Đông Nam Á vẫn là ưu tiên của Grab
Kỳ lân công nghệ của Singapore, Grab sẽ vẫn tập trung vào thị trường Đông Nam Á ngay cả khi công ty được niêm yết tại Mỹ, đồng sáng lập kiêm CEO Anthony Tan nói với Nikkei.
Với việc các nhà đầu tư mô tả công ty có giá trị lớn nhất Đông Nam Á này giống như phiên bản kết hợp của những tên tuổi công nghệ như Uber Technologies và Ant Financial, Tan nhấn mạnh Grab sẽ mở rộng quy mô các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi hiện có như giao thực phẩm và tài chính kỹ thuật số.
"Chúng tôi sẽ tập trung vào khu vực", ông nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến hôm 4/5, cùng ngày Grab tuyên bố sẽ niêm yết cổ phiếu thông qua hợp nhất với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Tan cho biết thêm, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn "để xây dựng mạng lưới giao hàng hiệu quả và chi phí thấp nhất" bằng cách đầu tư vào bản đồ và công nghệ, "cách mạng hóa thanh toán di động, dịch vụ tài chính và ngân hàng kỹ thuật số".
Trong những tháng tới, Grab sẽ hợp nhất với tập đoàn Altimeter Growth có trụ sở tại Mỹ, đứng dưới tên Altimeter Capital, niêm yết tại Nasdaq. Với màn ra mắt lần này, Grab dự kiến được định giá ở mức 39,6 tỷ USD, mang lại khoảng 4,5 tỷ USD cho công ty.
Grab đã giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore vào năm ngoái và dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ vào đầu năm sau.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng kỹ thuật số và mở rộng nó”, Tan nói.
Đối thủ cạnh tranh chính của Grab là Sea, gã khổng lồ thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến có trụ sở chính tại Singapore và niêm yết tại New York, đang bắt đầu mở rộng sang các thị trường Mỹ Latinh như Brazil. Điều này đặt ra một câu hỏi: Grab có thể còn mở rộng ra khỏi khu vực hay không.
Tan cho biết, Đông Nam Á có dân số gần gấp đôi Mỹ, với 670 triệu người, trong khi mức độ áp dụng các dịch vụ trực tuyến, từ di động đến giao hàng đến thanh toán điện tử, vẫn còn thấp. "Thị trường vẫn còn ở mức chưa đại trà. Dư địa cho sự phát triển là rất lớn".
CEO xuất thân từ trường Kinh doanh Harvard cũng cho biết công ty được thành lập vào năm 2012 với vai trò là một ứng dụng đặt taxi này sẽ tập trung vào khu vực vì có quan hệ đối tác với các công ty địa phương cũng như chính quyền địa phương.
Khi được hỏi tại sao công ty quyết định niêm yết cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, Tan nói rằng công ty đang ở "vị thế tốt nhất" để thực hiện điều đó sau khi tổng giá trị hàng hóa vào năm 2020 đã vượt qua mức trước dịch bệnh.
"Bất chấp COVID, chúng tôi có một năm 2020 mạnh mẽ hơn bao giờ hết, điều này cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Chúng tôi thực sự mạnh hơn trước đây".
Tan nói, thỏa thuận với Altimeter Capital là "cách tốt nhất để lên sàn", vì công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon có được "một bảng vốn hóa vững chắc" - từ các nhà đầu tư mạnh như BlackRock, Fidelity International và Temasek Holdings.
Tiết lộ chi tiết báo cáo tài chính, Grab đã báo cáo khoản lỗ ròng 2,7 tỷ USD năm 2020 – điều có thể khiến mức định giá 39,6 tỷ USD của công ty có vẻ quá cao đối với một số người. Về điểm này, Tan nói: "Chúng tôi thấy nhiều nhà đầu tư mô tả mình như Uber cộng với DoorDash và Ant. Và so sánh đó là có cơ sở".
Về tương lai, trọng tâm vẫn là liệu các nhà đầu tư hiện tại của Grab có bán cổ phần trong công ty hay không, đặc biệt là Tập đoàn SoftBank - hậu thuẫn lớn nhất - đã đầu tư hàng tỷ USD vào đây, bao gồm cả thông qua Quỹ Vision.
