Du lịch sau 1 năm lao đao vì Covid-19, chật vật thay đổi để thích nghi

Du lịch sau 1 năm lao đao vì Covid-19, chật vật thay đổi để thích nghi

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 3, 13/04/2021 08:00

Sau hơn 1 năm biến động vì dịch Covid-19, ngành du lịch nhận ra, không thể “ngủ đông” chờ khủng hoảng qua đi mà phải tìm cách phát triển trong tình hình mới.

Để có góc nhìn sâu sắc hơn về bức tranh ngành du lịch khi bước vào trạng thái “bình thường mới”, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Gia Khánh, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty Viantravel.

Khi lữ hành và khách sạn vẫn cần nhau

Sau hơn 1 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp của ông đã có thay đổi như thế nào?

Năm 2020, chúng ta trải qua với rất nhiều biến động, thay đổi do Covid 19. Trên thế giới, du lịch có thể kể đến là lĩnh vực gánh chịu nhiều thiệt hại nhất. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi rất nhiều công ty bị ảnh hưởng. Nhiều nơi đã phải tạm ngưng hoạt động, thậm chí đóng cửa.

Doanh nghiệp Viantravel chúng tôi may mắn vẫn hoạt động và xem đây là cơ hội để chuyển mình vì đã thích ứng, áp dụng các cách chuyển đổi số cho ngành du lịch. Hiện nay, chúng tôi gần như không thay đổi về lực lượng nhân sự, luôn cố gắng đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Nhìn rộng ra, ông đánh giá tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp ngành du lịch đối với thách thức này như thế nào? Liệu, có phải gặp khó khăn mới nhận ra nội lực của từng công ty, cũng như thái độ ứng xử giữa khủng hoảng cho thấy bản lĩnh của chủ doanh nghiệp?

Dịch Covid-19 bùng phát là điều không thể đoán trước. Thời gian ban đầu, tinh thần của một số các doanh nghiệp đã trải qua các đợt dịch trước như SARS năm 2003 thì họ vẫn rất lạc quan. Họ tin rằng sau mỗi lần như thế, thị trường sẽ lại phát triển rất mạnh mẽ.

Nhưng Covid-19 vẫn chưa kết thúc mặc dù đã hơn 1 năm từ thời điểm công bố. Các doanh nghiệp lớn e ngại, trong khi nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thay đổi để thích ứng chứ không còn lựa chọn khác.

Đánh giá lạc quan hơn, tôi cho rằng, những phép thử, cuộc khủng hoảng như Covid-19 là chất xúc tác để  doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương ngồi lại với nhau. Chiến lược kích cầu du lịch thể hiện rõ nét hơn về bản lĩnh của từng doanh nghiệp.

Kết nối - Du lịch sau 1 năm lao đao vì Covid-19, chật vật thay đổi để thích nghi

Ông Trương Gia Khánh, Giám đốc Phát triển kinh doanh công ty Viantravel.

Khi thị trường bị xáo trộn bởi khủng hoảng, nhiều quan hệ đối tác sẽ đứt gãy. Như tình trạng các khách sạn đẩy mạnh bán lẻ cho du khách thay vì chờ doanh nghiệp lữ hành giới thiệu. Điều đó được ông nhìn nhận ra sao?

Trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp dịch vụ địa phương và khách sạn đẩy mạnh bán lẻ cho du khách để chủ động về nguồn thu để sinh tồn cũng là điều có thể hiểu. Nhưng đấy chỉ là số ít, là phương thức tạm thời.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi thứ về lại quỹ đạo ban đầu thì mối quan hệ giữa khách sạn, dịch vụ địa phương với doanh nghiệp lữ hành sẽ luôn gắng kết bởi chữ “Tín”.

Bởi lẽ, trong việc kinh doanh, mối quan hệ giữa các đối tác với nhau rất quan trọng. Cần đối xử với nhau dựa trên sự tin tưởng và uy tín. Chúng tôi thường xuyên thảo luận về cách cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng với giá kích cầu mà chất lượng không đổi.

Thay đổi hay là chết

Câu chuyện "ngủ đông" để bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp trong lúc chờ khủng hoảng qua đi đã được nói khá nhiều khi đại dịch mới bắt đầu. Nhưng đến nay đã hơn 1 năm, chúng ta đều “sống chung với lũ”. Như vậy, có phải doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có lợi thế hơn trong việc giảm thiểu thiệt hại, thay đổi chiến lược, áp dụng hướng đi mới để thích nghi tốt hơn so với doanh nghiệp lớn, bộ máy cồng kềnh?

