Dù là hòn đá, ném vu vơ cũng trúng một ai đó!
Ông nhận định như thế nào về sự tác động của mạng xã hội đến vốn sống của giới trẻ hiện nay?
Cũng như một góc nhỏ, cho việc cải thiện tinh thần và ống kính nhỏ nhìn ra thế giới bên ngoài, mạng xã hội là nơi để mọi người có thể giao lưu và chia sẻ cũng như tự làm mới bản thân mình thông qua các suy nghĩ và các tác động tích cực từ các hoạt động cộng đồng và sinh hoạt qua thế giới ảo. Tuy nhiên, các trang mạng xã hội lại cũng chính là những góc tối và là nơi dễ khiến cho những bạn trẻ chưa đủ nhận thức dễ đánh mất mình và sa ngã vào các tệ nạn. Về vấn đề quản lý, vì các trang mạng xã hội của thế giới không có bất kỳ các chuẩn mực nào và các biện pháp chặn những thành viên xấu. Nội dung và các cách truyền bá thông tin lệch lạc sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ về mặt ý thức của mỗi thành viên khi cùng tham gia.
Dường như, trên mạng xã hội, bức tranh xã hội trở nên xám xịt. Các giá trị bị đảo lộn, người ta không biết tin vào giá trị chuẩn mực nào. Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, mạng xã hội sẽ gây mất giá trị của nhiều thứ đang có giá trị, hoặc tạo ra giá trị ảo của những thứ không có giá trị?
Đúng là mạng xã hội có tạo ra các giá trị ảo. Nhưng cái quan trọng hơn là phía tiêu cực, nó tham gia làm rối loạn các giá trị, biến những chuẩn mực dưới góc nhìn nào đấy thành phi chuẩn mực; đẩy một số thứ méo mó thành tròn trịa (ít nhất là của cá nhân-PV).
Điều quan trọng, khi tham gia mạng xã hội, cộng đồng này trang bị về tri thức xã hội và nhân cách đến đâu (không phải đơn thuần trang bị về mặt kỹ thuật). Những người tham gia mạng xã hội có dễ bị tác động của mặt tiêu cực không? Và, thực tế, giới trẻ đang "có vấn đề" về điều này. Họ chưa hoàn thiện mà lại thích cái mới, ưa tìm tòi, thấy cái gì độc đáo, dị biệt thì lại tôn thờ thích thú. Tiếc thay, có nhiều thứ họ tôn thờ lại méo mó, không thật. Nó sẽ ảnh hưởng đến nhân sinh quan, thế giới quan, lý tưởng sống của giới trẻ. Cái nguy hiểm là khía cạnh tiêu cực của mạng xã hội làm băng hoại giá trị, méo mó, làm lệch lạc suy nghĩ. Trong những trường hợp nào đó, nó góp phần thổi giá trị ảo. Đó chính là điều lo ngại. Chính vì thế các nhà quản lý cần phải quan tâm, nắm bắt được nó, không phải làm thui chột, không phải tiêu diệt nó. Các sản phẩm công nghệ này là hiện tượng xã hội, thực tế xã hội, chính vì vậy cần phải nắm bắt được nó để quản lý, điều chỉnh theo hướng tích cực.
Vậy, ông nghĩ sao về những người không hiểu, không hiểu ngọn nguồn mà cứ dùng mạng xã hội theo kiểu là người biết rất rõ và tung tin đồn thất thiệt, đưa những phát ngôn gây sốc để "câu like"?
Nhiều người "xông" vào mạng xã hội, mạng internet vì nghĩ nó dễ hơn, vì nghĩ chỉ có mình đối diện với mình. Và lúc đó, họ không cảm thấy sự kiểm soát, không thấy rào cản trước mặt. Nhưng, cái hướng của họ vẫn là đưa đến cộng đồng. Dù có nhiều người nói, họ không ngờ hiệu ứng của thông tin đưa ra với cộng đồng lớn như vậy. Đúng là, một cá nhân thì không thể hình dung được sức mạnh của cộng đồng mạng với những bài, câu nói của họ trên mạng xã hội. Dù là hòn đá, có ném vu vơ nhưng trúng một ai đó thì người ném vẫn phải chịu trách nhiệm.
Cứ vào mạng là thích chê bôi, phê phán?!
