Các chuyên gia an ninh cảnh báo, những vụ lừa đảo kiểu này ngày càng gia tăng với thủ đoạn rất tinh vi, từ phá máy, cài đầu đọc thẻ giả cho đến đột nhập cơ sở dữ liệu của ngân hàng...
Đi du lịch...hành nghề trộm cắp
TTXVN đưa tin, ngày 9/9, đại diện cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, cơ quan này đang điều tra làm rõ vụ nhóm người nước ngoài sử dụng nhiều thẻ ATM giả để rút tiền của khách hàng tại một số ngân hàng.
Trước đó, cơ quan chức năng nhận được thông tin từ ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nha Trang về việc, có một nhóm người nước ngoài lắp đặt các thiết bị, đầu thu điện tử và sử dụng nhiều thẻ ATM giả tại các trụ máy ATM của BIDV trên địa bàn TP.Nha Trang để rút tiền của khách hàng.
Qua điều tra, cơ quan công an đã phát hiện "tác giả" của chiêu thức này là ba người Bulgaria gồm: Korneev Valentin Nikolov (53 tuổi), Genov Aleksandar Simeonov (44 tuổi) và Dimitrov Iliyan Plamenov (26 tuổi). Tiến hành kiểm tra hành chính hai địa điểm lưu trú của ba người nước ngoài nêu trên tại Nha Trang, cơ quan chức năng thu giữ 214 thẻ ATM giả, 13.000 USD, hơn 105 triệu đồng, 5 điện thoại di động, 1 máy tính xách tay, 3 thanh nhựa được gắn thiết bị điện tử, 1 máy quét thẻ ATM, 1 máy ảnh, 2 USB và một thiết bị điện tử. Các đối tượng trên thừa nhận đã lén lút gắn, ngụy trang thiết bị điện tử tại các trụ thẻ ATM trên địa bàn TP.Nha Trang để lấy cắp thông tin tài khoản khách hàng, sau đó sử dụng nhiều thẻ ATM giả để rút tiền.
Bước đầu, nhóm người nước ngoài trên khai đã sử dụng 8 thẻ ATM giả để rút 96 triệu đồng tại các trụ ATM của BIDV, 15 triệu đồng tại trụ ATM của ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Trước khi bị tạm giữ, ba người quốc tịch Bulgaria đã từng rút trộm tiền tại các trụ ATM ở TP. Hội An (Quảng Nam) và TP.Đà Nẵng.
Đối tượng cầm đầu nhóm dùng ATM giả rút tiền và tang vật thu giữ tại cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hòa
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng đã phát hiện những "vị khách nước ngoài" đã làm giả thẻ ATM của người khác để rút tiền. Đầu tháng 3/2012, ba vị khách quốc tịch Malaysia đã dùng thẻ tín dụng giả "hành nghề" tại trung tâm thương mại Crescent Mall ở đại lộ Nguyễn Văn Linh (thuộc phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM). Tại đây, sau khi những người này đưa thẻ tín dụng vào máy rút tiền nhưng đưa đến thẻ thứ 3 vào máy mới rút được (hơn 60 triệu đồng) thì nhân viên tại trung tâm thương mại nghi ngờ nên bí mật gọi điện cho ngân hàng để kiểm tra. Qua kiểm tra, phía ngân hàng xác nhận thẻ tín dụng là giả. Ngay sau đó, ba đối tượng này đã bị công an bắt giữ và thu hơn 50 thẻ tín dụng giả khác.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, phần lớn những đối tượng người nước ngoài đã bị phát hiện sử dụng thẻ tín dụng giả đều nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đi du lịch rồi thực hiện hành vi phạm tội.
Các chuyên gia ngân hàng nhận định, thủ đoạn mà các đối tượng nước ngoài này sử dụng khá tinh vi. Các đối tượng đã lắp camera theo dõi, dán bàn phím giả đè lên bàn phím thật của máy ATM, đột nhập hệ thống thanh toán qua mạng của ngân hàng lấy cắp thông tin... Để lấy được tiền trong thẻ ATM, bọn tội phạm sử dụng những kỹ thuật tiên tiến trong công nghệ thông tin mà cụ thể là một thiết bị được cài đặt vào khe nhận thẻ trên máy ATM. Do nghiên cứu từ trước nên thiết bị ấy có hình dạng và màu sắc rất giống với máy nên khó bị phát hiện. Khi chủ thẻ nhét thẻ vào máy để nạp tiền, rút tiền, xem số dư tài khoản hoặc chuyển khoản, thiết bị sẽ tự động sao chép các dữ liệu của thẻ.
