World Cup 2022 diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 18/12 dự kiến sẽ thu hút khoảng 1,2 triệu lượt người hâm mộ bóng đá đến xem trực tiếp.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, việc thu hút số lượng lớn người hâm mộ trên khắp thế giới tập trung về Qatar cũng có thể dẫn tới nguy cơ lây lan một số bệnh nhiễm trùng như Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ và đặc biệt là Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-Middle East Respiratory Syndrome) hay còn được gọi là "cúm lạc đà". Trong đó, một số chuyên gia nhận định MERS có khả năng bùng phát thành dịch.
Dù ngành y tế Qatar đã chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống này song việc tiếp tục giám sát và nghiên cứu về sự lây truyền của các căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp là rất quan trọng.
Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến cáo để giảm thiểu những rủi ro trên, du khách tham dự giải đấu nên tiêm phòng đầy đủ, tuân thủ các quy tắc về lựa chọn thực phẩm, đồ uống an toàn và không nên chạm vào lạc đà. Bởi theo Times of India, virus MERS được truyền sang người từ lạc đà một bướu bị nhiễm bệnh. Dữ liệu dịch tễ học từ Qatar cho thấy, 28 trường hợp mắc MERS (tỉ lệ mắc bệnh là 1,7 ca/1 triệu dân), hầu hết bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc với lạc đà.
Hướng dẫn của chính phủ Qatar cho biết sự lây lan của loại virus này từ người sang người đã được hạn chế trong các bệnh viện, nhưng việc tiếp xúc trực tiếp với lạc đà là rất rủi ro.
Những người đứng đầu WHO đã cảnh báo vào tháng 8 vừa qua rằng khoảng 80% các trường hợp nhiễm MERS-CoV là do tiếp xúc với lạc đà bị nhiễm bệnh hoặc những người bị nhiễm bệnh trong bệnh viện.
Cũng theo WHO, MERS đã được ghi nhận ở một số quốc gia ở Trung Đông, châu Phi và Nam Á. Tổng cộng, 27 quốc gia đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh kể từ năm 2012, dẫn đến 858 ca tử vong do nhiễm trùng và các biến chứng liên quan
Không giống như Covid-19, MERS chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị và những người hâm mộ được khuyến cáo cẩn thận phòng tránh nếu không muốn mắc phải loại virus nguy hiểm nói trên.
"Người hâm mộ nên tránh xa lạc đà ở Qatar. Đó là khuyến cáo bổ ích để giảm nguy cơ lây nhiễm virus. Đó là một loại virus nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao hơn Covid-19 và hiện không có vắc xin hiệu quả", giáo sư Paul Hunter, Đại học East Anglia nói.
Được biết, người nhiễm MERS-CoV có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ gặp vấn đề về hô hấp nhẹ. Tuy nhiên, virus này có thể dẫn đến bệnh hô hấp cấp tính nặng, thậm chí gây tử vong. Dấu hiệu điển hình của bệnh là sốt, ho, khó thở, đôi khi là triệu chứng ở đường tiêu hóa như tiêu chảy.
"Bệnh nhân nặng có thể suy hô hấp phải thở máy và hỗ trợ hồi sức tích cực. Virus thường gây bệnh nặng hơn ở người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm và mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, phổi, ung thư, tiểu đường”, WHO thông tin.
Để tự bảo vệ mình khỏi căn bệnh này, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ khuyến cáo mọi người nên thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong 20 giây. Có thể sử dụng chất rửa tay chứa cồn.
- Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó ném khăn giấy vào thùng rác.
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng rửa tay.
- Tránh tiếp xúc cá nhân với người bị bệnh.
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường chạm như đồ chơi và tay nắm cửa.
- Những người chăm sóc bệnh nhân MERS cần vệ sinh tay thường xuyên và đeo mặt nạ khi tiếp xúc trực tiếp cho đến khi bệnh nhân phục hồi.
- Tránh tiêu thụ các sản phẩm sữa, thịt sống hoặc chưa nấu chín.
- Do virus gây bệnh được tìm thấy trong một số con lạc đà, nên cần thận trọng khi tiếp xúc với lạc đà.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, VietNamNet, Sức khỏe và Đời sống)