Lay lắt chờ chết để sám hối
Đó là cảm nhận của tôi khi tiếp xúc với những tử tù có vợ, con. Gia đình nhỏ là cái gì đó vớ vẩn trước khi họ dấn thân vào con đường phạm tội, nhưng lại là thứ làm họ phải sám hối nhiều nhất khi ở phòng biệt giam, bốn bề là tường xi măng, lạnh đến buốt tủy sống và nóng đến "rực" cả người. Khanh - tử tù ở trại tạm giam công an TP.Hải Phòng đã từng bất cần tới mức phạm tội liên tiếp để bị truy bắt gắt gao.
Thế nhưng, vợ và đứa con gái bé nhỏ đã "ràng buộc sự tự do", khơi dậy cái bản năng muốn sống của Khanh đến mức, y đi phẫu thuật chỉnh hình, có một khuôn mặt mới, để mong trốn tội, "ở lại" cuộc sống thường nhật với vợ con. Khanh tâm sự rằng: "Lúc đó, tôi nghĩ, phẫu thuật khuôn mặt là lý do duy nhất để tôi tồn tại mà không ai phát hiện được. Tôi chỉ mong, với sự thay đổi đó, tôi được tồn tại trong cuộc đời rộng lớn này vài năm để làm gì đó cho vợ, con; cho đứa con gái nhỏ bé lớn lên, hiểu được sự đời. Sau đó, tôi chịu sự trừng phạt, chứ không có ý trốn tránh pháp luật cả đời. Mà, trốn sao được cơ chứ. Tôi hối hận, vì đã để cho vợ, con phải lo lắng, phải chịu sự khinh miệt từ miệng lưỡi thế gian là có chồng, có cha phạm trọng tội, bị tử hình".
Nghe tâm sự, nhìn biểu hiện trên khuôn mặt, tôi hiểu, Khanh đang thật sự sám hối. Trò chuyện với tôi, Khanh cũng thừa nhận: "Bây giờ, sám hối cũng chẳng được gì khi mà hình phạt không thể thay đổi, mệnh của tôi cũng đã tới “cung - số””. Thế nhưng, Khanh lại mâu thuẫn ngay rằng: "Không sám hối thì biết làm gì trong khi chờ chết ở đây? Kêu la, chửi bới ư? Chẳng để làm gì. Giá như ngày ấy tôi tĩnh tâm được như bây giờ, tôi sẽ hóa giải được những mâu thuẫn, để không bị kích động. Thôi thì còn sống còn hy vọng là đằng sau cái tai tiếng mang đến cho vợ con, họ vẫn còn đâu đó trong sâu thẳm tâm can, người chồng, người cha biết tội, dám nhận tội, sám hối và mong được tha thứ". Cái sự giá như của Khanh làm tôi quay quắt với suy nghĩ, những ai đó đang và sẽ thực hiện hành vi tội lỗi, hãy học Khanh mà dừng lại.
Với Nguyễn Đức Tiềm (ở trại tạm giam công an tỉnh Bắc Ninh) thì lại khác. Sự sám hối của Tiềm thể hiện ở chỗ trút hết lỗi lầm của mình cho người bạn thân và vợ. Tiềm cho rằng, đức tin của mình bị lạc lối nên mới có người bạn thân, người vợ như thế. "Tôi căm thù anh ta, bạn thân gì chứ. Anh ta nói rằng, đã ngủ với vợ tôi ngày, giờ, tháng, năm…" - Tiềm nói với giọng chất chứa hận thù người bạn thân đã từng giúp vợ chồng Tiềm trong thời gian khó khăn về kinh tế. Vợ "hư" như vậy, sao không chia tay cho rồi? Tiềm trả lời ráo hoảnh: "Tôi theo đạo Thiên chúa, không thể bỏ vợ được… "Tôi bất ngờ với kiểu sám hối lạ lùng của Tiềm.
Nói xong, Tiềm lại lấy tay che miệng, nấc thành tiếng. Điều làm tôi không giải thích được ở tử tù này là, chất chứa trong lòng nỗi oán giận vợ như vậy nhưng khi vợ gửi đồ vào thăm nuôi, Tiềm lại giữ như báu vật. Quả thật, khó có thể lý giải cái hành động gài thuốc nổ vào xe máy, làm chết cháu và chị dâu vợ của Tiềm. Tiếp xúc với Tiềm xong, chính tôi còn cảm thấy mình bị kích động bởi cảm xúc xâm lấn với suy nghĩ "tử tù này phải đền nhiều mạng sống, nhiều cuộc đời vẫn chưa đủ".
