Gửi nam sinh đốt xe ở xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông),
Tuy chất lượng video ghi lại hành động xấu xí của em không được tốt cho lắm, nhưng tôi vẫn thấy rùng mình. Trước khi tính đến những chuyện xa xôi, em nên cảm thấy may mắn, vì nơi em châm lửa đốt xe không có bốt điện hoặc các vật liệu dễ cháy.
Thú thực, khi nghe một chàng phượt thủ ở Vĩnh Phúc bị bắn tốc độ nói với lực lượng chức năng: "Đây xe là của em và em thậm chí có thể đốt nó luôn ở đây", tôi chỉ nghĩ rằng đó chỉ là một câu dọa dẫm đầy ấu trĩ nói ra trong lúc bực tức. Đến khi tận mắt trông thấy hình ảnh chiếc xe cháy ngùn ngụt mà người tham gia giao thông ghi lại, tôi mới tin có những người liều lĩnh tới mức châm lửa đốt xe mình.
Từ em, anh thanh niên 33 tuổi đi sai làn đường khi qua ngã tư Biên Hòa, thành phố Phủ Lý cho tới người đàn ông 47 tuổi điều khiển xe máy không biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm… bị cảnh sát giao thông dừng kiểm tra tại khu vực trước đồn Công an phường Trần Phú (TP.Bắc Giang) – Tất cả đều có một điểm chung là sau khi xin xỏ bất thành mới quay sang chống đối kiểu “hổ báo”.
Tôi biết, không ít người đang bào chữa cho hành động đốt phương tiện khi bị cảnh sát dừng xe kiểm tra vi phạm với lý lẽ xe máy là tài sản cá nhân nên người vi phạm “muốn làm gì thì làm”. Còn có người hỏi cắc cớ: “Giờ tôi đập chiếc điện thoại “cục gạch” xuống đường thì cũng bị xử phạt hay sao?”
Vậy mới thấy lòng ích kỷ của con người ta bị phơi bày trong rất nhiều tình huống. Dẫu chiếc xe máy là do anh mua đi chăng nữa thì ngoài kia vẫn còn không khí, lòng đường, vỉa hè… có nguy cơ bị hủy hoại bởi những hành động bồng bột kia mà!
Nam sinh thân mến, tôi muốn em biết rằng việc đốt một đống rác nhỏ ngoài đường lớn không phải là chuyện cỏn con, không cần xin phép. Bởi theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 7 của Nghị định 167/2013/ NĐ – CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi "tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng" bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Mười mấy năm chạy xe, dù luôn nhắc mình phải tập trung nhưng tôi không tránh khỏi đôi, ba lần đãng trí đỗ nhầm làn, quên không bật xi-nhan. Cũng nhờ những lần đứng chờ nhận quyết định xử phạt ấy mà tôi đã thu thập được kha khá chiêu thức xin xỏ, ăn vạ của người vi phạm. Nhiều người xin không được, tỏ vẻ bực bội ra mặt nhưng vẫn nghiêm chỉnh rút ví hoặc để lại giấy tờ theo quy định.
Cá nhân tôi nghĩ rằng việc nộp phạt sẽ giúp người vi phạm cẩn trọng hơn khi điều khiển phương tiện, có trách nhiệm hơn với sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. Và dù phương tiện vi phạm không đáng giá bằng số tiền nộp phạt, em cũng không có quyền hủy hoại nó trước mặt những người muốn bảo vệ mình.
Có là Chí Phèo, cũng đừng nghĩ tất cả mọi người đều là Bá Kiến.
Ký tên
Người qua đường