Nhóm quỹ ngoại Dragon Capital vừa báo cáo đã mua vào 603.600 cổ phiếu FPT tại Công ty Cổ phần FPT trong phiên 25/8. Cụ thể, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund mua 495.000 cổ phiếu, quỹ Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust mua 68.600 cổ phiếu, quỹ Hanoi Investments Holdings Limited và KB Vietnam Focus Balanced Fund cùng mua 20.000 cổ phiếu.
Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital tại FPT nâng từ 4,98% lên mức 5,03%.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên ngày 25/8, mã FPT giao dịch quanh mức giá 90.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy ước tính Dragon Capital đã chi gần 55 tỷ đồng để mua vào tổng 603.600 cổ phiếu FPT trên.
Kết phiên ngày 29/8, mã FPT dừng ở mức 93.600 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh lên đến hơn 1,5 triệu đơn vị. Qua đó đưa vốn hóa của FPT ở mức hơn 118.869 tỷ đồng, tương ứng gần 5,2 tỷ USD.
Trong 5 phiên giao dịch gần đây từ ngày 23 – 29/8, cổ phiếu FPT đã tăng 9,47% và vượt mốc 90.000 đồng qua đó giúp Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình có thêm hàng trăm tỷ đồng tài sản.
Đáng chú ý, tại phiên giao dịch ngày 24/8, khối lượng khớp lệnh lên đến hơn 5,2 triệu đơn vị. Trung bình trong 5 phiên giao dịch gần đây, khối lượng khớp lệnh lên đến gần 2,8 triệu đơn vị/ngày.
Về bức tranh tài chính, khép lại quý II/2023, doanh thu thuần FPT đạt 12.484 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; cấn trừ đi các chi phí, tập đoàn báo lãi sau thuế kỷ lục 1.855 tỷ đồng, tăng 16%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu FPT đạt 24.166 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 4.339 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,9% và 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của FPT ở mức 60.556,7 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 44% quy mô tài sản của tập đoàn, ghi nhận ở mức 26.688 tỷ đồng, tăng 37% so với hồi đầu năm.
Trong đó, FPT có gần 20.450 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn theo nguyên tệ, hơn 4.114 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và gần 2.120 tỷ đồng các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng.
Thời điểm cuối quý II/2023, các khoản nợ phải trả chiếm hơn nửa nguồn vốn của FPT, ghi nhận hơn 31.961 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm và chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Vay nợ thuê tài chính của tập đoàn tăng 58% so với đầu năm lên 19.545 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn ghi nhận 17.386 tỷ đồng. Về các khoản vay, FPT vay 9.152 tỷ đồng tiền Việt Nam (VND), 6.576 tỷ đồng bằng đô la Mỹ (USD) và 3.816 tỷ đồng yên Nhật Bản (JPY).