Thế nhưng, tìm hiểu toàn bộ diễn biến của vụ án, cũng như từ điều tra viên, tôi cảm thấy đây là tử tù mang trong mình nhiều phần con hơn phần người. Đó là sự dữ dội, hoang dã trong hành động phạm tội; đó là sự ganh ghét đến đố kỵ trong đó có phần tính cách của kẻ quá tiểu nhân. Ngoài ra, tôi còn cảm nhận được, ở tử tù này có cái gì đó thiếu tự tin và bản lĩnh khi sống cùng vợ con. Tiềm luôn mang trong mình tâm trạng tự kỷ, suy nghĩ tiêu cực trước cuộc sống, trước những người thân.
Chỉ nghĩ đến mẹ và em gái
Tử tù Dần ở trại tạm giam công an tỉnh Hưng Yên trông trắng trẻo, thư sinh. Dần cùng vợ giết chết người nước ngoài để cướp tài sản. Có vợ nhưng Dần và vợ thỏa thuận, "tiện với ai thì ngủ với người đó", vì đi làm ăn xa. Gặp tôi trong phòng biệt giam, Dần thừa nhận rằng: "Những ngày ở đây (trong tù - PV), người khiến em cảm thấy có lỗi nhất là mẹ. Em sợ nhất mẹ biết và khóc". Còn với Phú ở trại tạm giam công an TP. Hải Phòng thì lúc nào cũng nhớ về mẹ. Trong giấc ngủ, Phú vẫn thường mơ được mẹ nấu cơm cho ăn. Phú bảo: "Mỗi lần được mẹ đến thăm, em hồi hộp lắm, phải chuẩn bị thật kỹ để mẹ thấy rằng, em vẫn "ổn" nhưng khi mẹ về, em khóc một mình".
Hồ sơ của Phú thể hiện, Phú chưa phạm tội lần nào, chỉ một lần duy nhất là giết cô bạn hàng xóm, lấy xe máy… Chỉ một lần duy nhất này đã làm Phú trả cả mạng sống của mình. Phú tâm sự: "Em cũng không thể giải thích được hành động của mình lúc đó. Với hàng xóm, người thân, em là người ngoan. Em thương mẹ vô cùng. Vì em mà mẹ chịu khổ, chịu mang tiếng và chẳng có ai chăm sóc lúc tuổi già. Chị gái đã đi lấy chồng, chị còn phải lo công việc nhà chồng chứ, mẹ sẽ như thế nào lúc tuổi già nếu không có con cái chăm sóc. Chắc mẹ sẽ cô quạnh lắm…". Nghe tâm sự như thế, ai chẳng cảm thông và thấy cuộc đời của tử tù bất hạnh. Song, suy cho cùng, tự họ tạo ra sự bất hạnh cho chính mình, chứ chẳng ai ép buộc họ.
Tử tù Trang ở trại tạm giam công an tỉnh Bắc Ninh thì chỉ nghĩ đến cô em gái bơ vơ ngoài đời. Trang bị xử tử hình vì đã dùng xăng đốt một đồng phạm cùng mua bán chất ma túy trong đường dây của mình. Hành vi của Trang rất tàn độc và lạnh lùng. Có thể do Trang không nhận được sự chăm sóc của cha mẹ. Trang không cảm nhận được sự ấm áp của đôi bàn tay người mẹ nên lạnh lùng và thiếu những cảm xúc về yêu thương? Nhìn thấy chúng tôi, Trang rất bình thản, nói chuyện nhát gừng và không đầu, không cuối. Trang thừa nhận: "Chẳng có gì níu giữ tôi ở lại cuộc sống này, ngoài em gái và những trò ăn chơi". Thế mới biết, khi con người ta đã đánh mất tất cả, nhất là niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống thì cuộc sống này đối với họ thật nhạt nhòa.
Trong những lần ít ỏi em gái tới trại thăm nuôi, Trang thể hiện bản lĩnh người chị rất rõ. Trang đã động viên, hỏi han em rất nhiều, nhưng tuyệt nhiên không khóc, không nhắc đến quá khứ. Trang còn khuyên em gái rằng, hãy cố gắng sống tốt, tìm một người đàn ông xứng đáng để yêu thương, tin cậy mà trao gửi cuộc đời, đừng sống một mình. Vì theo Trang, sống một mình đơn côi lắm, lúc đó tự ti sẽ sinh ra nhiều suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Sống có người để yêu thương thì mới thấy giá trị của cuộc sống, mới cần phải sống tốt để nhận được yêu thương.
Thư cho sự sống còn lại
Nguyễn Năng Sỹ, tử tù ở trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang, viết chữ khá đẹp. Lá thư Sỹ gửi cho vợ và con gái, tôi đọc và thấy xúc động thực sự. Những lời dặn trong thư xuất phát từ gan ruột của Sỹ và tôi không tìm thấy sự sáo rỗng. Khi chưa phạm tội, Sỹ là bác sỹ giỏi, kiếm tiền, gánh vác cả gia đình. Vợ con Sỹ quá bất ngờ khi chồng, cha bị bắt và bất ngờ hơn khi biết được sự thật, Sỹ bị kéo vào con đường phạm tội là do người tình có chồng nghiện, là "bà trùm" ma túy nổi danh một thời tên là Ngọc.
