Vừa ra đến sảnh đón khách quốc tế hoặc nội địa của sân bay Nội Bài, du khách sẽ phải “đối mặt” với rất nhiều “cò” taxi trà trộn giả vờ đón khách đoàn, khách Cty để bắt khách đi về nội thành. Nếu đi taxi có tên tuổi, niêm yết giá cụ thể, mức giá đi từ sân bay Nội Bài đến nội thành khoảng từ 300-340 nghìn đồng/chuyến.
Nhưng đám “cò” sẽ chào khách với giá rẻ hơn với lí do, tiện một công đi đón đoàn nhưng thừa xe nên chỉ lấy từ 200- 250 nghìn đồng/chuyến. Có khách đi về phố Thái Hà, bị xin thêm từ 100-150 nghìn đồng với lí do, vào ngõ sâu và đây không phải nội thành?! “Kinh nghiệm” bắt khách của đám taxi dù này sẽ nhằm vào những “con mồi” là khách nói giọng tỉnh khác, khách nước ngoài ham rẻ, khi đã vào xe sẽ tùy tình hình để bắt chẹt.
Điển hình là vụ việc giữa tháng 8/2013, một nữ du khách người Mỹ đi taxi từ sân bày này đến Hà Nội đã bi lái xe ép rút 4 triệu đồng tại cây ATM. Sau ít ngày, cũng một nữ du khách bị hai thanh niên cầm biển đón khách chờ sẵn đưa lên xe về nội thành, trên đường đi, họ bắt cô rút 600 USD từ cây ATM để trả tiền xe.
Việc quản lý các “cò” taxi ở sân bay thì chính những người có thẩm quyền cũng than khó khi cho biết, có đợt cao điểm đã lắp camera, theo dõi sát khu vực khách nhưng lực lượng này cũng thay đổi liên tục nên rất khó giám sát. Đã lên tới cả trăm trường hợp môi giới, dẫn khách bị phát hiện, bàn giao cho CA xử lý nhưng một thời gian sau lại quay trở lại hoạt động.
Vào đến nội thành, muốn di chuyển đi chỗ này chỗ kia, khách du lịch phải dùng taxi hoặc xích lô. Dư luận hẳn vẫn còn nóng chuyện 3 du khách người Pháp bị tài xế taxi, nhân viên khách sạn trên phố cổ Hà Nội lừa đảo, dọa giết, hay một du khách đi xích lô 1,5km phải trả 1,3 triệu đồng.
Một khách du lịch từ Sài Gòn ra Hà Nội, đã phải trả hóa đơn cho 4 con ghẹ bé bằng bàn tay kèm hai chai bia tại một quán hải sản vỉa hè phố cổ với giá gần 2 triệu đồng mà chỉ biết ngậm ngùi rút ví vì... quên không hỏi giá trước khi ăn.
Một du khách người Sài Gòn không khỏi choáng khi cứ hỏi đường mấy anh xe ôm, bà bán hàng nước, chị bán rong là y như rằng phải mặc cả tiền nong mới chỉ đường. Vị khách này khi hỏi anh xe ôm xem quán bún đậu mắm tôm nào ngon ở gần nhất thì bị yêu cầu: “Chi hai chục (nghìn) sẽ chỉ rõ ràng bằng bản đồ”. Hay nếu trót nhỡ hỏi anh chị bán hàng nước, hàng rong nào thì sẽ có kịch bản, phải rút ví móc tiền ra mua cái gì họ đang bán mới được chỉ đường, hoặc tư vấn cho quán ăn nào ngon bổ rẻ mà vào. Dù không muốn hỏi nữa thì vẫn bị họ đi theo kì kèo ấn vào tay món đồ bắt mua bằng được mới thôi.
Ở khu phố cổ, khách nước ngoài du lịch “bụi” thường tập trung thuê phòng đông nhất ở khu vực xung quanh các phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bè, Cầu Gỗ, Lò Sũ, Hàng Buồm, Mã Mây. Ở đây, các quán ăn mọc lên như nấm để phục vụ nhu cầu của thực khách Tây. Nhiều quán ăn thường không niêm yết giá tiền để lúc ghi hóa đơn sẽ tùy mặt đặt tên mà cho con số nhân đôi hay nhân ba với từng kiểu khách. Nhất là các quán cơm bình dân trong phố cổ, khách gọi món theo đĩa, ai ăn gì thì chỉ cho vào đĩa cơm đã được xới sẵn, chỉ cần là khách ngoại quốc hay khách nói giọng tỉnh khác là y như rằng, giá tiền sẽ được nhân viên của quán tính đắt lên nhiều lần.
PV đã thử mua cùng một hộp đồ ăn gồm các món giống hệt anh bạn người Sài Gòn mua, thì với PV người Hà Nội chỉ phải trả 50 nghìn đồng còn du khách Sài Gòn là 80 nghìn đồng, còn khách nước ngoài con số là 100 nghìn đồng cho tròn?! Khi khách mà phản ứng sẽ được trả lời tỉnh bơ, cùng một món nhưng tôi xúc cho hộp của anh nhiều hơn thì tiền phải đắt hơn?!
Chủ các quán “chặt chém” này đâu cần biết đến thu hút du lịch, giữ chân du khách mà họ chỉ kinh doanh theo quan điểm, đi du lịch thì phải chấp nhận bị chém đẹp, khách du lịch cùng lắm chỉ đến một hoặc hai lần, có đến nhiều đâu mà phải giữ chân với cả giữ giá?!
Sau nhiều lần bị các quán ăn “chặt chém”, một số khách du lịch đã đề phòng bằng cách yêu cầu chủ quán cho biết giá trước rồi mới gọi đồ ăn. Thế nhưng khách du lịch cũng vẫn phải chào thua người bán hàng vì một vài quán ăn làm hẳn hai quyển menu, một dành cho khách bản địa và một dành cho du khách.
Quang gánh con con vài nải chuối, miếng dứa, nón lá là hình ảnh vốn được nhiều du khách yêu thích. Nhưng vì yêu thích, thích được gánh thử, chụp ảnh nên các “gánh” này thoải mái “chặt chém” với giá bán một nải chuối, một túi vài miếng dứa lên tới cả trăm tới vài trăm nghìn đồng khiến du khách giờ đây cứ nhìn thấy các chị gánh quang gánh là bỏ chạy nháo nhào như gặp con bệnh.
Những loại bẫy “moi tiền”, “chặt chém” nêu trên gây sợ hãi tới mức khi đi du lịch, du khách thường tự bảo nhau là ăn, uống cái gì, thậm chí sờ tay vào cái gì cũng phải hỏi giá, mặc cả rõ ràng. Hoặc tốt hơn cả là nên nhờ các mối thân quen tìm cho một người bạn sinh sống ở Hà Nội đi cùng để “bảo kê”. Cẩn thận đến thế rồi mà nhiều khi bị ép quá nên du khách vẫn ngậm ngùi móc túi vì dù gì cũng thân cô thế cô ở nơi đất khách, quê người.
Đã rất nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế dần nạn “chặt chém” du khách, ngành du lịch cần thực hiện tuyên truyền vận động, giáo dục người dân nâng cao ý thức, cần có hệ thống pháp luật, chế tài đủ mạnh, nghiêm khắc để răn đe những hành vi vi phạm, thậm chí, xây dựng lực lượng cảnh sát du lịch để vãn hồi trật tự... Phải chăng, với hệ thống pháp luật đang có, chúng ta bó tay trước nạn “chặt chém” du khách?
Theo Pháp luật Xã hội