Ký ức một thời buôn bán ngược dòng sông "hung dữ"
Chiều trên lòng Hồ Thung Nai, mặt trời xuống như sắp chạm mặt hồ. Những kiếp người vẫn lặn lội mưu sinh. Anh Nguyễn Đình Hạnh (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), năm nay ngoài 40 tuổi, đã mưu sinh trên dòng sông Đà mấy chục năm. Anh bảo, sông Đà càng hoang sơ thì càng hung dữ. Các thác nước gồng ghềnh với những mỏm đá nhấp nhô. Mùa mưa, nước chảy xiết, những người không có kinh nghiệm khi đi qua dòng sông này sẽ rất dễ bị lật thuyền, bè. Đã có nhiều bè mảng của người dân va phải đá ngầm, vỡ tan giữa sông. Nhiều người tử nạn, mất xác giữa lòng sông hung dữ. Sau mấy chục năm buôn bán ngược dòng sông Đà, anh Hạnh đã thuộc từng con lạch, từng xoáy nước, từng mỏm đá ngầm trên dòng sông ấy.
Anh Hạnh nhớ lại những ngày buôn bán dọc con sông Đà: "Ngày còn bé, anh theo cha ngược dòng sông Đà lên phía thượng nguồn buôn bán. Hai cha con anh chèo thuyền lên tận huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La để mua củi, ngô, sắn của bà con dân tộc". Anh đến các làng, xã ven con sông Đà, tìm mua tất cả các loại sản vật của người dân địa phương, mùa nào thức ấy. Anh đặt tiền cọc cho các chủ điểm thu mua. Khi đã đủ chuyến, anh lại cho thuyền lên chở. Trung bình mỗi tháng anh cũng buôn được vài ba chuyến.
Ngày ấy, buôn gỗ vẫn chưa bị cấm. Anh lại buôn gỗ bằng đường sông. Anh cho cải tạo những chiếc bè thật chắc chắn để chở gỗ về xuôi bán. Anh lên thượng nguồn mua gỗ. Những bè gỗ được vận chuyển về điểm tập kết tại huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Tây cũ). Mỗi chuyến như vậy, gia đình anh cũng lời khoảng chục triệu đồng.
Khi nhà nước đắp đập, ngăn sông để xây dựng đập thủy điện. Gia đình anh Hạnh cũng thuộc diện phải di dời. Anh lại về thành phố Hòa Bình sống một thời gian. Thấy nguồn nước phía trên đập thủy điện Hòa Bình đã trở thành hồ nước lớn (hồ Thung Nai). Hai cha con anh cũng bỏ phố ra đảo sống. Thấy nguồn nước phía trên đập thủy điện dồi dào, có thể trở thành khu du lịch sinh thái, gia đình anh quyết định lập nghiệp trên đảo. Hai bố con anh đã dồn hết số tiền tích cóp được để mua lại khoảng chục ha đất của các hộ dân nơi đây. Gia đình anh đầu tư trồng cây, dựng nhà sàn, chăn gà, thả cá. Đảo Dừa đã được cải tạo thành khu nghỉ dưỡng sinh thái. Ngoài việc chăm sóc khách du lịch trên Đảo Dừa, anh còn lái đò đưa đón, hướng dẫn tour du lịch cho khách trên khu vực hồ Thung Nai.
Anh Nguyễn Đình Hạnh đã hơn 40 năm mưu sinh trên lòng hồ Thung Nai
Xóm lái đò thuê
Dân dã và hoang sơ Anh Nguyễn Đình Hạnh cho biết: "Hiện, gia đình tôi chủ yếu làm du lịch theo phong cách hoang hóa. Những ngôi nhà nghỉ được thiết kế theo kiểu đơn sơ. Các loại ẩm thực đều mang đậm phong cách của người Mường như: Lợn thả rông, cá sông đà, gà chạy bộ, rau tự trồng... Chúng tôi luôn cố gắng tạo không khí thật gần gũi cho khách du lịch. Rau quả chúng tôi trồng, du khách có thể dùng tự nhiên mà không mất tiền. Nếu khách có nhu cầu thưởng thức văn nghệ, chúng tôi sẽ gọi các đoàn văn nghệ ở địa phương đến biểu diễn phục vụ". |
Những người dân ở xóm Mới, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã chuyển sang nghề lái thuyền cho khách du lịch được mấy năm nay. Được biết, cả xóm Mới có khoảng 80 hộ dân. Hầu như nhà nào cũng cố dồn vốn, vay mượn anh em để có thể sắm được con thuyền đưa khách qua sông. Có người còn mua vài chục con thuyền chỉ để kinh doanh dịch vụ đưa đón khách sang đảo.
