Hàng chục triệu m3 khí đốt tự nhiên vẫn đang được vận chuyển hàng ngày từ Nga đến châu Âu qua Ukraine thông qua mạng lưới đường ống chạy ngang qua một số khu vực bị tàn phá nặng nề nhất bởi cuộc chiến.
Trong khi quân đội Nga khai hỏa vô số tên lửa hành trình, máy bay không người lái và đạn pháo vào Ukraine, thì các nhà điều hành năng lượng Nga lại vận chuyển lượng khí đốt trị giá hàng tỷ USD quá cảnh Ukraine.
Ukraine không hài lòng với tình trạng bất hợp lý này, ông Oleksiy Chernyshov, CEO của Tập đoàn năng lượng khổng lồ Naftogaz thuộc sở hữu nhà nước Ukraine, nói với tạp chí Newsweek (Mỹ).
Đàm phán bất khả thi
“Naftogaz thực hiện, điều hành và duy trì quá trình trung chuyển này chỉ nhằm mang lại lợi ích cho các đối tác châu Âu của Ukraine”, ông Chernyshov cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ báo Mỹ, công bố hôm 27/9.
“Lý do duy nhất về mặt kỹ thuật chúng tôi vẫn làm điều đó chỉ là để hỗ trợ các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia nội lục (không giáp biển). Một số quốc gia bị hạn chế tiếp cận các kênh khác, chẳng hạn như Cộng hòa Séc, Áo, Hungary, Slovakia và một số nước khác. Đó là một câu hỏi rất quan trọng”.
“Tôi đã được hỏi những câu hỏi theo kiểu: Làm sao các vị dám làm việc với kẻ thù của mình vào lúc này?”, ông Chernyshov nói, hỏi ngược lại rằng: “Theo một cách nào đó, làm sao các vị có thể tiếp tục tiêu thụ khí đốt Nga? Chúng tôi chỉ làm điều đó cho các vị để các vị không bị lạnh cóng”.
Ukraine kiếm được khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm từ phí trung chuyển khí đốt cho Moscow trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia Đông Âu vào ngày 24/2 năm ngoái. Tuyến đường này cung cấp khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu.
Với việc các đường ống Nord Stream 1 và 2 – vận chuyển khí đốt từ Nga qua Biển Baltic tới Đức – bị đình chỉ hoạt động do những hư hại trong các vụ nổ đến nay vẫn còn là bí ẩn, hệ thống đường ống trung chuyển chạy qua Ukraine và đường ống TurkStream là 2 kênh duy nhất còn lại để khí đốt Nga đến “lục địa già”.
Hợp đồng vận chuyển được ký vào năm 2019 giữa Naftogaz của Ukraine và “gã khổng lồ” năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga sẽ hết hạn vào năm tới. Dường như không có hy vọng nào về việc gia hạn hợp đồng này.
“Bất kỳ loại mối quan hệ thương mại nào, dù là trên thực tế hoặc trên hợp đồng, giữa các bên trong những điều kiện như vậy là không thể”, ông Chernyshov nói khi được hỏi về khả năng gia hạn thỏa thuận, tái khẳng định quan điểm của Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko về vấn đề này.
Chiến tranh có nghĩa là “các cuộc đàm phán song phương là bất khả thi”, ông Galushchenko đã nói với trang Politico EU hồi tháng 7.
Kịch bản ngừng hoạt động
Nhưng không chỉ Ukraine đặt ra nghi ngờ về tương lai của việc quá cảnh khí đốt. Ông Alexei Miller, CEO của Gazprom, trước đó đã cảnh báo công ty của ông sẽ ngừng xuất khẩu nếu Ukraine không từ bỏ nỗ lực tịch thu tài sản của nhà nước Nga để thực thi phán quyết trị giá 5 tỷ USD của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (LaHay) liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Theo chính quyền Ukraine, sau khi các lực lượng Nga tiến vào Crimea 9 năm trước, các quan chức Điện Kremlin đã quốc hữu hóa cơ sở hạ tầng năng lượng ở đó, bao gồm các đường ống và giàn khoan ngoài khơi. Ngoài ra, Gazprom và Naftogaz cũng bất đồng về phí trung chuyển.
“Nếu Naftogaz tiếp tục những hành động không đẹp như vậy, không thể loại trừ khả năng Liên bang Nga sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt. Khi đó, bất kỳ mối quan hệ nào giữa các công ty Nga và Naftogaz sẽ đơn giản là không thể xảy ra”, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời ông Miller nói.
Kịch bản hệ thống trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine ngừng hoạt động đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng cho các quốc gia châu Âu đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Moscow.
Không giống như than và dầu, khí đốt Nga chưa bao giờ bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt. Điều này phản ánh tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế của khối 27 quốc gia. Tác động của việc thiếu vắng nguồn khí đốt giá rẻ của Moscow đối với các nước EU là không giống nhau, nhưng nó đặc biệt trầm trọng với các nước như Áo và Hungary.
