Dự án KDC Điện Hồng: Kết quả đấu giá chưa duyệt đã rao bán, nhận cọc

Dự án KDC Điện Hồng: Kết quả đấu giá chưa duyệt đã rao bán, nhận cọc

Lê Nhâm Thân

Lê Nhâm Thân

Thứ 6, 09/07/2021 14:00

Chưa được phê duyệt kết quả đấu giá, chưa được cấp sổ đỏ, nhưng 13 lô đất đã được hô biến thành khu dân cư để chào bán.

“Bánh vẽ” đất bên bờ ruộng thành “biệt thự”?!

Những ngày qua, người dân qua lại tuyến đường Hùng Vương, đoạn qua thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bất ngờ bởi việc hàng chục thanh niên tập trung ven đường thi nhau phát tờ rơi, quảng bá về một dự án bất động sản được gọi là khu dân cư (KDC) Điện Hồng.

Sự việc không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 địa phương mà tiềm ẩn nhiều hệ lụy, đặc biệt là “tiền mất tật mang” cho những người hiếu kỳ muốn "cọc".

Có mặt tại địa điểm trên và ngỏ ý muốn mua đất, PV Người Đưa Tin Pháp luật được 1 người dẫn vào giới thiệu về khu dân cư Điện Hồng.

Nói là khu dân cư nhưng thực chất đây là một mảnh đất nhỏ vừa được bồi đắp thêm đất đỏ, nằm đối diện ruộng đồng ngập úng. Tổng diện tích khu đất khoảng 1.600m2 được cắm cọc bê tông chia làm 13 lô.

Bất động sản - Dự án KDC Điện Hồng: Kết quả đấu giá chưa duyệt đã rao bán, nhận cọc

Khu đất nơi đồng ruộng vắng vẻ được "hô" với giá trên trời và pháp lý của đất cũng đang nằm ở "trên trời".

Khi được hỏi về pháp lý các lô đất, thanh niên này cho biết, công ty là Địa ốc Đại Thắng (đóng ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.Đà Nẵng) đứng ra giới thiệu và nhận cọc từ 50 triệu đồng cho mỗi lô đất.

Giá trị mỗi lô đất lên đến khoảng 1,2 tỷ đồng. Chủ lô đất này là một cá nhân ở Đà Nẵng đã trúng khi tham gia đấu giá đất do thị xã Điện Bàn tổ chức.

“Sáu lô đã được cọc rồi. Khu này không bao giờ ngập lụt. Còn cánh đồng sẽ được phê duyệt thành khu dân cư”, thanh niên này quả quyết.

Hồi sau, khi biết nhóm khách là PV, 1 nam thanh niên khác tự xưng là Đoàn Công Vũ, Giám đốc Địa ốc Đại Thắng lên tiếng "ai cho các anh vào dự án của tôi"?!. 

Chưa hết, trên các tờ rơi do nhóm này in phát thể hiện, khu dân cư Điện Hồng sổ đỏ từng lô, pháp lý hoàn thiện. Không chỉ rầm ngoài đời, trên một trang Zalo là số điện thoại hotline của Địa ốc Đại Thắng, 13 lô đất nơi ruộng đồng không mông quạnh đã được “nâng tầm” thành "dãy biệt thự độc lập thị xã Điện Bàn".

Trong khi đó, theo lời rất nhiều người dân bản địa, khu đất trên được đắp đất đỏ làm nên nhìn có vẻ khang trang nhưng thực chất là đám ruộng sình lầy, hễ mưa là ngập.

“Thấy họ bán 1 tỷ mấy 1 lô mà cười không nổi. Người quanh đây thì ai vô đó mà mua, có chăng mấy ông Đà Nẵng, Hà Nội không nắm rõ địa bàn, nghe mấy anh cò vẽ ra đủ đường rồi ào ào mua thôi.

Vài lô đất nông thôn cũng thành dự án, nào là gần chợ, gần này gần nọ. Thiệt sự đến chịu với mấy ông này”, một người dân tặc lưỡi nói.

13 lô đất đấu giá vào tay 1 chủ?!

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, ông Lê Đắc Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, 13 lô đất trên vừa được UBND thị xã Điện Bàn đưa ra đấu giá. Sau đó, 1 cá nhân ở Đà Nẵng đã trúng hết.

Tuy nhiên, hiện người trúng đấu giá chưa hoàn thiện nghĩa vụ tài chính, kết quả đấu giá chưa được phê duyệt. Việc rao bán, nhận cọc như trên là sai quy định.

Một lãnh đạo phòng TNMT thị xã Điện Bàn khẳng định, đến nay 13 lô đất trên chưa được cấp sổ. Theo trình tự, UBND thị xã phê duyệt kết quả đấu giá xong mới lập hồ sơ trình sở TNMT tỉnh Quảng Nam cấp sổ.

"Ở đâu ra mà anh nhận cọc, bán đất. Mà đất ở trên đó bán 1 tỷ mấy thì ai mua”, vị này nói và lên tiếng cảnh báo người dân thận trọng tìm hiểu kỹ thông tin mỗi khi muốn mua bất động sản.

Bất động sản - Dự án KDC Điện Hồng: Kết quả đấu giá chưa duyệt đã rao bán, nhận cọc (Hình 2).

Kiểu quảng cáo thông tin sai sự thật, "cầm đèn chạy trước ô tô" như thế này cần bị xử lý nghiêm.

Trước đó, 13 lô đất này được 1 người trú tại TP.Đà Nẵng trúng với tổng số tiền đấu giá là hơn 12,9 tỷ đồng. Mức giá này là cao bất thường so với giá khởi điểm do cơ quan chức năng công bố.

Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn đã có tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 13 lô đất.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát hồ sơ, UBND thị xã xét thấy một số văn bản pháp lý chưa đảm bảo theo trình tự quy định. Sau khi rà soát thì báo cáo kết quả và đề xuất hướng xử lý (nếu có) về UBND thị xã.

Đến 8/7, ông Lê Thanh Long, Chánh văn phòng UBND thị xã Điện Bàn cho biết, thị xã vẫn chưa nhận được báo cáo rà soát, xử lý vụ việc.

Như vậy rõ ràng mọi pháp lý cần thiết của 13 lô đất vẫn còn trên giấy. Thậm chí, cơ quan chức năng đã phát hiện thiếu sót, rà soát xử lý, nhưng vẫn có người đứng ra nhận cọc đất.

Kiểu làm ăn chộp giật, "cầm đèn chạy trước ô tô" đã gây ra nhiều bài học nhãn tiền, người trót góp vốn, đặt cọc tiền mất tật mang. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.