Tháng 7/1868, báo cáo đầu tiên trong thời hiện đại về UFO xuất hiện ở thành phố Copipapo (Chile). Sau đó, liên tiếp nhiều đĩa bay được phát hiện ở khắp nơi trên thế giới, khiến sự tồn tại của chúng là không thể phủ nhận. Đa số mọi người tin rằng, người ngoài hành tinh là chủ nhân của những chiếc đĩa bay này.
Nhưng cũng có không ít người nghi ngờ, những UFO thời hiện đại chính là sản phẩm của các cường quốc quân sự, chẳng hạn như Liên Xô hoặc Mỹ, Anh, Pháp. Các cường quốc này đã lấy ý tưởng từ mô hình đĩa bay theo mô tả của các nhân chứng nhìn thấy nó, và chế tạo ra thiết bị bay tương tự.
Một hồ sơ mới được giải mật của Không lực Hoa Kỳ đã thừa nhận những nghi ngờ này là có cơ sở. Năm 1956, Mỹ đã từng bí mật tiến hành một dự án chế tạo đĩa bay siêu khủng, với hy vọng vượt lên Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh.
Chiếc đĩa bay của Không lực Hoa Kỳ (phải) không thể tung hoành như kỳ vọng (trái)
Kế hoạch động trời
Từ đầu những năm 1950, căng thẳng giữa hai phe trong cuộc Chiến tranh Lạnh đã lên đến cực điểm, khiến nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự trực diện giữa các cường quốc trở lên rõ hơn bao giờ hết. Sự tiến bộ vượt bậc của Liên Xô về kỹ thuật tên lửa khiến các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ lo ngại rằng một khi xảy ra giao chiến giữa hai bên, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Liên Xô sẽ quét sạch các căn cứ không quân của mình trong chớp mắt. Cần phải thay thế những máy bay chiến đấu thông thường bằng một thiết bị bay có thể cất cánh từ các nhà chứa máy bay ngầm mà không cần đường băng.
Chúng phải có tốc độ đủ lớn để không tên lửa nào có thể bắt kịp, và có khả năng tấn công kinh hoàng khiến đối phương không thể chống đỡ nổi. Những chiếc đĩa bay thoắt ẩn thoắt hiện như bóng ma trên bầu trời của người ngoài hành tinh có vẻ như là một giải pháp phù hợp. Dự án mang bí danh 1794 ra đời.
Điều thú vị là dự án quan trọng này lại được Không lực Hoa Kỳ đặt hàng một đối tác Canada, công ty Avro Aircraft Ltd. Người đứng đâu dự án là nhà thiết kế lừng danh Jack Frost, người đã từng tham gia nhiều dự án chế tạo máy bay quân sự cho Mỹ và các nước đồng minh. Căn cứ vào những yêu cầu của phía Mỹ, ông đã đưa ra một bản thiết kế đĩa bay vô cùng phức tạp, tinh vi.
Dựa trên nguyên lý phản lực, ông bố trí một dãy động cơ theo chu vi hình tròn, phản lực của động cơ sẽ giúp nâng đĩa bay lên theo phương thẳng đứng như những chiếc máy bay trực thăng mà không cần đến đường băng. Để di chuyển theo các phương khác, lại cần những động cơ riêng. Tất cả được tích hợp trong một ngoại hình giống như một chiếc đĩa bay thực sự. Jack Frost đặt tên cho sản phẩm của mình là VZ-9 Avrocar, thường được gọi bằng cái tên vắn tắt VZ-9. Theo thiết kế, VZ-9 sẽ là một khí tài bay không có đối thủ khi nó có thể đạt tới tốc độ kinh hoàng: Mach 4 (gấp 4 lần tốc độ âm thanh, tương đương khoảng 1.361m/giây).
Cần biết là những tên lửa siêu việt nhất thế giới lúc bấy giờ của cả Mỹ và Liên Xô mới chỉ vượt qua được tốc độ Mach 1 và còn đang hướng tới chinh phục Mach 2. Chưa hết, VZ-9 có phạm vi hoạt động tới 1.600km, trần bay 30.000m. Đây là những thông số đáng mơ ước cho một thiết bị tấn công đường không vào thời điểm đó.
Ngay sau khi Jack Frost thuyết minh bản thiết kế và trưng ra mô hình làm bằng gỗ, Washington đã lập tức bị thuyết phục và nhanh chóng phê duyệt dự án. Lúc này, đang có những đồn đoán về việc Liên Xô cũng thúc đẩy việc chế tạo đĩa bay quân sự, khiến các nhà lãnh đạo Mỹ liên tục hối thúc Avro Aircraft Ltd cần khẩn trương hoàn thiện thiết kế để sớm bắt tay vào chế tạo. Số tiền được rót cho dự án không ngừng tăng, từ 400.000USD theo dự kiến ban đầu đã vọt lên 3,16 triệu USD sau khi dự án được thông qua.
Địa điểm tiến hành nghiên cứu dự án được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24, tiến độ công việc được báo cáo hàng ngày lên lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Mọi hoạt động cũng như các cá nhân liên quan đến dự án được tạo điều kiện tối đa, dưới sự bảo mật cao khiến người ta nhớ lại dự án Manhattan (chế tạo bom nguyên tử) thời Thế chiến thứ hai. Giới chức Mỹ nóng lòng chờ đón ngày có thể khoe với cả thế giới những chiếc đĩa bay vốn được coi là chỉ có thể đến từ một hành tinh khác.
Mô hình đĩa bay của Hoa Kỳ dù đã được triển khai nhưng chỉ để trưng bày.
