Đại diện TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, ngày 12/11 tới đây sẽ đưa vụ án tổ chức đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Dự kiến phiên xét xử kéo dài khoảng 20 ngày.
Ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát - bộ Công an) cùng 91 bị can bị truy tố về các tội Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50) cùng bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điểm a khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án, bị can Nguyễn Văn Dương, nguyên Chủ tịch HĐTV công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) và Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC online) bị truy tố về hai tội Tổ chức đánh bạc và tội Rửa tiền. Bỏ tội Đưa hối lộ với Nguyễn Văn Dương như cơ quan CSĐT đề nghị.
Ông Phan Văn Vĩnh bị cáo buộc khi đương chức đã giúp ông Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng hình thức game bài RikVip.
Ông Vĩnh đã ký và trình một số văn bản cho công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) được hoạt động dưới danh nghĩa đơn vị nghiệp vụ của bộ Công an. Nguyễn Văn Dương được xác định cùng với Phan Sào Nam cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Theo truy tố, đường dây đánh bạc trực tuyến do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành, núp dưới vỏ bọc Game bài RikVip bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2015, gồm 42 trò mô phỏng các hình thức đánh bạc, hoạt động trái phép thông qua website rikvip.com, rikvip.vn. Từ tháng 8/2016 đổi tên thành Tip.club và dưới dạng các ứng dụng cho điện thoại và máy tính. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, tiền tham gia đánh bạc qua 2 đường chính là cổng thanh toán và hệ thống đại lý. Tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán trên 9 nghìn tỷ đồng, trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game chiếm 97%.
Trong đường dây đánh bạc trên, từ số tiền gần chục nghìn tỷ, nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỷ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỷ đồng. Đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Hóa được chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền Dương được hưởng. Ngay khi bị bắt, Dương khai nhận đã được hưởng lợi khoảng 800 tỷ đồng.
Như thông tin đăng tải trước đó, hiện sức khỏe của ông Phan Văn Vĩnh bị giảm sút nhiều. Thay vì điều trị tại bệnh xá của trại tạm giam thì ông Vĩnh đã được chuyển sang điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Thọ.
Trước câu hỏi tình trạng sức khỏe của ông Vĩnh như vậy liệu có ảnh hưởng gì tới phiên xử sắp tới? Giải đáp vấn đề này, luật sư Nguyễn Bá Ngà (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật, bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải. (Điều 290, BLTTHS năm 2015).
Tuy nhiên, cũng trong điều luật này, nếu có căn cứ bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 297, BLTTHS năm 2015.
Luật sư Ngà nói thêm: Lý do bất khả kháng ở đây có thể là thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn và trước thời điểm mở phiên tòa, bị cáo có hồ sơ bệnh án thể hiện đang bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, hồ sơ bệnh án phải có hội đồng pháp y đánh giá và công nhận. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: “a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về vấn đề này như sau: Trong trường hợp bị cáo đã được giao giấy triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên toà với lý do “bị ốm”. Tùy từng trường hợp mà tòa án quyết định như sau:
Nếu đúng là bị cáo ốm (có bệnh án, có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh,…) và sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử (như phạm tội quả tang, chứng cứ đã đầy đủ rõ ràng…), Tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo.
Nếu sự vắng mặt của bị cáo có trở ngại cho việc xét xử (như: cần đối chất, cần kiểm tra một số tình tiết nào đó của vụ án) thì tòa án phải hoãn phiên tòa.
Nếu gia đình bị cáo thông báo cho tòa án về việc bị cáo bị ốm, nhưng không có căn cứ chứng minh là bị cáo bị ốm (như: không có bệnh án, không có chứng nhận của cơ sở khám chữa bệnh,…) thì sự vắng mặt của bị cáo là không có lý do chính đáng và bị cáo sẽ bị áp giải đến phiên tòa. Tuy nhiên, trong trường hợp vắng mặt bị cáo không trở ngại cho việc xét xử thì tòa án có thể tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo.