để khôi phục hoạt động du lịch sau thời gian dài chống chọi với dịch Covid-19, các huyện miền Tây Nghệ An chú trọng phát triển loại hình du lịch không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng ở các huyện miền núi.
Đó là loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng được xây dựng khá bài bản, mang hồn cốt bản địa hết sức độc đáo. Du khách sẽ được chìm vào không gian văn hóa bản địa của người dân tộc thiểu số, được thưởng thức những ấm thực độc, lạ của người bản địa, được trải nghiệm sinh hoạt cùng người dân...
Tại Homestay Lâm Khang, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, ngay từ đầu năm 2022, nắm bắt được xu hướng “mở cửa” du lịch, đơn vị đã chỉnh trang, nâng cấp và làm mới cơ sở vật chất, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan, điểm check in, khảo sát, học hỏi thêm các nơi.
Bà Lang Thị Kim, Giám đốc Homestay Lâm Khang cho biết, tham gia trải nghiệm, du khách sẽ được cùng ăn, cùng ở với người dân tộc Thái thông qua các hoạt động uống rượu cần, nhảy sạp, đốt lửa trại, bắt cá, mò ốc, leo đồi hái rau rừng... và nhiều dịch vụ thú vị khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển du lịch cộng đồng Nghệ An hiện nay còn có những tồn tại, hạn chế: doanh thu về du lịch chưa lớn, đóng góp chưa thực sự đáng kể vào nguồn thu nhập của cộng đồng; số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đưa đón khách đến các điểm du lịch cộng đồng còn ít; cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch cộng đồng tại các bản làng còn thiếu, chưa đồng bộ như nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách, giao thông đi lại còn khó khăn…
“Một trong những hạn chế đó là lực lượng lao động tham gia làm du lịch cộng đồng còn thiếu về cả số lượng và chất lượng. Để đào tạo được một lao động có trình độ vô cùng khó, hơn nữa có rất nhiều người trong đợt dịch vừa qua cũng đã phải tìm việc khác, nên giờ chúng tôi chưa biết làm cách nào để đủ người phục vụ du khách”, bà Kim cho hay.
Nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng
Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo ngành du lịch, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị ngành du lịch cần có sự điều chỉnh, thay đổi nhận thức và tư duy về phát triển du lịch; phải xác định kinh tế du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên kết ngành và liên kết vùng rất cao, do đó, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương để xây dựng ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng nghĩa đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022 cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Tỉnh Nghệ An cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng với nhiều hạng mục như xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn ở của khách du lịch, hỗ trợ đội văn nghệ của các thôn, bản mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn để phục vụ du khách. Ngoài ra, tỉnh còn mở các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về du lịch, đào tạo tiếng Anh; hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, quảng bá cho các địa phương có điểm du lịch cộng đồng...
Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thúc đẩy sự phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn này khoảng 10,3 tỷ đồng.
Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm: các hộ gia đình; thôn, xóm, bản; UBND các huyện, có đầy đủ các điều kiện được hỗ trợ; chính sách hỗ trợ đối với mô hình hộ gia đình và thôn, xóm, bản theo Nghị quyết này là hỗ trợ sau đầu tư.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai hỗ trợ cho 4 mô hình tại 4 bản của 4 huyện miền Tây Nghệ An với 12 hộ gia đình tham gia. Tổng kinh phí hỗ trợ trong năm 2021 là 1.940 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó giám đốc sở Du lịch Nghệ An cho biết, trong thời gian tới, sở tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phục hồi hoạt động du lịch; đồng thời tham mưu cho tỉnh từng bước cơ cấu lại sản phẩm và thị trường khách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
“Để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, sở đã phối hợp các ban ngành trong tỉnh xây dựng nên một số sản phẩm mới, đặc trưng, khác biệt, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách nội địa và quốc tế. Trong đó, có những sản phẩm nổi bật như: Tour khám phá cung đường miền Tây Nghệ An với nhiều điểm dừng chân trải nghiệm văn hóa bản địa giàu bản sắc, ẩm thực phong phú…”, ông Lợi nói.
Nghệ An cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng về các sản phẩm du lịch cộng đồng; chủ động tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng các ấn phẩm quảng bá du lịch. Trong đó, gắn điểm đến du lịch cộng đồng với các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh.