Kết nối giao thông mang tầm quốc gia
Ngày 6/6, Quốc hội sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh.
Quan tâm đến dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, Hà Nội là thủ đô của cả nước và là vùng “Thủ đô” của rất nhiều tỉnh, phát triển của Hà Nội phải liên quan đến phát triển của các tỉnh trong vùng.
“Nếu dự án này được vận hành, tôi nghĩ rằng ý nghĩa của “vùng thủ đô” sẽ thực sự được phát huy tác dụng”, ông Cường nói.
Đại biểu đoàn Hà Nội phân tích thêm, riêng với thành phố, hiện chưa có vành đai 4, đường vành đai 3 đã hoàn thành nhưng suốt ngày bị áp lực ùn tắc giao thông rất cao. Như vậy, chứng tỏ nhu cầu giao thông qua lại tại khu vực này rất lớn.
“Nếu tình trạng này không được đáp ứng bằng việc mở rộng đường vành đai 4 thì không chỉ tạo ra áp lực cho nội thành Hà Nội, gây ra ùn tắc khó khăn mà còn cản trở hoạt động lưu thông mang tính quốc gia”, ông Cường nêu quan điểm.
Lý do được vị đại biểu này đưa ra là tất cả đầu mối giao thông từ phía Nam lên phía Bắc, từ phía Đông sang phía Tây đi qua khu vực Hà Nội sẽ đều bị ảnh hưởng nếu không có đường vành đai 4. Nếu có đường vành đai 4 sẽ giải quyết được kết nối giao thông mang tầm quốc gia.
Nói thêm về ý nghĩa thúc đẩy kinh tế nếu có thêm đường vành đai 4, ông Cường cho biết, khi có vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết vùng thủ đô, các tỉnh trong vùng thủ đô. Như vậy, không chỉ Hà Nội là cực phát triển mà cực phát triển lan tỏa thành các điểm phát triển trong vùng.
Thêm nữa, có vành đai 4 chạy qua, các nguồn lực bên cạnh sẽ có điều kiện để đầu tư phát triển, đầu tư các trung tâm công nghiệp, thương mại, trung tâm đô thị… như vậy sẽ mang lại nguồn lực phát triển rất cao.
Chia sẻ thêm về tổng mức đầu tư cho vành đai 4 liệu có khả thi? Trả lời vấn đề này, đại biểu Cường cho rằng chủ trương đầu tư rất đúng, cần thiết và nguồn vốn đầu tư nên đa dạng, không nên tập trung nhìn vào một nguồn vốn.
“Đặc biệt, phải nghĩ đến việc khai thác các nguồn lực sẽ được hình thành khi đường vành đai 4 được triển khai. Về tổng mức đầu tư, phải tính toán thật chính xác, chặt chẽ tránh tình trạng có thể dự toán quá thấp khi triển khai không đủ vốn sẽ bị đình trệ, hoặc dự toán quá cao thì có thể dẫn đến quản lý không chặt chẽ sẽ bị thất thoát. Vì thế, việc rà soát tổng mức đầu tư là cần thiết, phải lấy căn cứ từ kinh nghiệm đã từng xây dựng các công trình tương đồng để áp dụng tính cho phù hợp”, ông Cường phân tích thêm.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng những đường vành đai khác như vành đai 2 đang chậm tiến độ, hiện lại đề xuất thêm vành đai 4 thì sợ rằng sẽ lại chậm tiến độ, về điều này, ông Cường nói: “Phải tiến hành đồng thời chứ không vì vành đai 2 chưa xong mà phải chờ xong mới làm”.
Điểm nhấn để quảng bá, thu hút đầu tư
Là đại biểu đoàn Tp.HCM, khi nhắc về dự án đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nhiều năm qua hệ thống đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ còn rất hạn chế.
Thời gian gần đây, tập trung nhiều hơn cho hạ tầng giao thông, các tuyến đường cao tốc Bắc – Nam. Bên cạnh đó, đang quan tâm hỗ trợ cho các cực tăng trưởng, đặc biệt là 2 thành phố quan trọng là Hà Nội và Tp.HCM. Quốc hội đang xem qua chủ trương xem xét đầu tư đường vành đai 4 vùng thủ đô và đường vành đai 3 Tp.HCM.
“Nếu như được đầu tư nhanh đường vành đai 3 Tp.HCM và vành đai 4 sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Ngân nói.
Đại biểu phân tích thêm, Hà Nội và Tp.HCM là cửa ngõ giao lưu quốc tế, điểm đến của khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế. Vì thế, đầu tư đảm bảo hạ tầng giao thông thông suốt cũng là điểm nhấn để quảng bá, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Nói sâu hơn về đường vành đai 3 Tp.HCM, đại biểu Ngân cho rằng điều này càng quan trọng hơn vì đặt trong khu vực Đông Nam bộ với dân số khoảng 18 triệu dân nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách.
Đại biểu nêu dẫn chứng, năm 2022, vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600 nghìn tỷ trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỷ.
“Như vậy, khi đầu tư cho đường vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng”, ông Ngân cho hay.
Theo ông Ngân, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với tình hình giá cả, xăng dầu tăng, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển sẽ giảm và góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát giá.
“Do đó, việc đầu tư đường vành đai 3, vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay không phải là cấp thiết mà là cấp bách và rất quan trọng”, ông Ngân nhấn mạnh.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, có tổng chiều dài 112,8 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng (nguồn vốn gồm ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương, nhà đầu tư PPP); trong đó có 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Dự án đường vành đai 3 Tp.HCM có tổng chiều dài 76,34 km bao gồm: Tp.HCM: 47,51km; Đồng Nai: 11,26km; Bình Dương: 10,76km; Long An: 6,81km.
Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2027.