"Dự án nội bộ, anh em báo chí không nên vào"

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

Hàng loạt thông tin về việc nhiều cán bộ, công chức huyện Thanh Trì bức xúc trước việc chủ đầu tư thông báo giá bán quá cao cho những căn hộ mà theo dự án là “bán nhà cho cán bộ huyện Thanh Trì”.

Thêm vào đó, trong khi những kiến nghị của cán bộ huyện chưa được giải đáp thỏa đáng thì chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn lại ra thông báo đe “cắt suất” của những người không đóng tiền.

Mập mờ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại

Trong văn bản số 4783 ngày 28-5-2009 gửi các sở ngành, UBND huyện Thanh Trì cùng chủ đầu tư là Hanhud, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nêu rõ: Về phương thức và cơ chế sử dụng đất của dự án thì Sở TNMT có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo các quy định về một số cơ chế chính sách, nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Huyện ủy và UBND huyện Thanh Trì có trách nhiệm rà soát, xác định cụ thể danh sách cán bộ, nhân viên được mua nhà, phân loại đối tượng chính sách, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng chính sách ưu tiên, giải quyết khó khăn nhà ở, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán nhà theo đúng quy định của Nhà nước.

Dự án mới đang tiến hành khoan cọc nhồi nhưng đã thu tiền. (Ảnh chụp chiều ngày 20/9)

Sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án nhà ở để bán cho cán bộ liên cơ quan tại lô đất CT thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Ngũ Hiệp - Tứ Hiệp (Thanh Trì) với diện tích 14.470m2, UBND huyện Thanh Trì đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà chung cư để bán cho cán bộ của huyện. Điều đáng nói ở đây là sau khi các cán bộ công chức huyện Thanh Trì thắc mắc và phản ứng vì giá nhà quá cao và yêu cầu ban chỉ đạo dự án cùng chủ đầu tư giải trình, thì họ được biết đây không phải là nhà ở chính sách xã hội mà là nhà ở thương mại.

Ông Vũ Văn Nhàn, chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, trưởng ban chỉ đạo dự án và ông Phạm Duy Cương, giám đốc Công ty Handhud cũng khẳng định, đây là ở nhà thương mại chứ không phải nhà ở chính sách.

Nếu đã là ở thương mại thì việc gì phải xét duyệt lên xuống rồi mới được suất để mua và tên dự án sao lại đề tên nhà ở cho cán bộ liên cơ quan huyện Thanh Trì? Dự án thương mại mà lại chỉ định thầu thay vì phải đấu thầu?

Theo Nghị định 71/CP, điều 9 về huy động vốn để xây dựng nhà ở (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở ra ngày 23/6/2010) nêu rõ: "Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật...". Nhà đầu tư chỉ được huy động tối đa không quá 70% giá trị nhà ở. Nhưng theo hợp đồng mua bán căn hộ, cán bộ huyện Thanh Trì sẽ phải đóng tới 95% giá trị hợp đồng trước khi được bàn giao nhà.

Vậy nhưng trong khi còn đang thắc mắc, các cán bộ thuộc diện được mua nhà mà chưa nộp tiền, ký hợp đồng nhận được "tối hậu thư" do ông Vũ Văn Nhàn chỉ đạo ký. Văn bản này yêu cầu hạn chót nộp tiền là ngày 31/8 (ký, ban hành ngày 25/8). "Tối hậu thư" nhấn mạnh, "nếu quá thời hạn trên, đồng chí nào không ký hợp đồng và đóng tiền thì coi như không có nhu cầu mua nhà".

Lý giải về việc dự án đang trong quá trình khoan cọc nhồi mà đã tiến hành huy động vốn, ông Nhàn cho rằng: "Chúng tôi làm thế là muốn giảm giá cho anh em". Theo ông Nhàn, nếu để đơn vị thi công đi vay tiền ngân hàng chịu lãi suất thì giá bán sẽ tăng cao hơn nên lãnh đạo huyện thống nhất thông báo thu tiền của cán bộ công chức được mua nhà vì "đằng nào cũng phải đóng".

Trong khi trao đổi, ông Nhàn luôn nhắc đi nhắc lại: "Đây là chuyện nội bộ nên chúng tôi giải quyết nội bộ, anh em báo chí không nên vào làm gì".

