'Dự án bauxite Tây Nguyên nộp ngân sách mỗi năm 850 tỷ đồng'

'Dự án bauxite Tây Nguyên nộp ngân sách mỗi năm 850 tỷ đồng'

Thứ 5, 16/05/2013 15:41

Đó là phát biểu của TS Nguyễn Tiến Chỉnh - người phát ngôn của Vinacomin về 2 dự án bauxite ở Tây Nguyên.

Theo phát biểu của TS Nguyễn Tiến Chỉnh về hai dự án bauxite ở Tây Nguyên là Tân Rai và Nhân Cơ, mỗi năm hai dự án này nộp ngân sách Nhà nước khoảng 850 tỷ đồng và dự kiến khoảng 12 - 13 năm sẽ hoàn vốn.

Số liệu từ Vinacomin cho thấy, Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng và Dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Dự án bauxite – nhôm Lâm Đồng đã hoàn thành Nhà máy tuyển quặng, Nhà máy alumina, đến nay đã khai thác được trên 1,6 triệu tấn quặng bauxite và sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bauxite (tính đến tháng 4/2013).

'Dự án bauxite Tây Nguyên nộp ngân sách mỗi năm 850 tỷ đồng'Tính đến tháng 4/2013, tổng giá trị đầu tư đã thực hiện của toàn bộ dự án này khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân khoảng 11.125 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 5/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để đưa Nhà máy alumina vào sản xuất sản phẩm thương mại đầu tiên.

Đối với Dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông,  tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan là khoảng 6.836 tỷ đồng (đến tháng 4/2013), trong đó, đã giải ngân gói thầu EPC đạt khoảng 4.606 tỷ đồng.

Gói thầu EPC Nhà máy alumin Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục (còn hạng mục trồng cây xanh chưa thực hiện). Dự kiến nhà máy có sản phẩm vào năm 2014.

Trả lời câu hỏi: Tranh cãi nhiều nhất là hiệu quả của 2 dự án, nếu hiệu quả dự án không được như dự toán thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? TS Nguyễn Tiến Chỉnh cho hay: “Hiện nay, tất cả luật liên quan đến thuế, phí và chính sách của nhà nước thì chúng tôi đều tính đầy đủ trong các tính toán liên quan đến hiệu quả của dự án. Mức thuế tài nguyên được chúng tôi tính theo quy định của địa phương, thuế môi trường theo quy định của nhà nước, ngoài ra phí chuyển quyền cấp phép khai thác cũng được tính, kể cả đền bù giải phóng mặt bằng cũng đã được tính.

Về giá cả, có 2 phương pháp tính. Thứ nhất là tính theo biến động có lạm phát; thứ hai là tính giá cố định theo dự báo giá. Vinacomin dự báo giá  của hai dự án trên cơ sở những dự báo tăng trưởng nhu cầu thế giới về nhôm, Alumin, trên cơ sở đó chỉ tính giá cả có phần cố định chứ không tính đến biến động lạm phát. Còn trách nhiệm, đã làm dự án mà không hiệu quả thì Vinacomin chịu trách nhiệm trước Đảng và nhà nước.

Những năm đầu, dự án lỗ vì một số nguyên nhân: Do khấu hao tính đủ, lãi vay thời kỳ đầu, nền kinh tế đang suy giảm, xuất phát điểm giá bán thấp… vì vậy dự án bị lỗ, nhưng sau này khi giá tăng lên thì dự án sẽ có lãi”.

Vị đại diện của Vinacomin cũng cho biết, Nhà nước đang cho phép áp dụng mức thuế xuất khẩu 0%, nhưng khi giá tiêu thụ phục hồi thì mức thuế xuất khẩu quặng nhôm sẽ tăng lên chứ không thể giữ mãi mức thuế suất 0% được.

Kể từ khi hai dự án này được triển khai cho tới nay đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về hiệu quả và tác động của dự án đối với môi trường tại khu vực này. Vinacomin khẳng định dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, trong khi vẫn có một số chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cho rằng theo báo cáo mới nhất mỗi dự án chênh 3.500 tỷ đồng; việc hoàn thổ cũng rất khó khăn, và việc phải dừng triển khai Cảng Kê Gà cũng cho thấy sai lầm của Vianacomin; việc giảm chi phí giải phóng mặt bằng đền bù cho người dân bị cho là Vinacomin đang đổ cái khó cho người dân…

Trước những thắc mắc này, TS Nguyễn Tiến Chỉnh cho hay, việc đền bù giải phóng mặt bằng, Vinacomin tuân thủ theo chế độ chính sách hiện tại và đã đền bù đủ, đúng với quy định. Còn với việc hoàn thổ, dự kiến sau 3 năm sẽ hoàn nguyên được.

“Chúng tôi tôn trọng các ý kiến của các chuyên gia, nhưng TKV mong muốn chúng ta ngồi lại với nhau, Bộ Công Thương có thể mời các chuyên gia có thẩm quyền ngồi lại với nhau thẩm định trên cơ sở thực tế, cơ sở dữ liệu đầy đủ chứ không chỉ dựa vào một vài dữ liệu”, ông Chỉnh nói.

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh cũng thông tin, hiệu quả dự án đã được  tính rất chi tiết, từ dự án mỏ đến nhà máy alumin và tất cả các thông số dự báo. “Tại sao có hiệu quả, xin đưa 3 thông số cơ bản nhìn nhanh. Thứ nhất, đối với hiệu qủa kinh tế, trong đó phần thuế, tất cả các chính sách thuế đều được tính. Thứ 2, hiệu quả về tài chính, trừ tất cả thuế phí, phần còn lại, hiệu quả đang thấp hơn so với mong đợi nhưng vẫn cao hơn tỉ lệ chiết khấu bình quân so với vốn vay trên thị trường vốn. Thứ 3, chỉ tiêu thời gian hoàn vốn giản đơn, chúng tôi xác định khoảng 12 năm đối với Lâm Đồng và 13 năm đối với Nhân  Cơ”, ông Chỉnh cho hay.

Tuy nhiên, đối với những câu hỏi xoay quanh giá bán sản phẩm này, vị đại diện của Vinacomin cho biết, có công khai giá thành dự kiến với cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Bộ Công Thương, giải trình Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, nhưng đây là “bí mật kinh doanh” nên không công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Khánh Tuân (Nguồn: Trí Thức Trẻ)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.