Bao yêu thương vỡ òa theo sự thật, vợ con Sỹ đã im lặng khá lâu. Sự im lặng thể hiện ở chỗ, họ ít đến thăm nuôi Sỹ hơn những tử tù khác. Sự im lặng đó, làm Sỹ thấy sợ hơn là sự thoi thóp chờ chết từng ngày. Những dòng thư Sỹ viết cho vợ, con chất chứa suy tư, sự sám hối đến não lòng. Sỹ mong vợ con hãy nhanh quên người chồng, người cha tội lỗi này để tìm cho mình một cuộc sống mới. Bởi vợ và con đáng được như vậy. Sỹ xin vợ con đừng tha thứ cho mình, để mình "đi" được thanh thản.
Là người được đọc khá nhiều thư tử tù viết cho vợ con, cha mẹ, quả thật, tôi thấy thư của Sỹ khác biệt quá. Sỹ lý giải: "Họ cần phải quên thật nhanh người chồng, người cha này đi để tạo dựng cuộc sống mới. Những lần gần đây, đến đợt thăm nuôi, tôi nhất quyết không gặp vợ con để tự trừng phạt mình. Tôi làm thế để cho sự sống tiếp theo của vợ, con được nhẹ nhàng". Một suy nghĩ được cho là tích cực, rất vì vợ con, thế nhưng, sao Sỹ không nghĩ vì vợ con mà đừng phạm tội, cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao…
Tử tù Quyết (ở Thái Bình), đã bị thi hành án, viết thư trước đó cho mẹ rất xúc động. Thư Quyết viết rằng: "Mẹ hãy nguyền rủa con để con biết là mình đã sai, để con thấy mình bị trừng phạt là đúng. Cả đời mẹ đã yêu thương con rồi, con luôn ghi nhớ". Còn với nữ tử tù Thư (ở Hải Phòng) cũng đã bị thi hành án, thư tử tù này viết cho con trước lúc ra pháp trường có đoạn: "Mẹ chấp nhận hình phạt do mẹ gây ra, không thể chối cãi. Mẹ yêu các con. Các con yêu mẹ, các con hãy cố gắng sống thật tốt, sống tốt cả phần đời của mẹ chưa sống hết. Các con sống cho đúng một con người, làm được việc tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Con nào nghe mẹ, ngày giỗ mẹ, hãy thắp cho mẹ nén nhang còn không nghe lời, có thắp mẹ cũng chẳng nhận đâu…".
Tôi đã đọc và lọc trong nhiều thư tử tù còn được lưu trữ tại cơ quan công an. Tôi ấn tượng với những lá thư dạy con, yêu con như thế. Và, tôi lại thấy tiếc, rồi đặt câu hỏi, sao trước khi phạm tội, họ không nghĩ đến hậu quả để rồi bây giờ sám hối thì… đã muộn. Và, tôi biết, câu hỏi của mình trùng với từ "giá như" của tử tù vẫn nghĩ, để rồi chẳng có câu trả lời cụ thể nào hết.
Dư âm về sự sống lay lắt và nỗi đau Chẳng biết là may mắn hay trớ trêu nữa, mới gần 20 tuổi nghề, tôi đã gặp hơn chừng đó tử tù ở phòng biệt giam. Cảm giác khiếp sợ, gì gì đó mà trước khi gặp và những người làm báo chưa từng gặp tử tù đã nhồi nhét vào đầu tôi bỗng chốc tan biến. Gặp họ, trong tôi chỉ còn sự đau đớn và dư âm lay lắt về sự sống đọng lại. Họ phạm tội và đáng phải vĩnh viễn rời khỏi cuộc sống tươi đẹp này, nhưng trực diện với họ thì đó cũng là con người, bằng xương, bằng thịt, làm tôi cảm thấy đau nhiều hơn là trách. Chỉ mong được ân xá để bù đắp cuộc đời Tử tù Khôi ở trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang thoạt nhìn như một nông dân chính hiệu. Thế nhưng, Khôi lại là kẻ mua bán ma túy có thứ hạng. Quá trình trò chuyện với tôi, tử tù này chỉ một điệp khúc rằng: "Cán bộ ơi, em mong được ân xá, em sẽ dùng cả mạng sống của mình để đền bù cuộc sống này. Em biết mình đã sai rồi". Tử tù Khôi đâu biết rằng, cái mà anh ta đang sám hối ấy, nó thật mong manh và khó thực hiện. |
Vũ Hoàng - Quế Ngân