Chị Bùi Thị Chiều là một hộ dân làm dịch vụ chở khách trên hồ Thung Nai cho biết: "Khách thường tìm ra các đảo trên lòng hồ Thung Nai để nghỉ dưỡng. Chính vì sự hấp dẫn riêng của Thung Nai, nên khách du lịch kéo đến ngày càng đông. Trước đây, khách đều phải thuê dân vạn chài chèo ra các Đảo Cối xay gió, Đảo Dừa, Đảo Xanh, Đền Chúa Thác Bờ, Đền Cô, Động Thác Bờ... Nhận thấy nhu cầu của khách ngày càng tăng, người dân địa phương đã đầu tư mua tàu, thuyền chạy bằng máy để đưa đón khách được thuận lợi hơn", chị Chiều nói.
Ngày trước, cuộc sống người dân địa phương sống rất nghèo khổ. Công việc mưu sinh chủ yếu phụ thuộc cây lúa, cây ngô, con gà. Ở gần đảo, đất đai cằn cỗi, nhiều đá sỏi nên không có đất để làm ruộng. Một số hộ dân sống ở các đảo nhỏ đã tính đến chuyện cải thiện kinh tế bằng việc chăn nuôi. Họ nuôi lợn và gà thả rông. Việc chăn nuôi này cũng chỉ mang tính tự cung, tự cấp, không cải thiện được cuộc sống kinh tế. Ngoài ra, họ còn đánh bắt tôm, cá để đem ra chợ bán. Nhưng, cá tôm săn bắt mãi rồi cũng khan hiếm dần mà cuộc sống của người dân vẫn không thể thoát được cái nghèo. Và, họ lại tính đến chuyện đan những chiếc lồng bè để nuôi thủy sản. Cá, tôm nuôi tự nhiên, chỉ cho ăn lá chuối, sắn tươi, rau rừng nên lớn rất chậm. Một năm may mắn cũng chỉ bán được hai vụ, số lượng cũng không đáng kể. Mỗi cân cá cũng chẳng đáng giá bao nhiêu. Cái nghèo vẫn cứ lênh đênh theo con nước.
Chỉ khi đắp đập thủy điện, hồ Thung Nai trở thành khu du lịch sinh thái, cuộc sống của người dân mới tạm thoát khỏi cái nghèo. So với việc nuôi con cá lồng, thả con gà đồi, chăn con lợn thả rông trước đây, thì dịch vụ chèo đò thuê đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây. Chị Chiểu cho rằng, vào dịp đầu năm và cuối năm, lượng khách đến Thung Nai nghỉ dưỡng rất nhiều, mỗi ngày gia đình cũng chở được vài đoàn khách, kiếm cả triệu đồng. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, có của ăn của để cũng nhờ làm du lịch.
Khi du khách đến nghỉ dưỡng đông đúc cũng kéo theo rất nhiều dịch vụ, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Các ông chủ Đảo Dừa, Đảo Xanh, Cối Xay Gió đã đầu tư để xây dựng các hạng mục công trình, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên lòng hồ. Chủ của các đảo thường thuê những người dân địa phương chở nguyên liệu sang đảo. Nhờ đó, người dân xóm Mới đã có thêm nguồn thu nhập nhờ việc chở nguyên liệu cho các "chúa đảo". "Để xây dựng được một cơ sở hạ tầng trên đảo, thì chi phí vận chuyển còn cao gấp đôi tiền mua vật liệu. Các chúa đảo phải thuê ô tô chở vật liệu xuống đến bến bãi, thuê người bốc lên tàu, thuê tàu chở qua sông và thuê bốc hàng xuống. Điều đó đã góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương", chị Chiều cho biết.
Nhưng nghề sông nước thường rất bấp bênh, không phải lúc nào cũng có khách. "Khách du lịch chủ yếu tìm đến vào thứ bảy, chủ nhật. Những ngày thường rất ít khách. Mùa khô, nước hồ Thung Nai cạn vài chục mét, du khách cũng chẳng đến nghỉ, tàu thuyền đành neo đậu bến sông, mòn mỏi chờ khách", chị Chiều trăn chở.
Hoàng Thế Tào