Lương công chức 60 triệu/tháng mới đủ mua nhà?

Thông báo của Ban chỉ đạo xây dựng nhà chung cư liên cơ quan huyện Thanh Trì về giá bán tạm tính là trên 14,2 triệu đồng/m2, mức giá trên không bao gồm phí bảo trì, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất. Theo một số cán bộ công chức huyện Thanh Trì, giá tạm tính đã là như vậy thì đến khi hoàn thành vào quý IV năm 2014, với tốc độ trượt giá, lạm phát như hiện nay giá nhà sẽ không dưới 19 triệu đồng/m2. Với giá bán trên, họ có thể mua được 1 căn hộ chung cư thương mại đang được rao bán rất nhiều trên thị trường. Thêm vào đó, hợp đồng mua bán căn hộ do chủ đầu tư đưa ra cũng có rất nhiều điều khoản bất lợi và không minh bạch cho các cán bộ công chức nơi đây.

Trong khi quyền của bên bán Handhud thể hiện khá chi tiết 3 điều khoản như: Yêu cầu bên mua phải thanh toán tiền theo đúng thời hạn; yêu cầu bên mua nhận nhà đúng thời thời hạn; có quyền ngừng cung cấp hoặc yêu cầu nhà cung cấp dừng dịch vụ điện, nước… nếu bên mua vi phạm bản quy chế quản lý sử dụng nhà ở thì phần nghĩa vụ của Handhud lại thể hiện một cách không rõ ràng. Bên bán thì như vậy, nhưng nghĩa vụ của người mua thì “buộc” phải cam kết thực hiện 8 nghĩa vụ, trong đó có tới 4 điều khoản là các quy định về thanh toán chi phí. Không những vậy, phần phụ lục hợp đồng với danh mục vật liệu xây dựng hoàn thiện căn hộ được cam kết một cách rất chung chung “theo thiết kế và dự toán”.

“Tại sao nhà chúng tôi bỏ tiền tỉ ra để mua, nhưng chúng tôi lại không được biết nguyên vật liệu xây nhà gồm những gì, liệu có phải hàng chất lượng hay không, chủ đầu tư chỉ ghi theo thiết kế vào dự toán. Nhưng chúng tôi có được cung cấp bản thiết kế cũng như dự toán đâu", một cán bộ huyện Thanh Trì (đề ghị giấu tên) bức xúc. Chị này cũng ví von rất hài hước “đến mua bó rau ngoài chợ vài nghìn đồng, người mua còn được xem kỹ rồi mới phải trả tiền, nói gì đến căn nhà trị giá cả tỷ đồng”.

Những bức xúc trên là có cơ sở, khi cách thức mà đơn vị này áp dụng với người mua không khác gì nhà thương mại với 8 lần góp vốn. Và khi mà công trình này mới chỉ đang trong giai đoạn khoan cọc nhồi, chủ đầu tư đã “vội” huy động vốn của người mua. Với cách tính này, Handhud đã “mượn vốn” của cán bộ công chức huyện Thanh Trì để kinh doanh. Đó là chưa kể, với diện tích căn hộ lớn nhất 150m2 với giá tạm tính trên 14, 2triệu/m2, thì người mua phải chi trả trên 2 tỷ đồng/căn.

Nếu theo đúng kế hoạch, chỉ trong vòng 3 năm các cán bộ công chức huyện Thanh Trì phải đóng tiền tạm ứng 6 đợt với 15% giá trị hợp đồng, tương đương mỗi đợt hơn 320 triệu và 2 đợt cuối là 5% tương ứng với hơn 100 triệu. Khoảng cách đóng tiền từng đợt họ cũng không thể chủ động, bởi trong hợp đồng chỉ ghi “theo thông báo”.

Như vậy, ngoài việc lo sợ chủ đầu tư “bất thình lình” ra thông báo đóng tiền đợt tiếp theo, thì từ ngày kí hợp đồng đến ngày nhận nhà, mỗi cán bộ công chức huyện Thanh Trì sẽ phải dành riêng ra một khoản gần 60 triệu/tháng. Đây là điều không tưởng đối với cán bộ công chức hiện nay.

Phải chăng dự án nhà ở chính sách đang bị biến thành nhà thương mại và ai mới là những người thực sự được hưởng lợi từ dự án này?

Nhóm phóng viên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.