Nợ lương, thưởng Tết công nhân
TTXVN đưa tin, chiều 11/2, ông Nguyễn Quang Thái, Phó Giám đốc, kiêm Chủ tịch Công đoàn sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cùng với đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên đã làm việc với Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà về việc nhiều công nhân không được trả lương và thưởng Tết.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thái yêu cầu lãnh đạo Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà làm báo cáo sự việc gửi đến các cơ quan chức năng và sớm giải quyết nguyện vọng cũng như các yêu cầu hợp pháp, đảm bảo quyền lợi cho công nhân, người lao động.
Ông Võ Phi Long, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà cho biết sẽ có báo cáo toàn bộ sự việc và sẽ có phương án giải quyết tiền lương cho người lao động của công ty.
Được biết, Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà đóng trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh triển khai chăn nuôi bò thương phẩm không hiệu quả và đã tự chuyển sang trồng chuối trên diện tích đất ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và một số xã thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Có khoảng hơn 100 người làm việc tại các vùng trồng chuối với thu nhập từ 3,5 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Nhưng hơn hai tháng trở lại đây, họ không được trả lương. Dịp Tết Nguyên đán 2019, công nhân không được trả lương mà chỉ được công ty hỗ trợ một phần tiền công để chi tiêu trong dịp Tết.
Theo nhiều công nhân, lãnh đạo Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà cho công nhân tạm ứng lương tháng 12/2018 với mức 3 triệu đồng và hứa đến ngày 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất sẽ thanh toán đầy đủ lương và thưởng Tết cho công nhân. Đến hẹn, công nhân tập trung đến văn phòng công ty để nhận lương, thưởng nhưng Ban Giám đốc công ty lại cho biết ngân hàng chưa chuyển tiền về.
Công nhân đã tập trung đòi quyền lợi. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà đã không trực tiếp đối thoại với công nhân.
"Vỡ mộng" dự án nuôi bò nghìn tỷ
Dự án chăn nuôi bò Bình Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015 (bổ sung, điều chỉnh tại QĐ số 99/QĐ-UBND ngày 12/1/2016) với tổng mức đầu tư 4.582 tỷ đồng. Tổng diện tích dự án là 6.119,28 ha.
Vào ngày 15/1/2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kết hợp với Công ty Bình Hà đã khánh thành giai đoạn 1 Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh. Trong đó, BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng. Dự kiến, quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dành cho dự án là 2.190 tỷ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỷ đồng.
Đây được xem là dự án nông nghiệp "khủng" chưa từng có nhưng lại được triển khai chóng vánh tại Hà Tĩnh. Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (công ty Bình Hà) được thành lập 5 ngày trước ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (10/4/2015).
Thời điểm đó, dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống của Bình Hà hứa hẹn sẽ tạo lực đẩy cho nền kinh tế Hà Tĩnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể là ngành chăn nuôi công nghệ cao, nguồn cung cho thị trường xuất khẩu và nội địa; hàng năm mang lại lợi nhuận bình quân từ 1.000-1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.000 lao động địa phương.
Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn hai huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Hàng trăm hecta keo, tràm, thông đang ở thời kỳ phát triển đều được đốn hạ để nhường đất cho dự án; hàng nghìn ha đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh) cũng nhanh chóng bị thu hồi.
Thế nhưng, sau thời gian đầu hoạt động rầm rộ, hiệu quả của dự án ngày càng suy giảm. Cùng với đó dự án bị "tai tiếng" ô nhiễm môi trường và sự phản đối của người dân xung quanh khu vực. Trong năm 2016, công ty lỗ 200 tỉ đồng. Từ tháng 6/2017 đến nay, công ty không nhập thêm bò và tính đến giữa năm 2018, số bò được chăn nuôi của dự án còn chưa đến 500 con, theo đưa tin từ báo Nhân dân.
Liên quan đến những sai phạm tại dự án này, cuối tháng 11/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Kiều Đình Hoà, nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh và bà Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Hà Tĩnh. Ngoài ông Hòa và bà vân Anh, 2 bị can liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV, CO3 cũng đã khởi tố, bắt giam ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị BIDV; Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV.
Trước đó, vào tháng 6/2018, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Dũng và Lương được cơ quan điều tra xác định lập hồ sơ khống, nâng khối lượng để chiếm đoạt 110 tỷ tiền triển khai dự án.
Mộc Miên (Tổng hợp)