Ngày 18/12, sau nhiều ngày bị ngập, các khu vực trũng thấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế nước bắt đầu rút dần. Nước rút đến đâu, người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bùn đất đến đó.
Tại thị xã Hương Thủy, lực lượng công an địa phương phối hợp với các đoàn thể địa phương đã ra quân dọn dẹp vệ sinh tại khu vực di tích Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh).
Ghi nhận của PV, tại khu vực này, sau khi nước rút, rất nhiều bèo tây và bùn đất đọng lại xung quanh, khiến điểm di tích trở nên nhếch nhác, bề bộn.
Đáng chú ý, trong quá trình dọn dẹp, một nhóm du khách người nước ngoài (khoảng 5 người) đang tham quan quanh điểm di tích cũng đã cùng xắn tay áo vào giúp đoàn.
Một người trong nhóm du khách cho biết, họ đang chuẩn bị vào tham quan ở Bảo tàng Nông cụ của điểm di tích Cầu ngói Thanh Toàn, thấy mọi người dọn dẹp bèo vất vả, nên chung tay cùng giúp.
Được sự giúp đỡ của nhóm du khách và nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương, sau hơn 3 giờ, những tàn dư sau lũ đã được dọn dẹp sạch sẽ, trả lại vẻ yên bình cho di tích Cầu ngói.
Theo thông kê từ UBND thị xã Hương Thủy, đợt mưa lũ vừa qua khiến 40.000 chậu hoa cảnh chuẩn bị thu hoạch của người dân bị hư hại; 1000m2 hoa màu ngập úng, ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng và 1 lồng cá nuôi bị lũ cuốn trôi.
Báo cáo nhanh về thiệt hại ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, toàn tỉnh có 4 người chết, 3.000 ha ruộng lúa không thể gieo sạ vì ngập úng, hơn 520 ha hoa màu, hoa cảnh hư hại 100%; hơn 8.000 ngôi nhà trên địa bàn các huyện: Phong Điền, thị xã Hương Trà, Quảng Điền, Phú Lộc… bị ngập sâu từ 0.2 – 0.4m.
Mưa lũ cũng làm sạt lở nhiều điểm ở sông Bồ, sông Hương. Do sạt lở sông Chợ Nọ, chính quyền địa phương buộc phải di dời hơn 20 hộ dân ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang đến nơi an toàn.
Đến sáng nay, mặc dù nước đã rút đáng kể nhưng theo dự báo của cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế, tình hình mưa to kèm theo ngập úng còn có thể kéo dài đến hết năm và diễn biến hết sức phức tạp.
Lê Kông