Theo báo Xây dựng, đó là dự án khổng lồ mà Cty Hùng Đại Dương đầu tư vào Yên Bái, và cũng là dự án lớn nhất Việt Nam vào năm 2003, bởi dự án đó có cả sân bay và bến tàu với diện tích 206,212 ha…
Khi gặp PV, anh Mễ Văn Nhì cũng như tất cả người dân ở thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, huyện Yên Bình vẫn không thể nào quên được ngày 04/8/2005 khi thấy một đoàn xe ô tô biển xanh, biển trắng của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, doanh nghiệp, báo đài… ùn ùn kéo về. Loa đài ầm ĩ, cờ quạt cắm khắp nơi để tiến hành động thổ, khởi công xây dựng khu trung tâm du lịch hồ Thác Bà.
Siêu dự án giờ để hoang cho cỏ mọc
Theo báo cáo của Cty CP Hùng Đại Dương thì tổng vốn đầu tư dự án là 1.353 tỷ đồng. Khu du lịch dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2005. Ở đây sẽ có khu khách sạn, thương mại, dịch vụ du lịch rộng 40ha; khu công viên văn hóa, giải trí rộng 16,5ha; khu nghỉ sinh thái rộng 82,5ha; khu vườn thú tự nhiên rộng 3,5ha; khu thể thao, sân golf rộng 25,5ha và khu tháp viễn thông, thể thao mạo hiểm rộng 10ha…
Được đưa vào danh mục “công trình du lịch trọng điểm của tỉnh” nằm trong tuyến du lịch Hà Nội-Yên Bái-Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc). Thấy thế, bà con nhân dân của cả huyện Yên Bình ai ai cũng vui mừng, ủng hộ. Nhà nhà hy vọng sau này một “siêu công viên vui chơi” ra đời sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động địa phương. Nào ngờ, hy vọng và chờ đợi rồi… tắt lịm.
Nhiều người có đất bị thu hồi như nhà anh Mã Văn Hòa, Mã Văn Tình nghe vậy lại định cho con gái đi học hướng dẫn viên du lịch, nhưng cô con gái cương quyết đòi đi học trung cấp nông nghiệp nên giờ ra trường đã đi làm ổn định. Nếu nghe hứa của Cty thì có lẽ các cháu giờ thất nghiệp, anh Hòa kể.
Theo quan sát của chúng tôi tại “siêu công viên”, cả một vùng đồi núi lúc trước đẹp đầy cây cối thì nay trở thành một vùng đất nham nhở. Có vài căn nhà được xây dựng, có một con đường (làm bằng tiền ngân sách địa phương) dẫn vào khu du lịch. Còn tất cả chỉ là cỏ lác mọc hoang dại.
Theo tìm hiểu của PV, tại dự án này tỉnh Yên Bái đã giải tỏa 38 hộ dân và đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đường, điện thắp sáng, điện cao áp, nước sinh hoạt, bãi đậu xe… với số vốn đầu tư trên 25 tỷ đồng.
Trong khi đó Cty Hùng Đại Dương chỉ đầu tư ngoài hai ngôi nhà sàn, còn lại các công trình nhà dừng chân, nhà điều hành đón khách, bến tàu và 11 nhà nghỉ đơn lập…, tất cả những công trình này đến nay vẫn còn dở dang, hỗn độn.
Sau khi ông Phạm Mạnh Hùng - TGĐ Cty, đầu năm 2009 được Cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. “ Siêu công viên” Thác Bà trở thành khu vực hoang tàn, để hoang cho cỏ mọc. Điều đáng băn khoăn là dự án đã để hoang hơn 7 năm qua mà không thấy lãnh đạo tỉnh Yên Bái ra quyết định thu hồi dự án.
"Cha đẻ" siêu dự án đã bị bắt
Theo thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái cung cấp, do làm ăn gian lận nên ngày 14/3/2009, CSĐT công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Mạnh Hùng - tổng giám đốc Cty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương về hành vi “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Hành vi vi phạm của bị can bị cơ quan điều tra phát hiện trong quá trình điều tra vụ án trốn thuế xảy ra tại Nhà máy khai thác, chế biến đá marble Lục Yên - Yên Bái (chi nhánh của Cty Hùng Đại Dương). VKSND Yên Bái đã đề nghị truy tố vị tổng giám đốc Phạm Mạnh Hùng cùng “bộ ba” là Nguyễn Văn Thanh (39 tuổi, Quyền giám đốc), Vũ Văn Đức (33 tuổi, kế toán trưởng) và Nguyễn Đức Xuân (31 tuổi, kế toán).
Cũng theo cơ quan điều tra, bị can Phạm Mạnh Hùng đã có hành vi cấp vốn và điều hành chi nhánh của Cty Hùng Đại Dương là Nhà máy khai thác, chế biến đá marble Lục Yên. Nhà máy này khai thác, chế biến đá vôi trắng tại mỏ đá núi Chuông (ở Tân Lĩnh, Lục Yên) trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Hành vi khai thác khoáng sản “chui” kéo dài trong khoảng 3 năm (từ năm 2004 - 2007) này đã gây thiệt hại tài nguyên của Nhà nước trị giá trên 27,2 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng cho rằng, do việc buông lỏng quản lý của bị can Phạm Mạnh Hùng nên Nhà máy khai thác, chế biến đá marble Lục Yên đã nhiều lần vi phạm pháp luật về thuế và khai thác tài nguyên.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Văn Thanh đã có hành vi chỉ đạo Vũ Văn Đức và Nguyễn Đức Xuân viết 41 phiếu xuất kho, trên phiếu ghi là đá block nhưng đồng thời lại viết 40 hóa đơn giá trị giá tăng trong đó đá block đã được “hô biến” thành đá bìa bạch để trốn thuế khoảng 258 triệu đồng.
P.V