Mặc dù quyết định thuộc về nhà đầu tư, nhưng "theo sự am hiểu của tôi thì các công ty như SoftBank có cổ phần lớn sẽ tiếp tục ủng hộ", Tan nói.
Bao giờ Grab hết lỗ?
Grab được thành lập vào năm 2012, được coi là câu trả lời ở Malaysia với các ứng dụng đặt xe taxi ở Mỹ. Nhưng công ty này đã phát triển đáng kinh ngạc so với mục đích ban đầu, trở thành một nền tảng kỹ thuật số cung cấp mọi thứ từ dịch vụ đặt xe đến dịch vụ tài chính. Grab hiện hoạt động tại 8 thị trường trên khắp Đông Nam Á, gồm Singapore, Indonesia, Cambodia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thailand và Vietnam.
Công ty mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber vào năm 2018, bắt đầu hoạt động kinh doanh giao đồ ăn GrabFood cùng năm và mở GrabMart, doanh nghiệp giao hàng tạp hóa, vào năm 2019. Giao hàng hiện là mảng lớn nhất của Grab, chiếm khoảng một nửa hoạt động kinh doanh của công ty.
Ngày nay, người dùng có thể đặt một chuyến xe đi làm vào buổi sáng, thanh toán tiền mua hàng vào buổi chiều và đặt món ăn cho gia đình vào buổi tối. Grab cho biết họ có 25 triệu người dùng hàng tháng và đã hoàn thành 1,9 tỷ giao dịch vào năm ngoái.
“Khái niệm siêu ứng dụng có phần xa lạ với nhiều nhà đầu tư Mỹ, nhưng một số nhà đầu tư và người tiêu dùng nghĩ về chúng tôi như sản phẩm kết hợp tốt nhất của DoorDash, Uber và Ant Group. Đó mới thực sự là điều độc đáo”, Ming Maa, chủ tịch Grab nói với tờ SCMP.
Hiệu suất giá cổ phiếu của Uber và Lyft kể từ khi IPO cho thấy các nhà đầu tư vẫn thận trọng về tương lai của dịch vụ gọi xe do các tiên phong trong ngành vẫn là những dự án thua lỗ.
Bản thân Grab vẫn không có lãi nhưng công ty hồi tháng 1 cho biết hoạt động kinh doanh gọi xe đã hòa vốn trên tất cả các thị trường vào năm ngoái. Doanh thu của tập đoàn đã tăng 70% vào năm 2020. Trong khi đó, mảng giao thực phẩm dự kiến sẽ đạt mức hòa vốn vào cuối năm nay.
Moody's Investors Service và S&P Global Ratings đều nhận định Grab sẽ tiếp tục thua lỗ trong vòng 2-3 năm tới.
Công ty Singapore dự kiến tổng giá trị hàng hóa - tổng doanh số bán hàng thông qua nền tảng sẽ đạt mức cao nhất 34 tỷ USD trong thời gian 3 năm tới, sau khi đạt 12,5 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 40%.
Cơ quan xếp hạng cho biết thêm, quy mô ngày càng tăng và thói quen của người dùng cũng sẽ cho phép Grab chuyển một phần chi phí giữ chân khách hàng sang người bán hàng, vì nền tảng này đang trở thành một phương thức tiếp thị và quảng cáo hiệu quả.
Lượng tiền mà công ty “đốt” trong các hoạt động kinh doanh cũng đã thu hẹp lại kể từ năm 2018.
Chi phí tiếp thị của Grab cũng thấp hơn so với các công ty khác vì nền tảng tối ưu hóa thời gian của tài xế tốt hơn; Ví dụ, 59% tài xế giao hàng cũng đồng thời đưa đón hành khách. Thu nhập cao hơn cho các tài xế đồng nghĩa với việc công ty chi tiêu ít hơn để giữ họ trong mạng lưới của mình.
Giá trị thị trường giao đồ ăn trực tuyến dự kiến sẽ tăng từ khoảng 11 tỷ USD ở Đông Nam Á hiện nay lên khoảng 21 tỷ USD vào năm 2025. Chi tiêu của người dùng cho dịch vụ đi xe dự kiến sẽ tăng hơn gấp ba lần lên khoảng 16 tỷ USD.