Đúng rằng giải pháp “ngủ đông” từng được nhắc rất nhiều trong thời gian đầu của dịch Covid-19, nhưng bây giờ là không thể. Gần như các doanh nghiệp đã tỉnh giấc, mở chế độ mới để “thay đổi và thích nghi”.

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này chắc chắn là dễ hơn so với các doanh nghiệp lớn vì họ có thể chuyển đổi mục đích kinh doanh hoặc tìm ra các phân khúc ngách của thị trường.

Ngược lại, doanh nghiệp lớn không hẳn đã là sự bất lợi. Vì họ có kinh nghiệm, đội ngũ tốt và bộ máy hoàn thiện. Cho dù quá trình thích ứng, thay đổi có thể chậm hơn nhưng sau khi đã tìm đúng hướng, họ sẽ đi rất nhanh và ổn định hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.

Dịp lễ 30/4,1/5 sắp đến, nhiều doanh nghiệp "vui như Tết" vì có khách nhiều hơn. Đây có phải tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành hay chỉ là hiện tượng cá biệt riêng lẻ, thưa ông?

Nhờ có sự chỉ đạo hiệu quả từ Chính phủ, chúng ta đã phòng và chống dịch khá tốt. Việt Nam trở thành điểm sáng an toàn. Song song đó, quá trình áp dụng chuyển đổi số cũng nhanh hơn. Điển hình là các ứng dụng thông tin kiểm soát dịch bệnh, tờ khai y tế online. Đó là điểm tựa tâm lý cho người dân, để sẵn sàng đi du lịch.

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay với lịch nghỉ dài ngày và khá nhiều gói kích cầu du lịch giúp du khách có cơ hội trải nghiệm. Không thể phủ nhận rằng tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp đang phấn khởi hơn. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là bước đệm để ngành du lịch có động lực phục hồi, để chờ đón mùa hè sôi động hơn.

Du lịch nội địa vẫn luôn được xem là miếng bánh lớn với hơn 100 triệu khách hàng mà chúng ta chưa khai thác tốt. Để phát triển, phát huy hết tiềm năng của du lịch nội địa thì không chỉ cần nỗ lực từ doanh nghiệp mà là tất cả người dân Việt Nam cùng lan toả tinh thần hiếu khách. Nếu nắm bắt được cơ hội vàng, du lịch Việt Nam có thể vượt lên các quốc gia có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Malaysia,…

Kết nối - Du lịch sau 1 năm lao đao vì Covid-19, chật vật thay đổi để thích nghi (Hình 2).

Các doanh nghiệp lữ hành đang cố gắng thay đổi để thích nghi trong tình hình mới.

Tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ vì thủ tục vẫn khá rườm rà. Theo ông, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, đưa ra cơ chế phản ứng nhanh như thế nào đối với tình huống tương tự sau này?

Tôi đánh giá cao các hỗ trợ của chính phủ, các Bộ ngành đã và đang làm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Việt Nam chúng ta đã làm tốt khi quyết liệt phòng, chống dịch. Đây là các điểm sáng bên cạnh thực tế vẫn còn vướng một số thủ tục rườm rà để người dân, doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Chắn chắn Chính phủ đã ghi nhận rất rõ, vì đây là lần đầu chúng ta đối mặt với đại dịch, cuộc khủng hoảng lớn nên việc triển khai không tránh khỏi một số thiếu sót.  Hiện nay, khi các chủ trương về Chính phủ điện tử đi vào cuộc sống, cũng như giảm tải các bước thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là bước đi thật sự đáng nghi nhận.

Cảm ơn ông!

Thiệt hại nặng nề, tương lai khó đoán

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2020, ngành du lịch chịu cả nước đều thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất.

Mặc dù đã rất nỗ lực kích cầu du lịch nội địa nhưng các chỉ số tăng trưởng của ngành vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019.

Khách nội địa ước đạt 55 triệu lượt, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 320.200 tỉ đồng, giảm 54% so với năm 2019.

Các chuyên gia đánh giá hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường nên việc dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế xã hội, du lịch, giải trí... chỉ mang tính tương đối và có thể điều chỉnh phù hợp cho từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh.

Ngay từ đầu năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đã xác định tập trung tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, kết nối doanh nghiệp và địa phương triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Bên cạnh đó là công tác đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước và duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, hướng tới các thị trường mục tiêu.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.