Cụ thể, trong buổi làm việc giữa UBND quận 1 (TP.HCM) với công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Viễn Đông (công ty Viễn Đông) vào chiều ngày 10/4, đại diện công ty này đã chấp nhận gửi thư xin lỗi và đền tiền cho du khách nước ngoài vấp phải móc sắt bị ngã, chấn thương ở mặt theo yêu cầu của UBND quận.
Trước đó, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 đã ký công văn gửi công ty Viễn Đông đề nghị rà soát, xử lý dứt điểm những móc sắt còn tồn tại trên các tuyến đường quận 1, đảm bảo lối đi thông thoáng, an toàn tuyệt đối cho người đi bộ.
Nhìn vào các mốc thời gian từ lúc xảy ra sự việc tới khi đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm vì sự tắc trách của mình, ta có thể thấy được thái độ khẩn trương của cơ quan chức năng trong nỗ lực xử lý sai phạm, đảm bảo quyền lợi của du khách nói riêng và người đi bộ nói chung. Nghĩ xa hơn, cách làm này còn góp phần giữ gìn hình ảnh du lịch Việt, tạo sự an tâm cho du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, nhìn vào phản ứng của người dùng mạng về cách giải quyết sự cố kể trên, có cảm giác như họ đang cười cợt số tiền bồi thường và “ghen tị” với du khách bị vấp phải móc sắt. Dù mới mấy ngày trước, họ còn đua nhau chia sẻ hình ảnh người phụ nữ trung niên bị “dính bẫy” khi đi bộ tại giao lộ Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa; lo lắng về sự “một đi không trở lại” của du khách, đồng thời chỉ trích đơn vị thi công chưa đưa ra phương án đền bù hợp lý.
Có người rủ bạn bè đi tìm móc sắt để “tranh thủ vấp ngã” rồi bỏ lại chiếc răng trên mặt đường nhằm lấy tiền bồi thường. Có người nói chi phí điều trị vết thương không lên đến 1.000 USD. Có người đặt dấu hỏi về sự ưu ái “người ngoại quốc”. Những người còn lại thì kể về kỉ niệm vấp ngã khi đi bộ, do yếu tố chủ quan, sơ ý nhưng vẫn trăn trở khi… không ai muốn bồi thường.
Nên nhớ rằng, điều quan trọng nhất trong câu chuyện này không phải là một ngàn đô tiền bồi thường hay lá thư xin lỗi, mà là tinh thần trách nhiệm và động thái cần thiết khi xảy ra vi phạm: Sai thì phải sửa, sửa xong phải biết rút kinh nghiệm!
Cứ chăm chăm phán xét quá khứ mà không ủng hộ những việc sửa sai kịp thời, đúng đắn ở thời điểm hiện tại thì đến bao giờ chúng ta mới loại bỏ được hết những cái dở còn tồn đọng đây?
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả