Chưa tận dụng hết tiềm năng
Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước với nhiều nghề truyền thống phong phú, độc đáo, tuy nhiên, các tour du lịch làng nghề ở Hà Nội hiện nay chưa được khai thác triệt để, nhiều nơi mới chỉ dừng ở hình thức tham quan. Ngay tại làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc là hai làng nghề nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội, người dân vẫn chủ yếu tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm, chứ ít quan tâm đến việc giới thiệu cho du khách về lịch sử, văn hóa, giá trị nghề truyền thống của làng.
Ông Đào Xuân Hùng, bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội thừa nhận, hiện nay, khách đến Bát Tràng vẫn chủ yếu là tham quan, mua hàng tại chợ gốm. Thực tế, người dân vừa đi vào Bát Tràng là có ngay một “lực lượng” ứng trực để chào bán đủ loại đồ ăn, thức uống rồi “lôi xềnh xệch” vào chợ gốm. Trong khi đó, du khách hầu như không biết đến việc Bát Tràng là xã có bề dày văn hóa với nhiều di tích lịch sử như Đình Giang Cao, Văn Chỉ Bát Tràng, Đền Mẫu…
TS Nguyễn Văn Lưu - phó vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL cho rằng, việc thiếu đầu tư yếu tố con người đang kìm hãm sự phát triển du lịch làng nghề. Rất nhiều địa phương dù đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thậm chí với kinh phí đáng kể, ví dụ như làng mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) từ năm 2001 đã được đầu tư 1 tỷ đồng để làm đường, xây nhà triển lãm… Nhưng cho tới nay vẫn rơi vào cảnh vắng khách như “chùa Bà Đanh”. Nguyên nhân do đầu tư chưa đúng mức, hạ tầng phát triển nhưng nhân lực thì bỏ ngỏ, không có cơ chế triển khai rõ ràng. Dân làng không được tập huấn các kỹ năng làm du lịch cơ bản, phải tự mày mò, loay hoay, không thu hút được du khách.
Cần quản lý “điểm đến”
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch, khi du lịch trải nghiệm đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, việc phát triển du lịch làng nghề đang tạo ra những cơ hội lớn cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, nếu biết triển khai đúng hướng. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, với số lượng lớn như hiện nay, không thể kỳ vọng đưa khách đến tất cả các làng nghề. Do đó, cần tập trung xây dựng làng nghề nổi bật để làm mẫu, trong đó phải đáp ứng được tiêu chí: hoạt động làng nghề tiêu biểu và đặc sắc, hạ tầng được đầu tư, dịch vụ được tổ chức bài bản và quan trọng nhất là làm tốt công tác quản lý điểm đến. Trong đó, toàn bộ các quy trình kết nối du lịch, kiểm soát an ninh, vệ sinh môi trường cần đặc biệt được chú trọng.
Du lịch làng nghề, không chỉ là đến mua sắm, tham quan, hay đến xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm, du khách còn có nhu cầu được tìm hiểu những giá trị nhân văn - trong đó có tập quán, nếp sống của người dân bản địa. Trên thế giới, hình thức du lịch “3 cùng” trong đó du khách được “ăn cùng, ở cùng và làm cùng” với người dân làng nghề đang lôi kéo lượng lớn khách du lịch, và bước đầu đã được một số công ty lữ hành ở Việt Nam đưa vào tour du lịch. Bên cạnh phương pháp này, việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên những bản sắc truyền thống cũng đã được nhiều địa phương ở Việt Nam thực hiện. Điển hình như việc xây dựng mô hình “Mỗi làng một nghề” ở làng gốm Đông Triều (Quảng Ninh), làng mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), mì Chũ (Minh Anh, Bắc Giang)… Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích cho người dân, nhưng việc triển khai mô hình vẫn chưa mang tính hệ thống, lâu dài, bởi tư duy làm du lịch ở một số địa phương vẫn còn chậm thay đổi, chưa thích nghi với cái mới.
Theo An ninh Thủ đô