Mới đây, một số đại diện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nguồn tin trong ngành dầu mỏ mới đây nhận định tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới sẽ chậm lại vào năm 2023, trong bối cảnh giá dầu thô và nhiên liệu tăng mạnh đẩy lạm phát lên cao và khiến kinh tế toàn cầu chững lại.
Hiện tại, hoạt động tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu thời gian qua đã phục hồi sau khi giảm sâu trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và dự kiến trong năm nay sẽ vượt các mức ghi nhận năm 2019 kể cả khi giá cả tăng cao kỷ lục.
Tuy nhiên, tình trạng giá tăng đã khiến các nhà dự báo hạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu trong năm 2022 và tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu được cho là sẽ chậm lại trong năm 2023.
OPEC sẽ công bố dự báo đầu tiên về nhu cầu dầu mỏ năm 2023 trong tháng 7/2022. Trong khi đó, người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, cơ quan này sẽ công bố dự báo đầu tiên về nhu cầu dầu mỏ năm 2023 trong ngày 15/6. Các dự báo của OPEC và IEA sẽ là những thông tin quan trọng, có thể làm cơ sở dự báo chính sách nguồn cung của OPEC.
Hãng tin Reuters dẫn lời một đại diện của OPEC và một nguồn thạo tin cho biết, tổ chức này dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới ở mức tối đa là 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tức là tăng khoảng 2%. Mức tăng trưởng trong năm 2022 đang được dự báo ở 3,36 triệu thùng/ngày.
Hiện, OPEC đang theo dõi các tín hiệu cho thấy giá nhiên liệu tăng cao có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Các cơ quan dự báo nhu cầu dầu mỏ thường phải điều chỉnh đáng kể các kết quả dự báo tùy theo biến đổi của triển vọng kinh tế và các yếu tố bất ổn như cuộc xung đột tại Ukraine và các biện pháp phong tỏa phòng dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Về phía ngân hàng Citi (Hoa Kỳ) cũng đưa ra dự báo giá dầu thô trong năm nay và triển vọng giá trong năm 2023. Cụ thể, Citi nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong quý 2/2022 lên thêm 14 USD, đạt 113 USD/thùng, trong quý 3 và quý 4/2022 cũng tăng thêm 12 USD. Đối với năm 2023, Citi dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 75 USD/thùng, tăng 16 USD so với mức dự báo gần nhất.
Liên quan đến tình hình kinh tế thế giới, vừa qua trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm còn khoảng 2,9% trong năm 2022, từ mức tăng trưởng 5,7% của năm 2021. Như vậy, dự báo tăng trưởng mới cập nhật thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng trưởng 4,1% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 1/2022.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2023 - 2024 ước tính cũng dao động quanh mức tăng trưởng của năm 2022, còn lạm phát toàn cầu vẫn cao hơn mục tiêu mà hầu hết các nền kinh tế đề ra. Bên cạnh đó, báo báo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rủi ro đình lạm. Đình lạm trong kinh tế học được xác định là hiện tượng nền kinh tế bị đình đốn, tăng trưởng chậm lại nhưng tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Quốc Tiệp (t/h)