Một số ý kiến băn khoăn, dù dự án có hoàn thành chăng nữa cũng chưa chắc giải được bài toán ngập tại TP.HCM. PV có cuộc trao đổi với PGS. TS Hồ Phi Long, Giám đốc trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM xung quanh chủ đề này.
PV: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ “giải cứu” TP.HCM khỏi ngập úng đang có nguy cơ trễ hẹn trong khi người dân TP đang phải chịu cảnh bì bõm trong nước. Ông nhìn nhận điều gì về thực tế này?
PGS. TS Hồ Long Phi: Đây là dự án do UBND TP.HCM phê duyệt tháng 12/2015, có tên đầy đủ là Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét yếu tố biến đổi khí hậu theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT). Dự án được giao cho tập đoàn Trung Nam Group đầu tư xây dựng với số vốn gần 10.000 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện xây 8km đê bao ven sông Sài Gòn, đoạn từ Vàm Thuật đến sông Kinh, 25 cống nhỏ dưới đê, đoạn từ Vàm Thuật đến Mương Chuối. Dự án có 6 cống kiểm soát triều cường tại Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Trong đó, hệ thống cống Mương Chuối vận hành theo nguyên tắc vào mùa mưa, mực nước thượng lưu sẽ lớn hơn hạ lưu, cửa tiêu nước sẽ được mở. Ngược lại, vào mùa khô, cống sẽ mở tiêu nước khi mực nước thượng lưu lớn hơn hạ lưu...
Dự án được thực hiện xây dựng tại các quận 1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; khởi công tháng 12/2016, dự kiến hoàn thành trong 3 năm. Đây là dự án chống ngập có nhiều khả thi, được người dân kỳ vọng nhiều, được chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ. Tuy nhiên, mới đây, phía công ty đầu tư cho rằng có nguy cơ trễ hẹn vì vướng đền bù giải tỏa từ người dân và một số cá nhân, tổ chức... Việc này tôi cho rằng hoàn toàn bình thường, bởi từ trước đến nay, chuyện trễ hẹn từng xảy ra nhiều rồi.
PV: Ông có thể giải thích vì sao một dự án chống ngập lớn, được đầu tư công phu, người dân chính quyền đồng thuận, nhà đầu tư cũng quyết tâm làm nhưng vẫn trễ hẹn?
PGS. TS Hồ Long Phi: Chuyện này rất đơn giản và trễ hẹn là vì không còn cách nào khác. Thực tế, giá đất đền bù quy định hiện hành của Nhà nước thấp hơn nhiều so với thị trường. Chẳng hạn, khu vực huyện Nhà Bè, giá bồi thường chỉ 5 triệu đồng/m2, nhưng giá đất trên thị trường lên tới 15 thậm chí 20 triệu đồng/m2. Thế nên, người dân không chịu giải tỏa là điều đương nhiên.
Trong khi đó, dự án đã ký kết xong xuôi, thỏa thuận giá đền bù được quy định cụ thể trước đó, nay giá đất thổi lên, nếu không có phương án giải quyết thì việc trễ hẹn là bình thường. Thực tế, nhiều dự án chống ngập, dự án xây dựng khác còn trễ hẹn cả 7 - 10 năm chỉ vì chuyện đền bù giải tỏa không thỏa đáng.
PV: Vậy theo ông, việc thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng có khả thi hay không, cách nào để khắc phục chuyện trễ hẹn này?
PGS. TS Hồ Long Phi: Việc các dự án chống ngập tại TP.HCM hiện đang là bài toán khó. Bởi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng chỉ mới là một dự án nhỏ. Thực hiện được dự án này, người dân sẽ vui mừng và phấn khởi, nhất là người dân các quận nội thành, thường phải chịu cảnh ngập do triều cường. Tôi cho rằng dự án đưa ra và thực hiện rất khoa học. Và hướng đi của chính quyền cũng như người dân đều rất đúng đắn.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất ở đây chính là nguồn vốn để xây dựng. Để thực hiện nhanh và đúng tiến độ dự án, tôi cho rằng, chính quyền phải giải quyết được với những hộ dân thuộc diện giải tỏa để họ đồng ý giao đất cho chủ đầu tư thực hiện. Hoặc có thể thiết kế lại vị trí và thi công lại, cái này cũng rất tốn kém. Do đó, tôi nghĩ cần có cơ chế đặc thù về tài chính cho thành phố để thực hiện thành công những dự án chống ngập này.
