Du lịch Sa Pa tăng trưởng chưa từng thấy
Được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan hùng vĩ, khí hậu mát mẻ và nền văn hóa bản địa đặc sắc, Sa Pa là địa danh mang tính lịch sử và có sức cuốn hút từ lâu. Tuy vậy, phải đến những năm gần đây khi hạ tầng được nâng cấp, nhiều sản phẩm dịch vụ mới được hình thành, du lịch “xứ sở sương mù” mới thực sự bùng nổ.
Nếu năm 2013, tổng lượng khách đến Sa Pa mới đạt 720.000 người với doanh thu du lịch vào khoảng 576 tỷ đồng thì đến hết năm 2018, Sa Pa đã đón 2,7 triệu lượt khách, thu tương ứng 3.900 tỷ đồng.
Thống kê 6 tháng năm 2019 cho thấy, khu du lịch quốc gia này đã đón trên 1,6 triệu lượt khách với tổng doanh thu ước đạt 5.200 tỷ đồng, ghi nhận bằng 133,3% doanh thu cả năm 2018 và gấp 9 lần con số năm 2013.
Động lực cho sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch Sa Pa chính là các tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được hình thành trong vài năm trở lại đây. Trong đó phải kể đến quần thể du lịch Sun World Fansipan Legend với hệ thống cáp treo kỷ lục thế giới, tàu hỏa leo núi mường hoa, các công trình chùa tháp tâm linh kỳ vĩ và những lễ hội văn hóa diễn ra suốt 4 mùa… hay các khu nghỉ dưỡng, khách sạn sang trọng, điển hình như khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên tại Sa Pa - Hotel de la Coupole, Mgallery by Sofitel. Các công trình này đã mở ra nhiều trải nghiệm mới lạ hấp dẫn và khác biệt, bên cạnh các hoạt động leo núi, leo thác, thăm bản vãn cảnh… đơn thuần trước đây. Đồng thời tạo động lực thu hút thêm các nhà đầu tư khác.
Kể từ dấu mốc quan trọng khi cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe năm 2014, theo báo cáo kinh tế xã hội huyện Sa Pa năm 2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch Sa Pa đạt trung bình 23,4%/năm trong các năm gần đây.
Theo đề án nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã, quy mô dân số Sa Pa vào khoảng 61.000 người. Nếu tính theo con số của 2018, khách du lịch Sa Pa hiện gấp hơn 40 lần dân số, ngành công nghiệp du lịch dự kiến tiếp tục trở thành mũi nhọn, nhưng đặt ra bài toán về việc mở rộng địa giới, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện hệ thống dịch vụ.
Dư địa tăng doanh thu cũng rất lớn, bởi theo các nhà làm du lịch, Sa Pa vốn là điểm đến quen thuộc của khách quốc tế, nội địa có mức chi tiêu cao, nhưng đang dần trở thành một điểm đến cuối tuần mang tính đại trà, rất đông khách nhưng thời gian lưu trú ngắn, doanh thu thấp.
Giới chuyên gia dự báo, sắp tới tuyến đường Lào Cai - Sa Pa mới và dự án sân bay Lào Cai khi hình thành, đưa vào khai thác sẽ tạo thêm động lực vô cùng to lớn để Sa Pa đón dòng khách cao cấp hơn. Đây là triển vọng lớn song cũng là thách thức cho ngành dịch vụ nơi đây.
Cách nào khiến du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn?
Hạ tầng du lịch tại Sa Pa được đánh giá chưa tương xứng với nhu cầu phát triển, như cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 3-5 sao còn khiêm tốn, bãi đỗ xe, các dịch vụ khác còn hạn chế, sản phẩm mang tính đặc thù địa phương thiếu hụt.
Trong khi mảng dịch vụ vui chơi giải trí đang ngày một cải thiện (với sự xuất hiện của Sun World Fansipan Legend hay công viên văn hóa Sa Pa sắp tới) thì hệ thống cơ sở lưu trú, tổ hợp mua sắm đang là điểm yếu lớn.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Sa Pa hiện có gần 700 cơ sở lưu trú với tổng số gần 7.000 phòng; riêng trên địa bàn thị trấn có 360 cơ sở lưu trú du lịch, còn lại là các cơ sở lưu trú homestay ở các xã. Trong khi đó, dự báo nhu cầu lưu trú tại Sa Pa đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 10.000 phòng, năm 2030 có trên 25.000 phòng, trong đó khoảng 3.000 phòng khách sạn từ 3 sao trở lên.
Dự kiến lượng khách vào năm 2020 của Sa Pa là khoảng 4 triệu lượt, đến 2030 sẽ là trên 8 triệu lượt, tuy nhiên, Sa Pa hiện rất thiếu các sản phẩm du lịch mới, chẳng hạn như các khu phố mua sắm phong cách hiện đại, phố dịch vụ gồm cả ẩm thực, café… Đặc biệt, các boutique hotel 3-4 sao, dòng sản phẩm thịnh hành hiện nay, đang rất ít, chủ yếu là khách sạn 1-2 sao, nhà nghỉ bình dân. Nhiều giai đoạn cao điểm, Sa Pa cháy phòng tạo ra sự e ngại với du khách có ý định đến đây. Đây cũng là một phần lý do, lượng khách có sự tăng trưởng ổn định nhưng thời gian lưu trú ngắn và mức chi tiêu mới chủ yếu lệch về chi phí di chuyển, lưu trú, vé tham quan…
Mới đây tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại 5 yêu cầu cũng là 5 câu hỏi cho đến nay chưa địa phương nào trả lời được một cách xuất sắc. Đó là làm thế nào du khách tìm đến đông hơn? tiêu tiền nhiều hơn? ở lại lâu hơn? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi? Làm thế nào để du khách quay trở lại nhiều hơn, chứ không phải một đi không trở lại?
Để Lào Cai trả lời được câu hỏi này, Sa Pa chính là địa phương phải đi đầu bổ sung các khoảng trống dịch vụ để có thể đi đúng định hướng, sớm trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế./.
Thu Hà