Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng "bất động": Dân chịu khổ đến bao giờ?

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng "bất động": Dân chịu khổ đến bao giờ?

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 3, 09/10/2018 16:30

Trong khi chủ đầu tư và tư vấn giám sát vẫn đang “đấu đá” lẫn nhau khiến dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng đình trệ, UBND TP.HCM đứng giữa lại bất lực. Vụ việc khiến người dân TP vẫn là nạn nhân khi ngụp lặn trong nước ngập.

Mưa 30 phút là ngập

Hiện nay, các “rốn ngập” tập trung ở các tuyến đường như: Cây Trâm, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), An Dương Vương (quận 8) Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… Danh sách điểm ngập còn kéo dài với hàng loạt tuyến đường khác như:  Hòa Bình (quận 11), Hậu Giang (quận 6), Lương Định Của (quận 2)… Và, chỉ cần mưa trong thời gian nửa tiếng đồng hồ là các tuyến đường trên lại ngập.

Điều đáng nói, những tuyến đường này nước ngập sâu và thời gian ngập lâu, có điểm phải mất hơn 5 giờ nước mới rút, khiến người dân bị ảnh hưởng rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai (ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) cho biết: “Trời chỉ cần mưa một lát là đủ cho nước ngập sâu, gần hết cả xe máy và thời gian lâu nên không buôn bán gì được. Trong khi đó, người dân thì bị kẹt xe, chết máy, ảnh hưởng đến sinh hoạt, việc làm… Nói chung là ngập làm đảo lộn cuộc sống của người dân”.

Đầu tư - Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng 'bất động': Dân chịu khổ đến bao giờ?

Người dân phải lội bì bõm trong những cơn mưa gần đây.

Theo số liệu thống kê của trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM, hiện còn khoảng 40 tuyến đường bị ngập nước, trong đó có 14 tuyến đường thường xuyên bị ngập do mưa. 26 tuyến đường còn lại dù đã được xử lý chống ngập bằng các giải pháp cấp bách, tuy nhiên, mưa xuống vẫn ngập… như thường.

Chính vì thế, người dân đang chờ đợi các dự án chống ngập được cho là có thể… khắc phục thực trạng này. Thế nhưng, một trong những dự án chống ngập “khủng” lại đang “đắp chiếu” do các bên “cãi nhau”. Trong khi đó, chính quyền TP lại không thể giải quyết sự việc này.

"Cầu cứu" bất thành

Sau khi dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tạm ngưng thi công 5 tháng, UBND TP.HCM đã có văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng chủ trì họp với các bộ, ban ngành và TP.HCM để giải quyết vướng mắc của dự án.

Tuy nhiên, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi UBND TP.HCM về thực hiện dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Theo công văn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP chịu trách nhiệm toàn diện về đầu tư và hiệu quả của dự án. Bởi, UBND TP.HCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án.

Việc tổ chức triển khai dự án và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của TP. Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM  tập trung chỉ đạo, giải quyết các vấn đề liên quan để dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của UBND TP.HCM cho biết: “UBND TP.HCM sẽ họp để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cơ quan có liên quan, nhằm đảm bảo đúng nhiệm vụ và hướng tới mục tiêu chung là khởi động trở lại và sớm hoàn thành dự án, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín công tác quản lý của TP.HCM. Mặt khác, việc để dự án không thể thi công tiếp cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng giá trị công trình và làm phát sinh lãi suất”.

Đầu tư - Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng 'bất động': Dân chịu khổ đến bao giờ?  (Hình 2).

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn đang "án binh bất động".

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần mời đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (TVGS) để làm việc với các bên liên quan".

"Tuy nhiên, đơn vị này đều từ chối, không tham dự. Lần mới nhất là vào cuối tháng 9/2018, chúng tôi cũng đã chủ động tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết các khúc mắc giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và đơn vị TVGS thế nhưng công ty này cũng không có mặt”, ông này nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (đơn vị thực hiện dự án) lại phân trần: “Đơn vị TVGS khi xác nhận giá trị hoàn thành trong các văn bản thường kèm theo các khuyến cáo và nhiều ý kiến thiếu cơ sở. Điều đó đã gây áp lực khiến cho thành phố không dám xác nhận. Hơn nữa, đây là những thông tin sai lệch, tạo dư luận xấu, dẫn tới dự án chậm tiến độ”.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.