PV: Không riêng dự án này, theo ông chúng ta nên có những tiêu chí nào để các dự án chống ngập thực hiện nhanh hơn, và đặc biệt là không bị “đắp chiếu”?
PGS. TS Hồ Long Phi: Ngập nước là chuyện từng được bàn bạc nhiều năm nay, làm sao để chống ngập thành công. Tôi nghĩ về kỹ thuật và con người là chuyện nhỏ. Vấn đề làm sao có vốn thực hiện, muốn thế Nhà nước cần phải thực hiện xã hội hóa các dự án xây dựng công trình chống ngập.
Theo tôi, dự án 10.000 tỷ đồng để chống ngập do triều cường sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của thành phố, giúp tình trạng ngập nhà dân tại các quận nội thành giảm đáng kể so với trước đây. Đồng thời, dự án này thực hiện tốt sẽ có nhiều dự án chống ngập khác được thực hiện thành công theo. Hiện tại, tình trạng ngập do mưa, thời tiết vẫn diễn ra tại nhiều quận vùng ven như Thủ Đức, quận 9, quận Bình Tân... Theo tính toán, để thực hiện những dự án chống ngập toàn thành phố cần số vốn lên tới 150.000 tỷ đồng. Nhưng nguồn vốn Nhà nước hạn hẹp nên thứ cần tìm cách khắc phục hiện nay chính là nguồn vốn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ông Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM: Dự án 10.000 tỷ làm xong ngập vẫn hoàn ngập... Tôi e ngại rằng, dự án này làm xong thì ngập vẫn hoàn ngập. Bởi, nó được xây dựng, thực hiện quá vội vàng, chưa tính toán kỹ. TP.HCM được xem là trung tâm của cả miền Nam, khi giải bài toán chống ngập cần nghiên cứu không chỉ TP.HCM mà ở cả các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương... Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng nằm ở lưu vực sông nên việc kết hợp giải quyết triều cường giữa TP.HCM và các tỉnh giáp ranh vô cùng cần thiết. Bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch ở TP.HCM đều kết nối với các tỉnh trên. Vì thế, với một dự án chống ngập do triều cường hay biến đổi khí hậu cũng đều phải được xem xét, tính toán kỹ. Dự án trên, TP.HCM chỉ mới giải quyết cục bộ. Cho nên, dù chống ngập xong ở địa bàn này nhưng địa bàn khác vẫn ngập như thường. |
Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trung Nam Group: Trở ngại lớn nhất là giải phóng mặt bằng Chúng tôi khẳng định, dự án xây dựng hệ thống chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn thực hiện đúng tiến độ. Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP.HCM và tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6/2016, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công, yêu cầu đến tháng 6/2019 phải hoàn thành. Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo Thành ủy đã yêu cầu rút ngắn thời gian thi công xuống còn 22 tháng để sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng tại thành phố. Dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Đồng thời, chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Hiện nay, trong giai đoạn 1, dự án đã đạt gần 37% khối lượng thi công. Khối lượng xây lắp còn lại chỉ còn khoảng 63%. Ở giai đoạn này chủ yếu thi công trên mặt nước nên dễ dàng thực hiện và tiến độ nhanh hơn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng thi công bờ kè dọc hai bờ mang cống. Hiện, mặt bằng của 16 doanh nghiệp, 1 tổ chức tại phía quận 7, cống Phú Xuân, cống Mương Chuối, cống Cây Khô, cống Phú Định, cống cầu Kinh, rạch Bà Bướm và 402 hộ dân vẫn chưa giải tỏa xong. Đơn vị vẫn đang thương lượng và thực hiện. Theo đó, nếu mặt bằng bàn giao kịp trong tháng 8, chậm nhất là tháng 9 tới, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp 30/4/2018. |
Lành-Hạnh