Dự kiến năm 2022 thông tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Dự kiến năm 2022 thông tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Nguyễn Thị Hương Lam

Nguyễn Thị Hương Lam

Thứ 7, 12/12/2020 07:14

Đó là thông tin Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Cần Thơ chiều 11/12.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện tại bộ GTVT đã hoàn thiện công tác đấu thầu tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đã chi 900 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, giúp việc thi công trên tuyến có khoảng 20km mặt bằng sạch.

Khoảng 5km còn lại ngay dốc cầu Vàm Cống, do vướng nhiều nhà cửa của người dân, cần khoảng 500 tỷ đồng nữa, bộ GTVT chủ trương sẽ phối hợp với tỉnh Vĩnh Long bố trí vốn hoàn thành giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến vào đầu năm 2021.

“Về công tác xây lắp, cả 3 gói thầu của dự án đã có kết quả đấu thầu. Dự kiến, cuối tháng 12/2020, bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khởi công cả ba gói thầu để đẩy nhanh tiến độ", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dự án sẽ được thực hiện bằng 100% nguồn vốn đầu tư công. Dựa trên tình hình thực tế, dự kiến, đến năm 2022 sẽ thông được đoạn cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ.

Đối với tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau, Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ tới, bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê duyệt giải phóng mặt bằng toàn bộ từ Châu Đốc đến Sóc Trăng và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

“Với các dự án này, định hướng trước mắt của bộ GTVT là xây dựng một đơn nguyên, để thông xe giai đoạn 1 chỉ dành cho xe ô tô, phần mặt bằng còn lại sẽ lập hàng rào bảo vệ. Đơn nguyên thứ 2 sẽ sắp xếp vào các giai đoạn tiếp theo.

Xã hội - Dự kiến năm 2022 thông tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc họp.

Trong năm 2020, bộ GTVT sẽ xem xét rõ vấn đề này để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, phấn đấu sẽ khởi công dự án vào năm 2022”, Bộ trưởng Thể nói.

Đối với QL91 (Km0 - Km7), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, dự án này có khó khăn nhất định do chi phí GPMB lớn gấp 2 - 3 lần chi phí xây lắp. Năm 2008, bộ GTVT có quyết định chuyển tuyến này thành đường đô thị và chuyển cho TP.Cần Thơ đầu tư, khai thác.

“Cần Thơ có thể nghiên cứu cách làm của Đà Nẵng. Theo đó, địa phương sẽ lập hồ sơ nâng cấp đường đô thị và bỏ kinh phí GPMB và kiến nghị dùng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ phần xây lắp theo tính chất vừa là đường quốc lộ, vừa là đường đô thị. Nếu làm được mô hình này việc đầu tư sẽ khả quan hơn rất nhiều”, Bộ trưởng gợi ý.

Về dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu, bộ GTVT đã đề nghị bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với hơn 1.500 tỷ đồng.

Đối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Bộ trưởng giao cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát đề xuất nâng cấp, đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh tại sân bay này.

Thái Bình (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.