Sau 3 ngày diễn ra hội xuân ở khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen (Tây Ninh), nhiều khách hành hương đã rất bức xúc khi dịch vụ ăn uống có giá đắt hơn nhiều so với mặt bằng giá cả thị trường, cao hơn bảng giá niêm yết có sẵn.
Nhiều du khách đã phải trả 20.000 đồng cho một chai trà thảo mộc 350ml, trà xanh, nước ngọt, trong khi giá được niêm yết từ 12.000 - 15.000 đồng/chai và từ 40.000 – 60.000 đồng cho một hộp cơm sườn hoặc một tô phở với 2,3 miếng thịt.
Chị Nguyễn Thúy Hằng (36 tuổi, ngụ TP.HCM) bức xúc: “Tôi vào một quán cơm ngay trong khuôn viên khu du lịch mua thức ăn mà vẫn bị “chém đẹp”. Một hộp cơm sườn bình thường chỉ có 20.000 đồng nay có giá 50.000 ngàn đồng. Hai chai nước suối chủ quán lấy tôi 30.000 đồng. Tuy bán giá cao nhưng thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Miếng sườn người ta nướng vẫn còn sống, mất tiền mà không dám ăn”.
Một du khách khác chia sẻ họ phải trả 60.000 đồng/hộp cơm, cao hơn mức giá bình thường khoảng 3 lần. Du khách này cho biết: “Sau khi ăn xong, chủ quán tính giá 120.000 đồng/2 suất cơm và 40.000 đồng/2 chai nước Pepsi. Tôi thắc mắc, chủ quán tỏ vẻ khó chịu. Đầu năm, tôi không muốn rề rà nên cũng đành móc túi trả tiền”.
Đến một quán ăn, PV hỏi giá cơm hộp và nước suối thì nhân viên ở đây trả lời lấp lửng. Thấy phiền phức, một nhân viên lên tiếng: “Thích thì vào ăn, đừng có đứng đó hỏi giá. Ngày Tết, giá cả phải khác ngày thường, cái gì cũng đắt đỏ”.
Tại một số cửa hàng khác, PV ghi nhận các loại thức uống cũng bán cao hơn từ 5.000 – 8.000 đồng/chai so với giá niêm yết, với lý do nước được ướp lạnh hoặc có nước đá nên phải tăng thêm tiền. Một số nơi bày bán các loại trái cây như xoài, cóc, ổi… cũng mặc sức “chém khách” với mức giá từ 10.000 đồng – 20.000 đồng/bịch.
Ngoài nạn “chặt chém” giá thức ăn, du khách còn toát mồ hôi khi thanh toán tiền gửi xe. Tuy các bãi giữ xe phía trước cổng khu du lịch đều có đăng bảng giá giữ xe công khai là 8.000 đồng/chiếc xe gắn máy, tay ga, 10.000 đồng/chiếc ô tô từ 4-9 chỗ ngồi và 20.000 đồng/chiếc ô tô trên 9 chỗ ngồi. Tuy nhiên, một số điểm giữ xe hai bánh bên ngoài khu du lịch, nhất là các điểm giữ xe khu vực cổng sau khu du lịch không niêm yết bảng giá giữ xe, có nơi niêm yết thì lại ghi chữ rất nhỏ (thiếu ghi giá xe môtô).
Hầu hết, các điểm giữ xe bên ngoài khu du lịch đều tăng giá lên 20.000 đồng/chiếc môtô (bằng giá ôtô trên 9 chỗ), nhất là những điểm giữ xe không niêm yết giá. Theo ghi nhận của PV, những điểm giữ xe “chặt chém” lại là những điểm giữ xe được tổ chức khá bài bản, sử dụng thẻ từ.
Anh Từ Văn Ninh (32 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết: “Nhiều bãi giữ xe lấy từ 20.000-30.000 đồng một xe gắn máy, xe tay ga. Đắt đỏ là vậy nhưng nhiều bãi còn treo bảng hết chỗ giữ xe để ép khách thêm tiền để giành chỗ. Tôi từ xa đến nơi không lẽ bỏ về nên đành ngậm ngùi dắt xe vào bãi với giá cao ngất ngưỡng”.
Bên cạnh vấn nạn "chặt chém" mùa lễ hội, du khách còn "căng não" chống chọi với đủ chiêu lừa, móc túi. Anh Nguyễn Văn Công (40 tuổi, ngụ Đồng Nai) bức xúc: "Tôi mới mua 10 tờ vé số để ủng hộ cho chị kia. Tôi không ngờ ở chốn linh thiêng, chị đó dám lừa tôi. 10 tờ vé số thì chỉ có 2 tờ là xổ vào ngày mai còn những tờ khác là vé số cũ".
Nhiều người khác cũng khóc ròng khi bị rạch túi xách, móc ví, lấy trộm điện thoại... ở trước sân chùa.
Ngọc Lài