Theo một phân tích của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia công bố hồi tháng 6, nếu quá trình trung chuyển khí đốt qua Ukraine dừng lại, việc cung cấp khí đốt qua đường ống của Gazprom tới các nước EU có thể giảm xuống còn 10-16 tỷ m3 (45-73% mức hiện tại). Châu Âu sẽ thiếu hụt khí đốt vào năm 2025, trước khi công suất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bổ sung từ Mỹ và Qatar đi vào hoạt động.
“Đối với toàn bộ châu Âu, tình trạng này khá dễ vượt qua. Nhưng đối với một số quốc gia ở cuối đường ống, như Áo, Hungary… bức tranh hơi khác một chút”, ông Georg Zachmann, chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu kinh tế Bruegel, cho biết.
Hungary nhận được khoảng 4,5 tỷ m3 khí đốt từ Nga mỗi năm. Hồi tháng 4, Budapest đã ký một thỏa thuận với Moscow để đảm bảo khối lượng khí đốt bổ sung.
Hiện nhập khẩu khí đốt từ Nga của Áo đã trở lại mức trước khi xung đột nổ ra. Tập đoàn năng lượng khổng lồ OMV của Áo đã đồng ý một thỏa thuận với Gazprom để tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga cho đến năm 2040.
“Chừng nào Gazprom còn cung cấp… chúng tôi sẽ tiếp tục nhận số lượng khí đốt này từ Gazprom”, CEO của OMV, ông Alfred Stern, nói với tờ Financial Times (Anh) hồi tháng 7.
“Ngân hàng năng lượng”
Trở lại với câu chuyện của CEO Naftogaz. Người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ của Ukraine cho biết, ông muốn đất nước mình trở thành nhà xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên sang EU – thị trường lớn nhất, lý tưởng nhất là Ukraine bước vào để lấp đầy khoảng trống do nhập khẩu từ Nga đang suy giảm.
“Việc EU tiêu thụ khí đốt không phải là vấn đề”, ông Chernyshov nói. “Điều này mang đến tăng trưởng kinh tế và những thứ khác. Các vị không thể phát triển nền kinh tế của mình nếu không có năng lượng. Điều đó rất quan trọng. Tôi nghĩ cơ hội cho Ukraine, theo một cách nào đó, là trở thành ngân hàng năng lượng cho EU”.
Ukraine là nước sản xuất khí đốt lớn thứ ba ở châu Âu, sau Na Uy và Anh, và được xếp hạng thứ hai trên lục địa về trữ lượng. Naftogaz xếp Ukraine đứng thứ hai ở châu Âu về “tổng nguồn tài nguyên kinh tế có thể phục hồi” và thứ ba về “dự trữ thương mại đã được chứng minh hoặc chắc chắn”.
Tuy nhiên, cuộc chiến đang diễn ra sẽ gây nguy hiểm cho mạng lưới năng lượng, khả năng khai thác và triển vọng phát triển của ngành. Naftogaz bị vỡ nợ từ tháng 7/2022 do nhiều khách hàng không có khả năng thanh toán hóa đơn trong bối cảnh xung đột quân sự liên miên. Công ty chỉ mới thoát khỏi tình trạng vỡ nợ vào đầu tháng này.
“Chỉ có bầu trời là giới hạn”, ông Chernyshov nói. “Tiềm năng của Ukraine là phi thường”. Nhưng Kiev sẽ cần sự giúp đỡ.
“Bất kỳ hoạt động sản xuất khí đốt hoặc sản xuất năng lượng nào bằng nhiên liệu hóa thạch hoặc bất kỳ hoạt động nào khác đều cần có sự đầu tư đáng kể”, ông Chernyshov nói. “Rõ ràng Ukraine là một thị trường thiếu vốn, ngay cả trước xung đột. Và trong xung đột, điều đó trầm trọng hơn nhiều lần”.
Năm 1975, Ukraine chiếm 1/4 tổng lượng khí đốt tự nhiên được sản xuất ở Liên Xô, với sản lượng khai thác đạt 68,7 tỷ m3. Giai đoạn kể từ sau khi Ukraine trở thành quốc gia độc lập vào năm 1991, sản lượng này bị giảm đi. Năm nay, Naftogaz dự kiến Ukraine sẽ sản xuất khoảng 19,1 tỷ m3 khí đốt, bằng mức năm 2010, và giảm so với mức 19,9 tỷ m3 năm 2015.
“Chúng tôi muốn tiếp tục theo đuổi mức tăng sản lượng khí đốt 7% hàng năm”, ông Chernyshov cho biết. “Mục tiêu trong năm tới của chúng tôi sẽ chỉ là 14 tỷ m3 của Naftogaz, cộng với các nhà sản xuất khác”.
Cuối cùng, Ukraine nên tập trung vào các biện pháp nghiêm túc nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường. “Và điều này có thể dẫn đến sự phục hồi sản lượng”, CEO Naftogaz kết luận.
Minh Đức (Theo Newsweek, Politico EU)