Nỗi thất vọng tràn trề mang tên VZ-9
Cuối năm 1956, cuộc thử nghiệm đầu tiên với các động cơ đĩa bay VZ-9 đã thất bại. Chúng bị rò rỉ dầu và bốc cháy. Sang năm 1958, Jack Frost khắc phục xong các lỗi của động cơ. Ông tuyên bố VZ-9 sẽ trở thành một chiếc xe Jeep bay của quân đội Mỹ, sau khi thành công trong hai cuộc thử nghiệm với kết quả là VZ-9 đã mang được một trọng tải 450kg, di chuyển quãng đường 40km trong vòng 10 phút. Phấn khích trước những thành công ban đầu khá ấn tượng này, một bản hợp đồng trị giá 2 triệu USD đã được Chính phủ Mỹ trao cho Avro Aircraft Ltd để phát triển nguyên mẫu.
Để ngụy trang khi bay thử nghiệm, những chiếc đĩa bay này được mang tên công khai là Avrocar, với hàm ý đây là mẫu ôtô bay của hãng Avro Aircraft dành cho lĩnh vực dân sự. Quân đội Mỹ tỏ ra cực kỳ quan tâm và tin tưởng vào tương lai của đĩa bay, đến mức họ thậm chí còn cắt giảm cả một phần ngân sách quốc phòng dành cho phát triển máy bay trực thăng để chuyển cho các hoạt động chuẩn bị nhằm đón đầu sự ra đời của phi đội đĩa bay trong nay mai. Một sĩ quan cao cấp trong Trung tâm thử nghiệm của không quân Mỹ còn tin rằng, có lẽ những chiếc UH-1 danh giá sẽ là thế hệ trực thăng cuối cùng của quân đội nước này.
Đĩa bay mới là tương lai của Không lực Hoa Kỳ. 700.000USD được không quân Mỹ rót cho Avro Aircraft Ltd vào năm 1958 khi chiếc đĩa bay đầu tiên bắt đầu được chế tạo. Đến tháng 3/1959, hãng này lại nhận thêm được 1,7 triệu USD để chế tạo luôn chiếc thứ hai, dù chiếc thứ nhất vẫn chưa hoàn thành.
Tháng 5/1959, chiếc Avrocar đầu tiên được xuất xưởng. Nhưng phải đến tháng 10 năm đó, những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nó mới được tiến hành. Kết quả thật thất vọng: lực đẩy quá yếu khiến chiếc đĩa bay không thể nhấc mình lên khỏi mặt đất, dù mới chỉ là trọng lượng bản thân (1.944kg), chưa hề gắn vũ khí. Tháo bỏ bớt một số chi tiết, xả bớt nhiên liệu, thay phi công bằng thiết bị điều khiển từ xa để giảm trọng lượng xuống mức thấp nhất có thể là 1.430kg, nó cũng chỉ bay được là là mặt đất. Dù có thử đi thử lại vài lần, kết quả cũng không hề khá hơn. Niềm hy vọng của nước Mỹ nằm chềnh ềnh dưới mặt đất thay vì tung hoành trên bầu trời như người ta đã vẽ ra.
Lầu Năm Góc nổi giận và ra lệnh chuyển chiếc Avrocar này cho NASA (cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ) điều tra. Tại đây, các chuyên gia bậc thầy về hàng không đã chỉ ra những sai lầm chết người trong thiết kế của Avrocar, khiến nó không thể bay: Phản lực chỉ tập trung vào một diện tích rất nhỏ xung quanh mép đĩa bay, thay vì phân bố rộng khắp toàn bộ bề mặt bên ngoài của nó, làm cho lực nâng không đủ mạnh để đẩy đĩa bay lên cao. Thiết kế chỗ ngồi quá chật hẹp, không thể xoay sở sẽ gây mỏi mệt cho phi công.
Nếu có thể bay, hệ thống vũ khí 450kg là quá yếu ớt, cộng với tốc độ rùa bò sẽ khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng bị bắn hạ chỉ bởi các súng bộ binh thông thường, chứ không cần đến hỏa lực phòng không. Tốc độ Mach 4, trần bay 30.000m, phạm vi 1.600kmchỉ là những thông số hão huyền. Không thể chế tạo được thiết bị bay nào như vậy, vào thời điểm đó.
Kết luận của NASA đã dội một gáo nước lạnh vào Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Không tin nổi giấc mơ của mình lại tan vỡ một cách chóng vánh đến thế, dự án tiếp tục được âm thầm triển khai với niềm hy vọng mong manh. Jack Frost cùng các cộng sự đã áp dụng nhiều cải tiến, giúp khả năng của VZ-9 Avrocar được cải thiện đôi chút: Tháng 1/1960 đạt được đến độ cao 24m, với tốc độ 56km/h. Đến tháng 4/1961, Avrocar đạt được tốc độ 190km/h và đây cũng là thời điểm dự án hết kinh phí. Thất vọng hoàn toàn về những chiếc đĩa bay này, lãnh đạo Hoa Kỳ quyết định ngừng tài trợ. Tháng 12/1961, dự án 1794 chính thức bị hủy bỏ.
Cho đến nay, hai chiếc đĩa bay VZ-9 Avrocar duy nhất trên thế giới đều đang yên nghỉ trong bảo tàng. Chiếc đầu tiên nằm trong phòng trưng bày máy bay của Tổng thống, thuộc Bảo tàng Chiến tranh Lạnh. Chiếc thứ hai nằm trong bảo tàng vận tải quân đội Hoa Kỳ, bang Virginia. Một dự án đánh dấu tham vọng của không lực Hoa Kỳ cuối cùng đã có kết cục như vậy.
Thanh Tùng