Dự án gây chấn động
Trong số các nước đạo Hồi, Ả rập Xê ut là nước có mối quan hệ khá khăng khít, gần gũi với các nước phương Tây và Mỹ. Không chỉ có mối liên hệ chặt chẽ về chính trị, quân sự, thương mại, nền văn hóa của Ả rập Xê ut cũng khá cởi mở, nhiều nếp sống phương Tây đã theo chân các nhà đầu tư, khách nước ngoài du nhập thành công vào quốc gia Hồi giáo này.
Không khó để tìm thấy các quán cà phê kiểu Pháp, hay những nhà hàng McDonald ở đất Ả rập. Nhưng trên góc độ nữ quyền, nước này vẫn bị các đồng minh chỉ trích không ngừng vì vẫn còn duy trì các tập tục lạc hậu, coi thường phụ nữ.
Xã hội Ả rập Xê ut vẫn coi phụ nữ chỉ là những người nội trợ trong gia đình, sinh đẻ và chăm sóc nhà cửa, con cái. Kiếm tiền nuôi sống cả gia đình là trách nhiệm, gánh nặng và cũng là niềm tự hào của đàn ông nước này. Vì thế, việc một người phụ nữ trong gia đình đi làm sẽ là mối nhục nhã ghê gớm cho các ông chồng, hay những người cha, người anh trai của họ. Phụ nữ vì thế lại càng bị cấm đoán gia nhập đội ngũ lao động. Giao tiếp xã hội của họ cũng bị hạn chế, học hành chỉ cần biết chữ để đọc được kinh Koran là nghỉ. Ngay đến việc lái xe, phụ nữ nước này cũng bị cấm.
Trong khi đó, những cuộc đấu tranh cho nữ quyền của phụ nữ nước này ngày càng mạnh mẽ. Nhiều người đã dám vượt qua luật tục, tiếp tục học lên cao. Một số thì tìm kiếm cơ hội học đại học ở nước ngoài. Tỷ lệ phụ nữ có trình độ đại học ở Ả rập Xê ut cao nhất trong số các nước Hồi giáo khu vực Trung Đông. Nhưng phần lớn, họ không có cơ hội làm việc sau khi ra trường. Nhiều người đã phải cất đi bằng cấp của mình, lấy chồng và chấp nhận cuộc sống của một bà nội trợ. Chỉ có 15% lực lượng lao động của Ả rập Xê ut là phụ nữ, 95% trong số đó làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Phụ nữ đi làm là hình ảnh hiếm hoi ở Arab Saudi
Dưới áp lực đấu tranh của nữ giới nước này và các tổ chức bênh vực nữ quyền quốc tế, mới đây, chính phủ Ả rập Xê ut đã công bố một dự án khá độc đáo: Họ sẽ xây dựng một loạt các thành phố công nghiệp dành riêng cho phụ nữ làm việc. Gia đình của họ sẽ được bố trí ở ngoại ô, nhưng chỉ phụ nữ và các bé gái mới được vào thành phố học tập, làm việc. Cánh đàn ông sẽ phải làm việc bên ngoài thành phố. Thành phố đầu tiên sẽ được triển khai tại tỉnh Hofuf, miền Đông nước này.
Nơi đây sẽ là một trung tâm công nghiệp, nơi phụ nữ có thể tham gia lực lượng lao động, làm việc mà không cần phải tiếp xúc với nam giới. Sẽ có khoảng 5.000 việc làm trong các lĩnh vực phù hợp với phụ nữ như chế biến dược phẩm, thực phẩm và dệt may. Các doanh nghiệp hoạt động tại đây sẽ phải gồm 100% nhân sự là nữ giới, kể cả ban giám đốc.
Những đối tác nam giới đến giao dịch làm việc sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các viên chức chính phủ tất nhiên cũng là nữ giới được biệt phái đến quản lý thành phố này. Nếu buộc phải ở lại qua đêm, họ sẽ phải ở trong các khách sạn bên ngoài thành phố chứ không được phép lưu lại trong nội thành.
Theo dự án được phê duyệt, Ả rập Xê ut sẽ phải chi ra tới 130 triệu USD cho thành phố mới này. Nếu thành công, mô hình sẽ được nhân rộng ra trên cả nước. Chính phủ nước này cho biết, dự án nằm trong chương trình thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới. Phát biểu với báo giới, ông Saleh Al Rasheed, Phó tổng giám đốc Cơ quan quản lý công nghiệp Ả rập Xê ut cho biết nếu thành công, ngoài việc giúp khai thác một nguồn nhân lực to lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế, dự án còn đem lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội. Nữ giới nước này được giải phóng, dần đẩy lùi tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn rất nặng nề và dẫn đến nhiều mặt trái.
