Dự án ngàn tỷ ‘đắp chiếu’: Không có ý thức rủi ro tiền thuế của dân

Dự án ngàn tỷ ‘đắp chiếu’: Không có ý thức rủi ro tiền thuế của dân

Vũ Phương

Vũ Phương

Chủ nhật, 23/04/2017 09:34

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước rất giỏi “vẽ” dự án ngàn tỷ, nhưng hoạt động yếu kém, thua lỗ lại đổ lỗi cho quyết định của tập thể dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc.

Mới đây, vấn đề xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ ngành công thương tiếp tục là vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm cả về phương án xử lý và truy trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đặc biệt, vấn đề được dư luận quan tâm là hướng xử lý dứt điểm đối với 12 dự án “đắp chiếu” này nên tiếp tục hay dừng lại.

Xung quanh 12 dự án đầu tư cả ngàn tỷ mà hoạt động yếu kém, thua lỗ gây bức xúc dư luận và lãng phí, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Hồng Nga, Phó Trưởng khoa Kinh tế (trường ĐH Kinh tế - ĐHQG TP.HCM).

Tiêu dùng & Dư luận - Dự án ngàn tỷ ‘đắp chiếu’: Không có ý thức rủi ro tiền thuế của dân

 PGS. TS Nguyễn Hồng Nga. 

Thưa ông, 12 dự án đã và đang rơi vào tình trạng thua lỗ nặng, gây lãng phí và hệ luỵ cho nền kinh tế xã hội, vậy vấn đề đặt ra là để các dự án này tiếp tục hay dừng lại?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, 12 dự án trên cần thanh lý để mau chóng giải quyết hậu quả to lớn về kinh tế - xã hội, môi trường và nhất là niềm tin của người dân với các DNNN.

Để tránh “lỗ nặng” cần xem xét từng dự án cụ thể để có hướng xử lý phù hợp làm sao để thu hồi vốn cho ngân sách một cách hiệu quả nhất. Có thể mời các doanh nghiệp (DN) tư nhân đấu thầu các dự án “đắp chiếu” này.

Điều quan trọng là làm sao thu hồi vốn dù bằng hình thức khác nhau, miễn sao được càng nhiều càng tốt. Rõ ràng 12 dự án này đang gây lãng phí lớn, bởi vậy phải tính toán cẩn trọng nếu không sẽ càng rối và lỗ nhiều hơn.

Hơn nữa, không xử lý nhanh thì máy móc thiết bị càng bị hao mòn và hỏng hóc, trong khi Nhà nước vẫn phải trả tiền công cho bộ máy quản lý, tiền điện nước, tiền lãi ngân hàng…

Vậy đâu là nguyên nhân khiến 12 dự án này rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”? Nó trở thành gánh nặng cho ngân sách, đối với nền kinh tế như thế nào, thưa ông?

Đó chính là việc dễ dãi trong công tác lập và thẩm định những dự án đầu tư công. Có thể nói không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) rất giỏi “vẽ” các dự án mang tầm vĩ mô và lợi dụng mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô” để đưa ra các dự án hàng ngàn tỷ đồng và sau đó là việc thẩm định của các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, khâu thẩm định còn có nhiều vấn đề, việc “anh em một nhà” thẩm định cho nhau thông qua văn hóa “phong bì”, tiêu cực... Hơn nữa, lãnh đạo DNNN thích đầu tư nhiều hơn vì được lại quả và chiết khấu.

Có thể nói các DNNN được ưu ái và có quyền hạn khá lớn cho dù họ bị điều tiết bởi các nghị định, thông tư… nhằm hạn chế sự “vung tay quá trán”.

Hơn nữa, từ trước tới nay hầu như không có lãnh đạo DNNN bị xử lý vì thua lỗ, bởi họ biện minh quyết định của tập thể chứ không phải cá nhân.

Một vấn đề nữa là mối quan hệ “người nhà” giữa các DNNN và ngân hàng thương mại Nhà nước. Từ trước tới nay các DNNN đã quen với ràng buộc ngân sách mềm, trong khi các DN tư nhân thường bị ràng buộc ngân sách cứng.

Tiêu dùng & Dư luận - Dự án ngàn tỷ ‘đắp chiếu’: Không có ý thức rủi ro tiền thuế của dân (Hình 2).

 Nhà máy xơ sợi Đình Vũ sau một thời gian đi vào hoạt động lỗ 1.400 tỷ đồng. 

Như ông nói việc đánh giá, phê duyệt dự án có vấn đề, còn quá dễ dãi?

Đúng vậy. Như trên tôi đã đề cập, “bức tranh” mang tên “dự án” được vẽ ra rất đẹp và với mục tiêu hào nhoáng không kém như ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm.. đã làm nhiều người làm công tác đánh giá, phê duyệt bị “mù mờ màu”.

Trong khi đó, khâu đánh giá, thẩm định dự án còn nhiều vấn đề, thậm chí, anh làm dự án, em đi thẩm định.

Cùng số vốn, con người như thế, nhưng DN ngoài Nhà nước lại hoạt động hiệu quả hơn, rất ít dự án thua lỗ. Hơn nữa, nếu thua lỗ họ lại phản ứng nhanh hơn các DNNN, thưa ông?

Nhìn chung, DN tư nhân hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với DNNN, trừ những lĩnh vực DN tư nhân không được, không thể và không dám đầu tư.

DN tư nhân họ bỏ tiền ra, họ phải tính toán cẩn trọng, được thì họ hưởng, thua phải chịu, thậm chí chấp nhận phá sản.

Trong khi đó, chưa thấy có một DNNN nào phá sản. Đặc biệt, không ít lãnh đạo DNNN hiện nay không phải là nhà doanh nghiệp, họ vẫn là viên chức nhà nước, bản thân họ hầu như không có ý thức về rủi ro với tiền thuế của dân.

Bởi vậy, họ tạo cho mình khả năng chi tiêu tối đa, cho dù lợi nhuận tối thiểu hoặc thậm chí thua lỗ.

Thực tế, một DNNN có rất nhiều cơ quan chủ quản. Đó cũng chính là lỗ hổng về mặt cơ chế. Do vậy khi gặp biến cố, các cơ quan này rất khó ngồi chung với nhau để tháo gỡ khó khăn, khủng hoảng.

Trong khi đó, với khu vực tư nhân thì khác, họ có thông tin nhanh nhạy, họ có ý thức trách nhiệm đến nguồn vốn của mình, họ có cơ chế “phản ứng nhanh” với sự thay đổi của thị trường.

Quan trọng nhất là họ sẽ có những giải pháp hữu hiệu để xử lý các tình huống khó khăn gặp phải để tối đa hóa lợi nhuận hoặc tối thiểu hóa thua lỗ.

Tiêu dùng & Dư luận - Dự án ngàn tỷ ‘đắp chiếu’: Không có ý thức rủi ro tiền thuế của dân (Hình 3).

Dự án bột giấy Phương Nam có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng đang chờ thanh lý. 

Vậy theo ông, đối với 12 dự án này, bài học kinh nghiệm cần rút ra là gì?

Cần thiết phải điều chỉnh hành vi của các DNNN như các DN tư nhân. Cần triệt để hạn chế sự tự chủ của các DNNN và quản lý chặt chẽ hơn việc cấp tín dụng cho khu vực kinh tế Nhà nước, nhất là các DNNN.

Về lâu dài, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải DNNN, thiết lập một hệ thống thuế minh bạch và nhất quán, đồng thời chấm dứt bù lỗ cho các DNNN thua lỗ.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Vũ Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.