Giải pháp chống tiền trong tài khoản bị "bốc hơi"
Trước thực trạng tiền trong tài khoản bỗng dưng "bốc hơi", hiện nay, một số ngân hàng đã tăng cường bảo mật qua việc cấp cho chủ thẻ mã số đăng nhập, mật mã tài khoản thanh toán qua Internet Banking. Theo đó, khi mua hàng hóa qua mạng, chủ thẻ nhập các thông tin về số thẻ, tên của chủ thẻ, mã số xác thực do ngân hàng cung cấp vào hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ. Sau đó, hệ thống sẽ chuyển sang giao dịch Internet Banking của ngân hàng phát hành thẻ. Khi đó, chủ thẻ phải nhập mã số đăng nhập, mật khẩu tài khoản mới thanh toán được tiền mua hàng hóa. Ngoài ra, các ngân hàng còn cài đặt chế độ mặc định khóa chức năng giao dịch qua Internet Banking. Khi chủ thẻ có yêu cầu, ngân hàng mới mở khóa dịch vụ này.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các ngân hàng đang sử dụng nhiều loại máy ATM với thiết bị và công nghệ khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ bị sao chép và lấy trộm dữ liệu. Các đối tượng cũng lợi dụng thanh toán điện tử để thực hiện các hành vi phạm tội. Một trong những lý do khiến Việt Nam được xem là "mảnh đất màu mỡ" đối với tội phạm làm giả thẻ ATM là nhiều ngân hàng vẫn còn dùng thẻ từ - một loại thẻ không đảm bảo an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của chủ thẻ, có thể dễ dàng bị sao chép, ăn trộm mã số thẻ.
Với mối lo ngại về tội phạm thẻ ATM ngày càng tăng, trước đó, một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank đã đồng loạt chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, thông tin trên thẻ được mã hóa, tội phạm không thể sao chép ra thẻ ATM trắng để ăn cắp tiền. Tuy vậy, công nghệ này hiện nay chủ yếu dùng cho thẻ tín dụng quốc tế, còn trong nước rất ít, bởi chi phí cao gấp 10 lần so với thẻ bằng từ; đầu đọc thẻ ở các máy ATM cũng phải được nâng cấp. "Ngân hàng Nhà nước cần có quy định thống nhất, đồng bộ cả về chính sách quản lý và giải pháp kỹ thuật, bắt buộc các ngân hàng thương mại thực hiện nhằm ngăn chăn tội phạm lợi dụng", ông Kiêm nói.
Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phất (đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: "Một trong các nguyên nhân của tình trạng trên là do việc sử dụng thẻ ATM ngày một phổ biến hơn tại Việt Nam, trong khi đó, đa số người dùng thẻ đều tin tưởng tuyệt đối vào tính bảo mật và an toàn của công nghệ sử dụng trong phương thức rút tiền này. Nhiều người còn chưa biết đến sự tồn tại của loại tội phạm dùng thẻ ATM giả để rút tiền nên chưa chú ý bảo mật các thông tin thẻ, mã bảo mật của thẻ. Ngoài ra, cũng không loại trừ nguyên nhân có một số ngân hàng sử dụng hệ thống máy ATM công nghệ cũ, phần mềm có tính bảo mật chưa cao...".
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Thành Đức, khuyến cáo, để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, ngoài việc tự bảo mật thông tin cá nhân, đăng ký thông báo giao dịch qua tin nhắn điện thoại..., chủ thẻ ATM nên chọn dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua các ngân hàng có giải pháp bảo mật cao. Người sử dụng phải tuyệt đối cảnh giác trước những dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thẻ.
Luật sư Phạm Văn Phất (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Theo bộ luật Hình sự của Việt Nam, hành vi rút tiền bằng thẻ ATM giả, nếu đã rút được số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, sẽ cấu thành tội "Trộm cắp tài sản" quy định tại Điều 138. Tùy từng mức độ phạm tội mà người phạm tội có thể bị áp dụng các khung hình phạt khác nhau. Khung hình phạt cao nhất với loại tội này là tù chung thân". |
N.Giang