Dự án cấp Nhà nước, người dân không muốn làm
Thực tế, trong nghiên cứu khoa học, không phải tất cả các dự án đều thành công. Tuy nhiên, việc báo cáo kết quả nghiệm thu cần sự minh bạch, thẳng thắn chỉ ra tất cả khó khăn, tồn tại để đưa ra đúng bản chất kết quả nghiên cứu. Không vì thành tích mà “tô hồng” kết quả.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình thực hiện các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Quốc gia PV nhận thấy vẫn còn một số dự án có kết quả báo cáo có phần “khác” so với phản ánh thực tế.
Đọc giả xem thêm “Đề tài hoa lan cấp Quốc gia: Kết quả thực tế có hay như báo cáo?”
Tiếp tục tìm hiểu tại dự án “Hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà chuyên trứng GT tại một số tỉnh phía Bắc” do Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện cũng bộc lộ dấu hiệu tương tự.
Dự án trên có tổng kinh phí trên 11,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 4,2 tỷ đồng và nguồn vốn khác chiếm 7 tỷ đồng. Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương đã ký kết với 3 đơn vị chăn nuôi tại Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang để triển khai dự án.
Theo đó, người dân sẽ mua giống của Trung tâm, quá trình chăn nuôi họ sẽ báo cáo kết quả quan trọng như tỉ lệ sống, tỉ lệ trứng, lợi nhuận đạt được với Trung tâm. Người nuôi được hỗ trợ kinh phí về thức ăn cho gà.
Tại báo cáo kết quả nghiệm thu dự án mà PV có được thể hiện đây là giống gà có rất nhiều ưu điểm. Trong đó, tỉ lệ gà con được nuôi sống rất cao, ở cả 3 điểm nuôi đều đạt từ 97,8 – 98,3%. Tiếp theo, ở giai đoạn gà nhỡ, hậu bị (từ 20 tuần tuổi đến khi đẻ) đều đạt tỉ lệ nuôi sống trên 98%. Lợi nhuận đạt từ 6,9-7 triệu đồng/100 gà mái.
“Điều này khẳng định giống gà GT có sức khoẻ tốt, phù hợp với điều kiện, khí hậu Việt Nam…Dự án sẽ giúp các tỉnh thành trong nước có thêm 1 bộ giống gà chuyên trứng có năng suất chất lượng cao đáp ứng một phần nhu cầu con giống chất lượng đang rất thiếu, đồng thời hỗ trợ cho các tỉnh thành có con giống tốt để thực hiện việc tái cơ cấu ngành được hiệu quả”, trích một số đánh giá trong báo cáo.
Thế nhưng, thực tế ghi nhận của PV lại cho thấy một số phản ánh trái ngược từ chính người dân thực hiện dự án.
Cụ thể, ông H. (Giám đốc một hợp tác xã tại tỉnh Hà Nam) cho biết, cơ sở của ông ký hợp đồng nuôi 6.000 giống gà trên. Tuy nhiên, giống gà này không hiệu quả bằng một số giống gà khác. Tỉ lệ nuôi thành công chỉ đạt 80% (tức hao hụt 20%). Ông H. đưa ra so sánh với giống gà DAFACO có tỉ lệ hao hụt 13%.
Vị này cũng cho hay, sau khi nuôi gà bố mẹ để ấp nở ra lứa đầu (F1) cũng rất kém, điều này ông cũng phản ánh với cán bộ của Trung tâm.
“Thời điểm thực hiện dự án, họ đưa máy về quay phim, thì mình cũng phải nói tốt cho các vị ấy, chứ không dám nói là nó không ra gì. Chỗ người nông dân với nhau có sao tôi bảo vậy”, ông H. nói và cho biết, sau khi gửi thông tin cho Trung tâm làm báo cáo, họ có đưa lại cho ông ký, nhưng ông chỉ ký chứ không đọc lại những nội dung trong đó.
Ông H. cũng cho hay, do được hỗ trợ tiền thức ăn chăn nuôi, nên việc nuôi gà theo dự án không bị lỗ, nhưng hiệu quả không cao bằng nhiều giống khác nên cơ sở của ông cũng lập tức dừng nuôi giống GT sau khi hợp đồng kết thúc.
“Nếu dự án ấy có quay lại mời làm tiếp thì tôi cũng không làm”, vì giám đốc HTX dứt khoát nói.
Trả lời phóng vấn có giống với báo cáo?
Thông tin về những phản ánh nêu trên, ông Nguyễn Quý Khiêm - Giám đốc trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương (lý giải rất chung chung rằng, kết quả nghiệm thu dự án đều được kiểm chứng, đánh giá. Về năng suất trứng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chuồng trại, chăm sóc, dịch tễ… Vì vậy, có gia đình nuôi đạt được, có gia đình sẽ không đạt được.
Về nguyên nhân giống gà GT không được HTX ưa chuộng, vị giám đốc cho hay mỗi giống gà đều có tính lịch sử. “Tại thời điểm này, giống này là tốt nhưng thời điểm sau giống mới lại có ưu điểm hơn, và nhu cầu người dân cũng thay đổi”, ông Khiêm nói.
Tuy nhiên, khi PV cho biết đã ghi nhận từ chính HTX mà Trung tâm đã phối hợp, những đánh giá của họ cũng trực tiếp từ quá trình nuôi. Như vậy, tính thời điểm nêu ra ở đây liệu có thuyết phục?
“Đúng vậy, vừa mới nghiên cứu ra xong thì thị trường cũng tung ra giống gà năng suất cao hơn… Mình là người nghiên cứu vừa là người sản xuất thì đây cũng là vấn đề rất đau đầu” – ông Khiêm nói.
Về vấn đề lợi nhuận, ông Khiêm cho rằng chăn nuôi phụ thuộc lớn vào giá cả thị trường, đặc biệt thời điểm triển khai dự án trùng với dịch Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn. Nếu nuôi đúng trong bối cảnh thuận lợi sẽ đạt mức lợi nhuận như báo cáo.
Trong khi đó, tại báo cáo kết quả chăn nuôi ở cả 3 mô hình đều thể hiện "thu nhập bình quân đạt tới 6,9-7 triệu đồng/100 mái sinh sản".
Chưa kể, về tỉ lệ nuôi sống, khi trả lời phỏng vấn ông Khiêm cho rằng, khi gà vào đẻ thì tỉ lệ từ 80% là đạt. Như vậy, tỉ lệ được đưa ra cũng thấp hơn rất nhiều với con số hơn 90% mà báo cáo nghiệm thu thể hiện.
Ông Nguyễn Trọng Thiện – Chủ nhiệm dự án khẳng định, kết quả báo cáo không phải là đưa ra cho đẹp mà lấy trực tiếp từ quá trình theo dõi của người dân, căn cứ vào kết quả của người dân để xây dựng.
Để tìm hiểu rõ vấn đề, PV đã đặt lịch làm việc với Viện chăn nuôi (cơ quan chủ quản của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương) và tiếp tục thông tin đến độc giả.
Trao đổi với PV, giám đốc một đơn vị có nhiều kinh nghiệm nuôi gà chuyên trứng tại Bắc Giang cho hay, giống gà được nuôi phổ biến hiện nay, được đánh giá hiệu quả cao là HA, Daphaco khi nuôi đến 5 tháng tuổi sẽ bắt đầu đẻ những tỷ lệ còn thấp và chưa có lãi.
Bước sang tháng thứ 6 gà đẻ đều và giai đoạn này mới bắt đầu có lãi, đây là thời đỉnh cao nhất nhưng tỉ lệ đẻ nếu chăm sóc tốt cũng chỉ đạt 95%.
Nếu chăm thật tốt thì khai thác thêm được 14 tháng nữa, thông thường là 12 tháng. Nếu bán được giá từ 2.400-2500/quả, trong khi tối đa hoá được chi phí về chuồng trại, nhân công thì được lợi nhuận khoảng 800 đồng/quả.
“Đây là nghề lấy công làm lãi và tiềm ẩn rủi ro vô cùng lớn do biến động thị trường và dịch bệnh. Trước khi bắt đầu, người chăn nuôi phải tìm hiểu rất kỹ, vốn đến đâu thì khởi sự đến đó đừng vay vượn vì may rủi rất cao”, vị này khuyến cáo.