Lấy đất của dân mà không có quyết định thu hồi
Theo nhiều hộ dân tại 2 xã Kỳ Long và Kỳ Thịnh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phản ảnh công tác giải phóng và đền bù của chính quyền địa phương khá cứng nhắc và còn nhiều bất cập.
Mặc dù đã nhận được tiền đền bù, nhưng ông Nguyễn Đình Sơn (Liên Giang, Kỳ Long, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết: “Trong quá trình triển khai thu hồi thu hồi 1500m2 đất ruộng và 2327m2 đất thổ cư nhà tôi, chính quyền có nhiều sai phạm. Họ không công bố quyết định thu hồi. Lúc gia đình chúng tôi không có ai ở nhà thì họ bất ngờ cho máy móc đến đập phá nhà cửa vườn tược”.
Nhiều hộ dân trong xã Kỳ Thịnh bức xúc trước cách làm của chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Sơn, điều kỳ lạ là "sau khi tự ý kiểm kê diện tích đất, tài sản trên đất, xã gọi lên nhận tiền, họ cứ bắt nhận xong là ký vào đó, còn sẽ có quyết định bổ sung sau".
Hiện gia đình ông đã chuyển lên khu tái định cư, nhưng hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, nếu tính về lâu dài thì không thể trụ được vì không có đất đai canh tác.
Cùng thôn với ông Sơn, bà Chu Thị Lài cũng không khỏi bức xúc cho hay: "Tôi không phản đối Dự ánh nhưng chính quyền địa phương thu hồi đất nhà tôi nhưng không công khai quyết định thu hồi và phương án bồi thường nên hiện tôi vẫn chưa giao hết phần đất của mình thuộc về dự án".
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Sánh (SN 1942, Liên Giang, Kỳ Long, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết: "Năm 2008 – 2009, Chính quyền huyện Kỳ Anh thu hồi đất ở và đất nông nghiệp của gia đình ông nhưng khi Ban giải phóng mặt bằng đến kiểm kê để thu hồi đất thì lại không thể đưa ra quyết định thu hồi – giải phóng. Gia đình không đồng ý thì họ cho xe đến di chuyển hết đồ đạc. Đến nay đã gần 3 năm mà không tìm thấy đồ đạc của gia đình đâu".
Ông Trần Xuân Sánh cho biết, khi gia đình không đồng ý thì chính quyền huyện cho xe đến di chuyển hết đồ đạc đến nay gần 3 năm mà không tìm thấy đồ đạc của gia đình đâu.
Trước những bất cập trong việc thu hồi giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Xuân Bích (xóm 8, xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền tố cáo những sai phạm nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Xuân Bích (xóm 8, xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chỉ mong chính quyền công bằng và làm đúng quy định.
Giá đền bù... khó hiểu
Ông Bích cho biết: “Đất nhà tôi nằm ngay cạnh con sông thoát lũ thuộc dự án Formosa, tôi đồng tình với việc triển khai dự án, nhưng không chấp nhận được việc trên cùng một dải đất, chỗ này đền bù một giá, chỗ kia đền bù một giá. Tôi chỉ mong chính quyền công bằng và làm đúng theo quy định”.
Bà Trần Thị Liên, khắc khoải chờ cơ quan chức năng làm đúng trách nhiệm
Không chỉ có ông Bích, nhiều hộ dân tại xã Kỳ Thịnh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) như gia đình ông Lê Văn Hùng, bà Lê Xuân Nhung, Lê Thị Tí… đều bất bình về việc chính quyền địa phương đưa ra các phương án giải phóng đền bù và giải phóng khá bất cập.
Những hộ đã nhận tiền đền bù và chưa đồng ý nhận phương án đền bù đều tỏ ra khá lo lắng. Bởi nếu có số tiền trên, họ chỉ tạm thời sống qua ngày, chưa đảm bảo cho một tương lai xa, vì hầu như toàn bộ diện tích đất canh tác của họ đã bị thu hồi. Họ đứng trước nguy cơ thất điền – thất bát – thất thu – thất nghiệp.
Theo ông Trần Xuân Nghị (Liên Giang, Kỳ Long, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho hay, cả gia đình ông hiện có 6 nhân khẩu, đã ra khu tái định cư. Sau khi bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp, hiện gia đình không có gì để làm và đang đứng trước nguy cơ cả gia đình phải... đi ăn mày. Con cháu không thể cho đến trường vì chưa tìm ra một nguồn thu nào.
Chỉ vì thấy bất cập và chưa nhận được tiền đền bù, gia đình ông Hà Quang Ý (thôn Long Thành, Kỳ Long, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vô cùng khổ cực. Ông Ý cho biết: “Sau khi bị cưỡng chế phá hết nhà cửa, tôi phải dựng lều ở tạm. Tài sản, thóc gạo bị mốc, hư hỏng hết, gia đình rất cùng cực. Hiện ông phải đi vay lãi để lấy tiền sinh sống”.
Đứng trước nguy cơ cả gia đình phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, bà Lê Thị Nhị cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng khoai, sắn, lạc… và chăn nuôi trên mảnh đất của mình thì gia đình còn có cái cho 4 con nhỏ ăn. Giờ họ thu hồi thì chắc gia đình tôi chết đói.
Hơn nữa phương án đền bù chưa hợp lý nên chúng tôi chưa đồng ý. Hiện người dân nghèo chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương giải quyết những bức xúc cho bà con. Có phương án đảm bảo cuộc sống cho các hộ gia đình sinh sống”.
Nhìn mảnh đất là nơi mưu sinh của cả nhà không được đền bù đúng quy định, bà Lê Thị Nhị cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng khoai, sắn, lạc… chăn nuôi trên mảnh đất của mình thì gia đình còn có cái cho 4 con nhỏ ăn. Giờ họ thu hồi thì chắc gia đình tôi chết đói. Đền bù thì chưa công bằng”.
Trao đổi về vấn đề sai phạm của chính quyền huyện Kỳ Anh (HT), luật sư Đinh Thế Hùng - luật sư bảo vệ cho gia đình ông Hà Quang Ý cho hay: “Trong việc thu hồi đất – giải phóng mặt bằng, chính quyền huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục thu hồi đất dẫn đến việc nhiều bà con nông dân trong huyện không đồng tình, kể cả cả các hộ chưa và đã lấy tiền đền bù. Để đảm bảo công bằng, hài hòa giữa 3 lợi ích Nhà nông – Nhà nước – Nhà đầu tư” cần phải xem xét lại vấn đề này.
Yêu cầu Hà Tĩnh báo cáo giám sát về dự án Formosa Đây là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn vừa được Văn phòng Chính phủ gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh. Dự án Khu liên hiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10 tỷ USD, bao gồm các hạng mục: nhà máy luyện cán thép, cảng biển và nhà máy nhiệt điện. Đây là dự án đầu tư ra ngoài nước lớn nhất của Tập đoàn Formoasa và là dự án FDI lớn nhất của Việt Nam. Trên đại công trường Formosa hiện có gần 7.000 kỹ sư, công nhân (trong đó có gần 1.000 người nước ngoài) của 39 nhà thầu chính và hàng trăm nhà thầu phụ. Tập đoàn Formosa cam kết với Chính phủ Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu từ năm 2015 - 2017 sẽ hoàn thành 3 lò cao và đưa vào sản xuất với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm. |
Đông Phong