Đánh giá toàn diện khách quan, trung thực
Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, mục đích giám sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Các đối tượng chịu sự giám sát và các cơ quan có liên quan yêu cầu báo cáo, tổng hợp theo Đề cương bao gồm: Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.
Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 8 Bộ, ngành, cơ quan là Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, giám sát trực tiếp tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng, Tp.Hải Phòng, Tp.Cần Thơ và các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố không tổ chức đoàn giám sát về chuyên đề này như theo quy định tại Nghị quyết số 95; có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện của địa phương và kết quả giám sát về nội dung liên quan đến chuyên đề giai đoạn 2015-2023, gửi báo cáo về Đoàn giám sát.
Dự kiến, Đoàn giám sát sẽ trình Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Giám sát cần trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu kỹ báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, bởi đây là tư liệu quý về thực tiễn triển khai pháp luật trong phạm vi cả nước.
Cùng với đó, chú trọng báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp về hai dự án luật Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi);
Xem xét những nội dung đang tập trung để sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật này, những vấn đề cần phải trả lời liên quan đến thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý rút kinh nghiệm từ các cuộc giám sát trước đây khi quá thiên về diện mà ít chú ý đến trọng tâm, trọng điểm hoặc xác định trọng tâm, trọng điểm chưa rõ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thời gian có hạn, lực lượng hạn chế nên cần nghiên cứu cách làm như trên để xác định trong đề cương và trong triển khai thực hiện có tập trung.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, khi muốn xác định rủi ro trong ban hành và thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản thì có thể đối chiếu với các điều cấm của luật là rõ để từ đó có được nội dung cần tập trung. Luật hiện hành quy định 8 hành vi cấm trong kinh doanh bất động sản.
Chỉ rõ 8 điều cấm trong Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây cũng chính là những nội dung mà giám sát cần chú trọng, giám sát phải đi vào những rủi ro có thể xảy ra để phải có quy định cấm trong luật.
Ngoài ra, còn có những vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản liên quan đến tính chất pháp lý, liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, vốn, thị trường, vấn đề cung - cầu…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng những nội dung này đều đã được thể hiện trong đề cương nhưng cần phải xác định trọng tâm, trọng điểm. Đây cũng chính là “đích đến” mà khi triển khai giám sát thực tế, các đoàn giám sát các Tổ công tác phải tìm hiểu, phải trả lời được để từ đó có được tư liệu chắt lọc để xây dựng dự thảo Nghị quyết giám sát cũng như góp phần sửa đổi Luật.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, giám sát chuyên đề lần này có thuận lợi khi đã có báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật và dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua là những tư liệu để xem xét vấn đề, đồng thời củng cố thêm trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện luật về sau này.