Vào ngày 21/10, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết với Nga kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Lý giải cho quyết định này, Tổng thống và Quốc hội Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm các điều khoản của hiệp ước trong nhiều năm qua bằng việc tạo ra các hệ thống tên lửa mặt đất đặt tại lãnh thổ của mình có tầm hoạt động từ 500 đến 5.500 km.
Washington trích dẫn thông tin từ “nguồn tình báo bí mật” để làm cơ sở cho quyết định chấm dứt INF mà không trình bày bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào để chứng minh cho các cáo buộc chống lại Nga.
Giới quan sát lo ngại rằng một khi Tổng thống Trump đi đến quyết định cuối cùng là hoàn tất các thủ tục để kết thúc Hiệp ước INF, một cuộc cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu sẽ bắt đầu.
Trong vòng 10 năm tới, khối Schengen có thể trở thành cứ điểm của các hệ thống tên lửa mặt đất của Mỹ với tầm bắn 500 đến 1.000 km (tên lửa tầm ngắn) và từ 1.000 đến 5.500 km (tên lửa tầm trung).
Trước tình hình trên, Nga sẽ phải có câu trả lời để bảo vệ chính mình bằng việc tạo ra các hệ thống tên lửa có phạm vi hoạt động tương tự.
Nâng cấp tên lửa “nhỏ”
Trong nhiều năm, Mỹ lo ngại rằng Nga đang phát triển một phiên bản tầm xa đối với tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật Iskander-M đang được triển khai ở rìa châu Âu, trong vùng Kaliningrad.
“Tên lửa của hệ thống này có phạm vi hoạt động dưới 500 km. Nhưng về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể phát triển một phiên bản tên lửa ở tầm xa hơn”, nhà phân tích quân sự của hãng thông tấn TASS Viktor Litovkin cho biết.
Vì vậy, ứng cử viên đầu tiên trong việc nâng cấp các mẫu tên lửa “nhỏ” lên “to” hơn sẽ là tên lửa của tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật Iskander-M.
Hiệp ước INF chỉ ràng buộc đối với các hệ thống tên lửa mặt đất với tầm hoạt động từ 1.000 đến 5.500 km. Còn lại, các tên lửa hành trình triển khai từ trên không hoặc từ biển với phạm vi tương tự vẫn có mặt trong kho vũ khí của Mỹ và Nga cũng phát triển không lâu sau đó.
Do đó, theo chuyên gia Litovkin, tên lửa Tomahawk của Mỹ và tên lửa Kalibr của Nga sẽ trở thành hệ thống vũ khí tiếp theo được "nâng cấp" để thích nghi với tình hình thực tế hậu INF.
Phạm vi hiệu quả của các tên lửa này nằm trong khoảng từ 300 đến 2.600 km. Hơn nữa, những tên lửa này sẽ bay đến mục tiêu theo quỹ đạo ôm sát theo địa hình, khiến chúng trở nên khó phát hiện hơn.
Một khía cạnh quan trọng khác là tải trọng đầu đạn tên lửa. Trong thập kỷ tới sự phát triển của công nghệ sẽ cho phép các tên lửa được trang bị các đầu đạn có sức công phá mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ giúp tạo ra một loại vũ khí có độ chính xác cao và cơ động.
Tên lửa nào sẽ được mang trở lại mặt đất?
Một ứng cử viên hàng đầu cho Nga trong việc phát triển tên lửa mặt đất mới khi Hiệp ước INF kết thúc, đó là tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Một năm trước, các máy bay tiêm kích chiến đấu MiG-31 của Nga đã lần đầu được trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal phiên bản phóng từ trên không. Theo quân đội Nga, đây là loại vũ khí chưa có đối thủ xứng tầm ở bất cứ đâu trên thế giới.
Kinzhal có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hơn 2.000 km mà không cần xâm nhập vào khu vực phòng không của địch, Tổng tư lệnh lực lượng Không quân Vũ trụ Nga Sergei Surovikin nói với RBTH.
Theo vị quan chức quân đội Nga, trong chưa đầy 1 giây sau khi phóng đi từ chiến đấu cơ, tên lửa Kinzhal có thể đạt tới tốc độ siêu vượt âm (gấp 8 lần tốc độ âm thanh) và tự động lao thẳng đến mục tiêu.
"Hoạt động ở tốc độ nhanh gấp vài lần tốc độ âm thanh cho phép tên lửa vượt qua tất cả các hệ thống phòng không và tên lửa hiện có trên thế giới, bao gồm cả những hệ thống đang được phát triển", ông Surovikin nhấn mạnh.
Ngoài ra, tên lửa Kinzhal còn được trang bị đầu đạn thích ứng với mọi điều kiện thời tiết vì vậy nó có thể tấn công mục tiêu hiệu quả bất kể phải hoạt động trong những thời điểm môi trường khắc nghiệt nhất.