Quan hệ Mỹ-Nga được đánh giá là ở mức thấp nhất trong năm 2017. Liệu năm 2018 mối quan hệ góp phần lớn “định hình” cục diện thế giới này sẽ diễn ra theo chiều hướng nào? Băng sẽ tan, hay tảng băng chìm ngày càng dày hơn và nguy cơ đối đầu càng hiện rõ? Tất cả vẫn là những câu hỏi đầy thách thức.
Một năm trước đây, nhiều người đã dự đoán rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ khởi động một cuộc tấn công quân sự vào Syria; Phê duyệt các lô hàng viện trợ quân sự lớn cho Ukraine; chủ trì việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin; dồn lực lượng Mỹ và NATO tại Đông Âu và chỉ định Nga là một đối thủ chiến lược của Mỹ - như một quyết tâm mạnh mẽ đúng với khẩu hiệu "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Tuy nhiên, thật bất ngờ nhà lãnh đạo vốn là một tỷ phú nổi tiếng lại cho thấy một cách tiếp cận thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều khiến cho các nhóm chính trị bảo thủ trong nước không khỏi tức tối.
Trong suốt một năm nắm quyền, Tổng thống Trump đã không ngừng nỗ lực cho tuyên bố từng cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2016, đó là xây dựng lại nền tảng để tìm kiếm một mối quan hệ tốt hơn với Moscow.
Dẫu vậy, cáo buộc can thiệp bầu cử tiếp tục trở thành bóng đen bao phủ quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, trong khi những nỗ lực của nhà lãnh đạo nước Mỹ đôi khi bị cản bước bởi các phe nhóm chính trị trong nước. Những bất đồng trong một số vấn đề quốc tế cũng khiến cho ý muốn xích lại ban đầu của ông Trump không thành công.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Moscow và Washington đang ở điểm thấp nhất kể từ sau kết thúc Chiến tranh Lạnh là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia phân tích trên thế giới.
Tình trạng này được phản ánh rõ nét tại cuộc họp gần đây giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nơi cả hai đã thảo luận về tình hình Syria, điểm nóng Ukraine và cuộc khủng hoảng Triều Tiên - nhưng thất bại trong việc đạt được bất kỳ bước đột phá đáng kể nào.
Trong đó, sự khác biệt giữa Moscow và Washington ở khu vực Trung Đông đang được định hình một cách rõ ràng hơn. Nga không hài lòng khi Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và Washington lo ngại rằng Nga đã thiết lập hợp tác ở mức cao bất thường với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - điều có thể hạn chế mọi tham vọng bành trướng sức mạnh của Mỹ ở Trung Đông.
Bất đồng Mỹ-Nga không chỉ trên mặt trận ngoại giao mà đang lan dần ra những tiềm ẩn nguy cơ quân sự. Hôm 8/12/2017, Mỹ nói rằng họ đang cân nhắc các biện pháp quân sự và kinh tế chống lại Moscow với cáo buộc nước này vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Trong khi Nga cáo buộc Mỹ đang vi phạm INF khi triển khai các tổ hợp giếng phóng đa dụng MK-41 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại châu Âu, thì Washington cho rằng Moscow đang có hành động tương tự khi phát triển tên lửa hành trình R-500 và tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Sự đổ vỡ của INF một khi Nga-Mỹ cùng rút khỏi hiệp định sẽ càng nới rộng thêm khoảng cách ngày càng xa giữa hai cường quốc.
Washington mới đây cũng đưa kênh truyền hình Nga RT (Russia Today) vào danh sách "tình báo nước ngoài", trong khi Moscow cũng đáp trả bằng hành động tương tự đối với các phương tiện truyền thông của Mỹ hoạt động tại Nga.
Hôm 18/12, ABC News dẫn lời một nguồn tin bộ Ngoại giao nói rằng phụ tá cao cấp của Tổng thống sẽ trình bày với ông Trump kế hoạch 47 triệu USD để tài trợ và bán vũ khí phòng thủ công nghệ cao cho Ukraine để củng cố nỗ lực của Mỹ trong việc đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Nga ở miền Đông Ukraine, một động thái dễ khoét sâu thêm khủng hoảng.
