Chưa chốt phương án bồi thường
Trao đổi với Người Đưa Tin, một số hộ dân tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang bày tỏ sự bức xúc khi Công ty Cổ phần Năng lượng Điện gió Tiền Giang (Công ty Điện gió Tiền Giang) tự ý thi công, lắp đặt hệ thống cột điện và đường dây truyền tải điện trên phần đất của mình mà không thông báo và thông qua sự đồng ý của người dân.
Các hộ dân này cho biết, vào khoảng giữa tháng 9/2021, hàng chục nhân viên của Công ty Điện gió Tiền Giang bất ngờ đến triển khai thi công, lắp đặt cột điện và đường dây truyền tải điện. Bất ngờ trước sự việc trên, nhiều hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng phản ứng thì được đại diện của UBND xã Phước Trung thông tin, phần đất trên nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện trên không của Dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1, 2.
Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng việc chủ đầu tư và chính quyền địa phương không thông báo, không họp lấy ý kiến thống nhất của các hộ dân bị ảnh hưởng, cũng như chưa thực hiện các thủ tục bồi thường, hỗ trợ mà đã triển khai thi công dự án là không đúng quy định. Vì vậy, các hộ dân yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng thi công để hoàn tất các thủ tục trên.
Sau khi nhận được những phản ứng của người dân, UBND xã Phước Trung mời đại diện các hộ để làm việc, họp bàn về các phương án đền bù. Đáng nói, trong lúc người dân và đại diện chính quyền địa phương đang làm việc để thống nhất phương án hỗ trợ bồi thường, phía chủ đầu tư dự án vẫn tiếp tục cho nhân viên thi công lắp đặt trụ điện, kéo đường dây điện bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng.
Chị N.T.T.L. (ngụ xã Phước Trung) cho biết, chị và gia đình luôn hoan nghênh, ủng hộ các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là dự án điện gió. Tuy nhiên, chị L. cho rằng cách làm việc của chủ đầu tư và chính quyền địa phương là chưa đúng.
“Họ triển khai dự án trên phần đất của tôi từ giữa tháng 9, nhưng đến ngày 8/10 mới gửi thông báo về việc thi công cho tôi. Sau khi tôi phản ứng, họ mới đưa ra phương án bồi thường nhưng với giá rất thấp, không hợp lý. Nhà tôi có đến 338m2 đất mặt tiền đường bị ảnh hưởng, nhưng giá đền bù chỉ hơn 52 triệu đồng ", chị N.T.T.L. chia sẻ.
Tương tự, chị Đ.T.H.D. (ngụ xã Phước Trung) cũng cho biết, sau khi dự án thi công trụ điện và đường dây 110kV được thi công trên phần đất của gia đình mình, chị đã yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án bồi thường hợp lý. Tuy nhiên, mức giá được đưa ra là rất thấp so với thực tế.
“Phần đất của chúng tôi bị ảnh hưởng có diện tích là 140,7 m2 nhưng mức giá bồi thường chỉ trên 12 triệu đồng. Mức giá này là rất thấp so với thực tế nên chúng tôi không đồng ý. Đến nay dự án đã thi công xong nhưng chúng tôi vẫn chưa thể thỏa thuận việc bồi thường", chị D. cho biết.
Cách đó không xa, hộ ông T.V.C. cũng có hơn 500 m2 đất bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng mức giá đền bù ông nhận được chỉ hơn 48 triệu đồng. Ông C. cho rằng, mức giá như vậy là không thỏa đáng.
Chính quyền địa phương nói gì?
Liên quan đến những phản ánh của người dân, PV đã liên hệ ông Hà Quốc Kiệt, Giám đốc dự án Nhà máy Điện Gió Tân Phú Đông 1, 2 để tìm hiểu thông tin. Ông Kiệt cho biết, dự án đang chuẩn bị phát điện vào ngày 30/10 nên Công ty đang rất bận.
Sau đó, PV liên hệ ông Trương Văn Sạch, Chủ tịch UBND xã Phước Trung để tìm hiểu. Trao đổi với PV, ông Sạch cho biết sự việc trước đây có gây nhiều bức xúc nhưng đã được giải quyết ổn thỏa, chỉ còn một số ít hộ chưa đồng ý. Hiện nay, đường dây điện đã được thi công xong và hoàn tất chạy thử nghiệm. Các phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, thống nhất và địa phương đã thực hiện đúng theo quy trình.
Về lý do không tổ chức họp lấy ý kiến người dân trước khi thi công, Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết, do thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, không thể tổ chức họp dân được và thời gian cũng gấp rút nên đã ủy quyền cho Công ty Điện gió Tiền Giang được đi trực tiếp đến từng hộ dân để thực hiện bồi thường.
Ngoài ra, theo Chủ tịch xã Phước Trung, trước đó, tỷ lệ người dân đồng ý để thực hiện dự án đã đạt trên 90%. Vì vậy UBND tỉnh đã đồng ý phương án cho bảo vệ để thi công công trình. Đối với những hộ còn lại, hội đồng bồi thường và Công ty Điện gió Tiền Giang sẽ tiếp tục gặp gỡ những chủ hộ để giao tiền theo quy định của Nhà nước.
Ở góc độ pháp lý, theo luật sư Trương Nguyễn Công Nhân, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Nhân Việt - Đoàn Luật sư Tp.HCM, việc không thông báo, không thống nhất, thỏa thuận bồi thường với người dân mà đã thực hiện thi công, đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Quy trình thủ tục bồi thường, hỗ trợ, ngoài việc tuân thủ Luật Điện lực, chủ đầu tư cần phải tuân thủ pháp luật về đất đai.
Ngoài ra đối với việc bồi thường, căn cứ Điều 18, Điều 19 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP và Nghị định số 51/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ; tùy từng loại đất, tùy loại nhà ở và công trình phục vụ sinh hoạt và tùy từng điều kiện sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo mức giá khác nhau.
Trong trường hợp người dân đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật nhưng không đồng ý với mức giá được đưa ra, người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Nhóm PV