Dự án "miếng cơm, manh áo" cho người khuyết tật

Dự án "miếng cơm, manh áo" cho người khuyết tật

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Với việc tham gia xây dựng những dự án hỗ trợ cộng đồng, hàng ngàn sinh viên đã có những hoạt động tình nguyện mang bản sắc rất riêng.

Hiện nay, SIFE (Students In Free Enterprise) có hơn 30.000 thành viên là sinh viên của 1.800 trường đại học từ hơn 40 quốc gia. Họ cùng chung sứ mệnh và mục tiêu liên kết những nhà lãnh đạo tiềm năng để góp sức xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn trên toàn thế giới nói chung và cho Việt Nam nói riêng.

Xã hội - Dự án 'miếng cơm, manh áo' cho người khuyết tật

Các thành viên nhóm dự án giúp người khuyết tật sản xuất túi từ baner quảng cáo

Gom rác "đẻ" ra tiền

Nói đến sinh viên Đại học RMIT, không ít người nghĩ đến học phí "khủng", SV ăn chơi và chỉ nghĩ đến bản thân mình. Quả thực với học phí "khủng", khoảng vài chục triệu/kỳ học thì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện.

Tuy nhiên, những thành viên SIFE RMIT lại khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những dự án trực tiếp giúp đỡ người khuyết tật tại Hà Nội. Với ba dự án dành cho người khuyết tật (chuỗi quán cafe Sao Mai cho người khuyết tật về thần kinh; dạy làm hoa bằng vải voan cho người khuyết tật về chân; thu thập các banner, backdrop bằng nhựa PVC đã qua sử dụng trong các event và làm túi EcoBag giống như các túi trong siêu thị dành cho người khuyết tật về chân) đều hướng tới đối tượng lao động đặc biệt này.

Theo tìm hiểu của PV, nhóm SIFE của ĐH RMIT Hà Nội hiện tại có khoảng hơn 80 thành viên. Trước khi thực hiện dự án, lãnh đạo SIFE của trường sẽ tiến hành phỏng vấn quản lý dự án, tuyển thành viên thông qua các cuộc phỏng vấn như khi đi tìm việc. Ngoài những câu hỏi về quản lý dự án, tinh thần tự nguyện, họ còn phải đảm bảo sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho người khuyết tật tham gia dự án.

Tất cả các dự án sau khi được trình bày chi tiết các bước triển khai, tùy thuộc vào tính khả thi của từng giai đoạn sẽ được cấp một nguồn tài chính để thực hiện. Một dự án được duyệt sẽ được cấp 2 triệu đồng để triển khai.

Hà Phương Thảo, thành viên của SIFE RMIT Hà Nội, trưởng nhóm dự án Ecobag cho biết: "Ngay từ khi khởi thảo kế hoạch làm các dự án hướng tới hỗ trợ người khuyết tật, chúng tôi đã phải chuẩn bị các kỹ năng nói chuyện để hiểu về họ, hơn là các kiến thức về tài chính, kinh tế.

Mỗi tình nguyện viên của từng dự án thực sự trở thành một tâm lý viên. Chúng tôi học cách để hiểu và làm việc với từng nhóm người khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ... Với từng đối tượng, các thành viên như một người bạn thực sự để khuyến khích họ thể hiện khả năng của riêng bản thân".

Những "trái ngọt" đầu tiên

Phương Thảo chia sẻ: "Với dự án Ecobag, khó khăn lớn nhất là tìm được đầu ra cho sản phẩm túi do người khuyết tật làm ra. Chính vì thế, trước khi đặt hàng trung tâm "Vì ngày mai" sản xuất túi từ các baner quảng cáo, chúng tôi phải liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm. Chủ yếu loại túi này hướng tới các đối tượng là khách hàng mua lẻ và các công ty. Đối với các khách hàng mua lẻ, chúng tôi liên hệ các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho người nước ngoài, túi tập cho người chơi thể thao. Đặc biệt, các công ty, tổ chức thường sử dụng túi đựng tài liệu hội thảo...".

Bằng cách đi thu thập những banner quảng cáo cũ, các thành viên sẽ cho người khuyết tật tại trung tâm "Vì ngày mai" và "Ban mai xanh" may các loại túi này. Sản phẩm có được, chính sinh viên sẽ liên hệ tiêu thụ sản phẩm. Với số lượng 2.000 chiếc túi được làm từ các banner quảng cáo đã mang tới doanh thu khoảng hơn 40 triệu đồng hỗ trợ lại chính trung tâm từ thiện.

Anh Lê Hùng Trường - Quản lí sản xuất trung tâm "Vì ngày mai" cho biết: "Chính sự nhiệt tình, tâm huyết muốn giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật của các em sinh viên đã thuyết phục chúng tôi tham gia những dự án này. Nếu như trước đây, trung tâm sản xuất chưa hiệu quả, có thời gian lỗ vốn nhưng khi có sự vào cuộc của các em sinh viên của trường thì đã mang đến lợi nhuận không nhỏ cho trung tâm.

Đặc biệt, riêng đối với dự án sản xuất túi từ banner quảng cáo, trung tâm đã thu được hàng chục triệu đồng từ mỗi hợp đồng, hay với dự án làm hoa voan, nguồn lợi thu được cũng không nhỏ. Họ không chỉ là nguồn động viên lớn cho những người khuyết tật tại trung tâm mà còn góp phần tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho những người khuyết tật tại nơi đây".

Với những dự án mang tính cộng đồng, nhân văn, đội SIFE của ĐH RMIT đã xuất sắc vượt qua 18 đội sinh viên (của 18 trường đại học trong cả nước) trong vòng chung kết cuộc thi "Dự án doanh nghiệp xã hội - SIFE Việt Nam 2012" giành chức vô địch và là đội duy nhất đại diện cho sinh viên Việt Nam tham gia "Sife World cup 2012". Và, SIFE của RMIT đã lọt vào top 6 trong cuộc thi vừa tổ chức hồi tháng 9 vừa qua tại Mỹ.

Đỗ Thơm


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.