Với những bất đồng ngày càng được mở rộng trên nhiều điểm nóng, giới quan sát đánh giá rằng, bất chấp những mục đích gần gũi ban đầu của Tổng thống Trump, cùng cánh tay mở rộng của nhà lãnh đạo Nga Putin, năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm u ám của hai cựu thù Chiến tranh Lạnh.
Tờ NBC News trong một bài viết hôm 29/12/2017 nhìn nhận, Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn chính sách đối ngoại của ông đang bước vào năm 2018 với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử đè nặng trên vai. Tất cả những phe nhóm "chống Nga" trong nước đang dùng cái cớ này để biến thành công cụ cản trở mọi nỗ lực xích lại với Moscow và phá hoại uy tín ông Trump trước khi chiến dịch tranh cử năm 2020 diễn ra.
Các chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng, sự khác biệt hoàn toàn giữa "hành động" và "lời nói" của Tổng thống Mỹ cho thấy, ông thiếu một chính sách đối ngoại nhất quán. Điều này không chỉ trở thành điểm yếu cho đối thủ chỉ trích mà thậm chí còn làm cho chính Điện Kremlin phải cảm thấy bối rối khi không biết nhà lãnh đạo này có thực sự muốn hàn gắn quan hệ hay không. Do vậy, tiếng nói của ông Trump ngày càng bị lu mờ hơn trước các nhóm chính trị kỳ cựu không muốn tiến tới mối quan hệ thân thiện với Moscow.
"Tổng thống Trump không phải là chiếc bánh giúp vận hành con tàu quan hệ Mỹ-Nga", Mark Simakovsky, thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương nói. Sự thù địch giữa hai nước càng leo thang trong những tuần gần đây, khi nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó tuyên bố Nga là "đối thủ" của mình.
"Sự kết hợp giữa tin đồn bán vũ khí cho Ukraine và ngôn ngữ khắc nghiệt nhằm vào Moscow trong chiến lược an ninh quốc gia mới đang khiến các chính trị Nga hoài nghi về Trump", Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói với CNBC.
"Năm 2018 có lẽ sẽ không có gì khác biệt, Tổng thống Putin có ít động lực để tin tưởng Tổng thống Trump có thể đưa quan hệ hai nước xích lại gần nhau kể từ khi Mỹ không dỡ trừng phạt đối với Nga", học giả Darrell West từ viện Brookings nhận xét, ám chỉ đến các lệnh trừng phạt liên tục của Washington chống lại Moscow. "Quan hệ Mỹ với Nga đang ở một điểm rất thấp", nhà phân tích này đồng ý rằng quan hệ Mỹ-Nga không có khả năng cải thiện vào năm 2018.
Cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Nga có thể xảy ra
(Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm, viện Nghiên cứu Trung Quốc, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
“Thế giới đang ở trong thời kỳ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và đang phục hồi khó khăn, chậm chạp. Khu vực đồng EURO vẫn chưa ổn định. Trong bối cảnh đó, Nga vẫn nắm giữ vị trí là một quốc gia có sự cạnh tranh với Mỹ về mặt chiến lược.
Nga cạnh tranh với Mỹ chủ yếu ở địa bàn châu Âu. Nhưng hiện Nga cũng quan tâm tới khu vực châu Á và Moscow cũng có một phần quốc gia ở khu vực châu Á. Về vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên, Nga đã thể hiện chính kiến của mình và tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề này. Nga cũng muốn phát huy vai trò của mình không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á nữa.
Sự chuyển động này có thể dẫn đến việc đụng đầu giữa những nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc. Nhiều người nói về khả năng diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ với Nga ở châu Âu và giữa Mỹ với Trung Quốc ở khu vực châu Á. Cuộc Chiến tranh Lạnh này nếu có sẽ khác nhiều so với trước đây".Đào Vũ