Ngày 15/12/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát biểu tại một hội nghị tổ chức tại trụ sở báo Kyodo News. Phần lớn bài phát biểu của ông tập trung vào vấn đề tiếp tục những nỗ lực của bản thân, nhằm khôi phục nền kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong phần thảo luận về việc sửa đổi Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng (NDPG) trong thời gian tới, ông Abe đưa ra tuyên bố chưa từng có: Sửa đổi NDPG vẫn duy trì định hướng quốc phòng độc lập và các nguyên tắc cơ bản khác, nhưng sẽ không dựa trên tiến trình phát triển chính sách quốc phòng trong quá khứ của Nhật Bản. Thay vào đó, ông Abe nhấn mạnh, việc sửa đổi sẽ dựa trên đánh giá thực tế về tình hình an ninh trầm trọng mà Tokyo đang phải đối mặt hôm nay.
NDPG là một tài liệu chính sách quốc phòng có vai trò chỉ đạo Chương trình Phòng vệ Trung hạn (MTDP) của Nhật Bản.
Theo tạp chí The Diplomat, bình luận của Thủ tướng Shinzo Abe cho thấy dự cảm của nhà lãnh đạo Nhật Bản về môi trường an ninh ngày càng xấu đi ở khu vực Đông Bắc Á. Trên thực tế, chỉ trong năm nay, những áp lực liên tục từ phía Trung Quốc đối với biển Hoa Đông và những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên làm trầm trọng thêm những hành vi khiêu khích từ Bình Nhưỡng, đã tạo ra “tâm thế mới” cho Nhật Bản, nơi Tokyo hiện duy trì thái độ cảnh giác với tình hình an ninh xung quanh. Vấn đề mà Thủ tướng Abe phải đối mặt là tình trạng trên có xu hướng không được cải thiện nhiều vào năm 2018.
Trong bối cảnh Nhật Bản tiến tới sửa đổi NDPG và MTDP trong năm nay, có một số quyết định đang chờ đón nước này. Những quyết định đó rất quan trọng bởi nó sẽ xác định tâm thế và vị thế của Nhật Bản trong một vài thập kỷ tới.
Một ví dụ điển hình là việc liệu Nhật Bản có quyết sở hữu năng lực tấn công của riêng mình hay không. Bản thân những tranh cãi, bàn thảo xung quanh việc “có hay không” đã có trước khi xảy ra những diễn biến căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên. Sau cùng, Chính phủ Nhật Bản đã xác định quan điểm chính thức rằng sở hữu khả năng tấn công kẻ thù được coi là hợp hiến khi Tokyo không có biện pháp nào khác để tự vệ khỏi sự xâm lược từ bên ngoài kể từ tháng 2/1956.
Tuy nhiên, ngày nay, cuộc thảo luận về vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn khi Tokyo chứng kiến mối đe dọa từ tốc độ phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Kết quả thảo luận sẽ có tác động rất đáng kể bởi nó sẽ mở ra cánh cửa cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) tiến hành sửa đổi toàn bộ khái niệm hoạt động cũng như dẫn tới những cuộc trao đổi giữa Tokyo và Washington về vấn đề chia sẻ trách nhiệm giữa hai quân đội đối với các vấn đề khác nhau trong khu vực.
Một ví dụ khác là mức độ tập trung mà Nhật Bản mong muốn đối với không gian mạng và không gian vũ trụ - hai lĩnh vực chiến đấu mới nổi lên – trong văn bản NDPG mới, cũng như mức độ đầu tư nhằm tăng khả năng của Lực lượng Phòng vệ đối với hai lĩnh vực này.
Hiện tại, trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Nhật Bản xác định chiến đấu trên không gian mạng và không gian vũ trụ là một phần của “các hiệp ước toàn cầu” và đóng vai trò quan trọng với quốc phòng Nhật Bản. Từ đó kêu gọi hợp tác giữa tư nhân và Nhà nước cũng như sự phối hợp liên ngành tốt hơn nữa đối với vấn đề này.
NDPG nhấn mạnh ý nghĩa của nó đối với năng lực quốc phòng của Nhật Bản dựa trên nhu cầu của họ đối với khả năng thông tin tình báo, giám sát và trinh sát hàng không (ISR). Tuy nhiên, những lĩnh vực này, đặc biệt là an ninh mạng, đã tụt hậu trong những năm gần đây, xét cả về đầu tư và phát triển nhân lực. Bởi ngân sách được ưu tiên cho các nền tảng hữu hình khác. Do tầm quan trọng ngày càng gia tăng của an ninh không gian và an ninh mạng trong các hoạt động quân sự, Chính phủ Nhật Bản cần phải quyết định số tiền đầu tư nhằm tăng cường khả năng của Lực lượng Phòng vệ trong lĩnh vực này, theo tờ The Diplomat.
Thách thức lúc này với Nhật Bản là tìm ra một con đường để tạo ra thế cân bằng giữa những nhu cầu để có được các khả năng phản ứng với những mối đe dọa tiềm ẩn từ Triều Tiên, mặt khác tiếp tục phát triển năng lực bảo vệ các hòn đảo của mình để ngăn chặn các hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, đồng thời gia tăng khả năng phục hồi của Lực lượng Phòng vệ bằng cách đầu tư vào những lĩnh vực chiến đấu mới nổi (không gian mạng, không gian vũ trụ).
Mặc dù ngân sách quốc phòng của Nhật Bản liên tục tăng từ khi ông Shinzo Abe nhậm chức vào cuối năm 2012, nhưng vẫn chưa đủ để cho phép Lực lượng Phòng vệ phục hồi sau một thập kỷ trước đó khi ngân sách quốc phòng giảm. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ thương mại tới ngân sách quốc phòng, Nhật Bản cần tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, nhưng để đạt được điều đó không phải là dễ dàng, nhất là trong môi trường tài khóa như hiện tại.
Vào ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố năm nay sẽ là “năm biến những kế hoạch thành hành động”. Cam kết này chắc chắn sẽ được thách thức trong chính sách quốc phòng, khi việc sửa đổi NDPG và MTDP sẽ được quyết định trong vài tháng tới.
Xem thêm: “Cành ô liu” của Triều Tiên trao Hàn Quốc khiến Mỹ lúng túng