Chặng đường còn lắm gian nan
Mặc dù luật Sharia không cấm phụ nữ làm việc, nhưng lại cấm nam giới và phụ nữ cùng làm việc trong một môi trường. Các quy định khác cũng khiến phụ nữ nước này không có nhiều cơ hội cống hiến, ví dụ như phụ nữ chỉ được đi ra ngoài khi có một người đàn ông trong gia đình hộ tống. Ả rập Xê ut hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe. Olympic London 2012 diễn trong mùa hè vừa qua là sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới đầu tiên có sự góp mặt tranh tài của các nữ vận động viên Ả rập Xê ut. Để làm được điều đó, Ủy ban Olympic quốc tế đã phải vất vả thuyết phục Chính phủ và dư luận nước này từ trước đó cả năm trời.
Việc tạo một không gian làm việc riêng cho phụ nữ của Chính phủ đã nhận được nhiều sự hoan nghênh của các tổ chức bảo vệ nữ quyền trên thế giới. Nó đánh dấu một sự thay đổi tích cực đối với phụ nữ nước này. Năm 2011, Quốc vương Abdullah đã tuyên bố rằng phụ nữ có thể được trao quyền bỏ phiếu hay ứng cử trong cuộc bầu cử địa phương vào năm 2015 tới. Họ cũng có thể được cho phép tham gia tích cực hơn trong Hội đồng Shura - Hội đồng tư vấn do nhà vua chỉ định.
Đầu năm 2012, Chính phủ nước này đã thành công khi tiến hành dự án đầy tranh cãi: Thay thế các nhân viên người nước ngoài trong một số cửa hàng bán nội y ở thủ đô bằng các nữ nhân viên người Ả rập Xê ut. Dự án ban đầu đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các Đảng phái bảo thủ, nhưng đã nhận được sự ủng hộ khá mạnh mẽ từ công chúng.
Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc thành lập các thành phố dành riêng cho phụ nữ này. Với người Hồi giáo, đây quả là một bước tiến quan trọng trên con đường đấu tranh cho bình đẳng giới, nhưng dưới con mắt của các nhà xã hội học phương Tây, dự án này không được đánh giá cao. Một nhà tâm lý học người Anh đã phát biểu rằng, thành lập thành phố riêng cho phụ nữ là hành động chấp nhận phân biệt nam nữ. Ranh giới giữa hai giới giờ đây đã thực sự tồn tại trên thực tế, chứ không chỉ trong tư tưởng, nó sẽ ngăn cản sự hòa hợp xã hội. Việc nữ giới sống và làm việc trong những ốc đảo riêng như vậy cũng mang lại nhiều mặt trái chưa lường hết được.
Do đó, thay vì tiếp tục triển khai dự án, chính phủ Ả rập Xê ut nên tăng cường các chiến dịch truyền thông và từng bước luật hóa việc cho phép phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội cùng với đàn ông. Điều đó sẽ giúp xóa bỏ dần những quy định lạc hậu của luật Hồi giáo Sharia và thay đổi quan niệm của xã hội về vai trò của người phụ nữ, giúp nữ giới nước này có cơ hội được sống bình đẳng như nam giới mà không phải thu mình trong các vùng lãnh thổ riêng biệt.
Trong khi phương Tây chê là may áo rộng cho người béo phì thì dự án cũng bị lãnh đạo một số cánh Hồi giáo cực đoan phản đối vì tính cấp tiến của nó. Những nhánh này vẫn mang tư tưởng bảo thủ, tôn thờ các giáo lý truyền thống của đạo Hồi, coi phụ nữ chỉ là phần cơ thể bên ngoài của đàn ông. Phụ nữ không nên và không cần phải đi làm. Trách nhiệm của họ là ở nhà chăm sóc gia đình và chờ những người đàn ông trở về bên mâm cơm. Xem ra, con đường tiến tới bình đẳng cho chị em Ả rập Xê ut vẫn còn nhiều chông gai, và sự kiên định của Chính phủ nước này còn gặp nhiều thử thách.
Vị thế nữ giới sẽ được cải thiện? Theo một cuộc thăm dò mới nhất của viện Gallup, các vương quốc dầu mỏ có sự chênh lệch giữa lao động nam và nữ lớn nhất thế giới, với khoảng cách là 23%. Trong những năm gần đây, số lượng các công ty đòi hỏi phụ nữ chưa lập gia đình để đảm bảo chất lượng làm việc ngày càng tăng. Một số công ty tư nhân quy định một người phụ nữ chỉ được tuyển dụng nếu cô ấy độc thân hoặc đã kết hôn nhưng chưa có con. Hai trang mạng nổi tiếng chuyên về điều tra xã hội là YouGov và Bayt.com cũng cho hay, một cuộc thăm dò với phụ nữ làm việc tại Ả rập Xê ut cho thấy có 65% phụ nữ nước này muốn đạt được sự độc lập về tài chính thông qua sự nghiệp của họ. Những người dưới 25 tuổi cũng muốn dùng trình độ học vấn của họ để làm việc, thay vì lấy chồng và ở nhà như truyền thống từ ngàn đời nay. |
Thanh Tùng