Không chỉ giới trẻ mà không ít người có tri thức cũng bị tác động bởi mạng xã hội. Dường như, khi người ta sử dụng internet vào các trang mạng xã hội, có một xu hướng là cứ phải bày tỏ, chê bôi, phê phán một cái gì đó để thể hiện mình là người có năng lực, thưa ông?
Quả thật đó là một thực tế. Cũng giống như người ta làm việc tốt. Những việc tốt nhỏ thì người ta không nghĩ là việc tốt để người ta làm. Nhưng, “việc tốt to tát” thì lại khó thực hiện. Và cuối cùng, những điều không mấy tốt, những điều nói ngược, chê bôi vô cùng dễ, hay các hành vi chọc quậy vô cùng dễ mà lại nhanh nổi tiếng. Ở đây không cứ là giới trẻ mà cả những người chín chắn cũng làm những việc, cốt chỉ để cho mình nổi tiếng. Không gì hay bằng là những sự phán xét thiếu công bằng, thiếu chín chắn về chính trị. Chiều ngược của mạng xã hội đang có xu hướng lấn át hơn là biểu dương các hành vi có tính tích cực.
Có lẽ chính nhiều người nhìn ra bình diện đó nên nó mới thu hút sự quan tâm của giới quản lý, các nhà lãnh đạo. Mạng xã hội có tác động với tất cả các giới, các lớp người, đặc biệt lớp người có khả năng, cơ hội tiếp cận với công nghệ. Chính vì thế, chúng tôi đã chọn đề tài nghiên cứu về tác động của mạng xã hội với giới trẻ, theo nghĩa ưu tiên về lớp trẻ, hàm một cách nghĩ, một cách điều chỉnh trong tương lai gần. Đặt vấn đề là tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến đời sống của giới trẻ, đến cách giáo dục, giá trị sống...
Hiện nay, có xu hướng lạm dụng mạng xã hội mang tính tiêu cực. Người ta cho rằng bày tỏ quan điểm "vô thưởng vô phạt" nhưng thực chất là lực cản hoạt động bình thường của xã hội. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực ra, trong xã hội, con người sống không tách biệt và phải sống trong mối tương tác cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, cá nhân với xã hội, cá nhân với các thiết chế khác cho nên thật khó để nói tôi chỉ dùng blog, trang nhật ký của tôi để nói về những điều tôi thích và nói về cái khác. Đương nhiên là nó sẽ tác động đến người khác và họ cũng phải "chịu trận". Thật khó để nói chúng là của riêng tôi. Nỗi đau và niềm vui không phải là của riêng ai. Trong thế giới hiện đại, thế giới đang trở nên phẳng, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm. Đó là chưa kể, câu chuyện chỉ tác động thôi đã gây phiền chứ đừng nói gây hại cho người khác bằng các thông tin không chính trực, suy nghĩ thuần túy mang tính cá nhân.
Không buông thì phải quản?
Vậy theo ông, làm thế nào để quản lý và phát triển mạng xã hội với những khía cạnh tích cực?
Ở nhiều nước, họ phải cử các nhà chuyên môn theo dõi hoạt động này. Tôi không tán thành với việc sử dụng mạng xã hội một cách dễ dãi để bày tỏ chính kiến, thái độ. Nhất là dùng để mạt sát, lên án người khác. Nói không có sách, mách không có chứng, nói cho sướng miệng. Đến lúc có chuyện thì lại xin lỗi và gỡ xuống là xong. Vấn đề không phải gỡ xuống là hết vì ngay khi bắt đầu thì nó đã lan tỏa trên mạng xã hội và tác động của thông tin đó đã gây hậu quả rồi.
Theo cá nhân tôi, các cơ quan chức năng đã được giao nhiệm vụ và cũng đã chú tâm đến vấn đề này. Ví dụ như trong nhiều lĩnh vực khác, họ cũng đang triển khai các công tác nghiệp vụ nhằm kiểm soát. Trong game là thiết lập tường lửa, các rào cản về mặt kỹ thuật. Còn về mạng xã hội, tôi không phải chuyên gia về kỹ thuật nhưng tôi cảm thấy sự can thiệp sẽ khó hơn nhiều. Và như vậy thay vì can thiệp thuần túy về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ thì vẫn phải là nghiên cứu tác động về phương diện đời sống tinh thần, phương diện giáo dục xã hội hóa con người.
Xin cảm ơn ông!
Hương Lan- Đỗ Thơm