Kỳ tích du lịch xứ Thanh sau dịch Covid-19
Năm 2022, sau khi du lịch mở cửa trở lại, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và hồi sinh trở thành “điểm sáng” ngành du lịch cả nước.
Theo đó, trong năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đón trên 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; tổng thu du lịch đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021 và đạt 111,8% kế hoạch. Trong đó, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt hơn 72 triệu USD, tăng gấp 17,9 lần so với năm 2021. Thành tích này giúp du lịch Thanh Hóa xếp thứ 3 cả nước chỉ sau Hà Nội và Tp.HCM.
Trong bức tranh tươi sáng đó, thành phố du lịch biển Sầm Sơn nổi lên là một điểm sáng, là đầu tàu thu hút du khách tìm về với xứ Thanh. Theo báo cáo của UBND Tp.Sầm Sơn, trong năm 2022, thành phố này đã đón gần 7 triệu lượt khách du lịch, phục vụ gần 14 triệu ngày khách. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt gần 14.000 tỉ đồng, gấp 51 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Để đạt được bước hồi sinh thần kỳ trên, các cấp lãnh đạo thành phố Sầm Sơn đã cho thấy quyết tâm, khi thực hiện nhiều các biện pháp đồng bộ, với hướng chú trọng đúng đắn là đa dạng hóa các sản phẩm. Cụ thể, trong năm 2022, Sầm Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, vui chơi kích cầu du lịch như: lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn; lễ hội du lịch biển năm 2022; lễ hội Tình yêu - hòn Trống Mái; lễ hội Carnival đường phố; chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần - SunFest Thanh Hóa 2022; lễ hội bánh Chưng - bánh Giầy; lễ hội cầu ngư - bơi chải... từ đó đã đưa lại thành quả ngoài mong đợi, được các cấp chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Đánh giá về du lịch Thanh Hóa trong năm qua, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc sở VHTT và DL Thanh Hóa cho rằng, để đạt được kết quả trên, ngành du lịch Thanh Hóa đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp lãnh đạo tỉnh trong việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp trong bối cảnh bình thường mới. Đồng thời với đó là thực hiện các giải pháp ưu tiên nguồn lực cho công tác tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch trong và ngoài tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh để sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch ngay sau khi “mở cửa” trở lại.
Về phía các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh, trong năm đã chủ động, tích cực đầu tư, làm mới sản phẩm, dịch vụ, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan nêu trên, ngành du lịch Thanh Hóa còn có những thuận lợi về mặt khách quan, như: nhu cầu đi du lịch của người dân tăng mạnh sau hơn hai năm bị gián đoạn bởi Covid-19; thời tiết thuận lợi và sản phẩm du lịch của tỉnh đa dạng, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài tỉnh...
Về góc nhìn khác, ông Phạm Nguyên Hồng cho rằng, đại dịch Covid-19 như một phép thử cho ngành du lịch trong ứng phó khó khăn, từ đó đổi mới cách thức, công tác quảng bá, xúc tiến... Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá để tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng. Tạo tiền đề cho tham vọng đưa du lịch Thanh Hóa biến đổi cả về lượng và chất.
Kỳ vọng bứt phá trong năm 2023
Trước những kết quả đã đạt được trong năm 2022, tại lễ tổng kết du lịch Sầm Sơn năm 2022, lãnh đạo thành phố này xác định đặt mục tiêu giữ vững vị thế đầu tàu, là một trong những hình mẫu phát triển của du lịch Thanh Hóa. Trong đó, ngoài tiếp tục tạo điều kiện thu hút các tập đoàn du lịch lớn về đầu tư, mở rộng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch địa phương, thì việc chú trọng chuyển đổi số sẽ giúp kết nối Sầm Sơn với các điểm du lịch vệ tinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; tăng cường tương tác giữa du khách và địa phương, nhà cung cấp... Từ đó tạo thành dấu ấn riêng, hấp dẫn, tránh nhàm chán cho du khách khi về với phố biển Sầm Sơn cũng như du lịch Thanh Hóa.
Cùng với phương hướng trên, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTT và DL Thanh Hóa cho rằng, trong thời gian tới, du lịch Thanh Hóa không những thu hút về số lượng du khách cũng cần chú trọng biến đổi, nâng cao chất lượng nội tại cũng như đa dạng hóa thành phần du khách, nhất là du khách nước ngoài về với địa phương này.
Để thực hiện điều đó, ông Hồng cho rằng ngoài những sản phẩm sẵn có cần tập trung phát triển các dòng sản phẩm cao cấp, sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng, văn hóa - lịch sử vừa nâng tầm, vửa nhằm giảm thiểu tính thời vụ của du lịch Thanh Hóa. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Tăng cường thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, sớm hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chất lượng cao; chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa; tổ chức chiến dịch quảng bá với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Đồng thời, đẩy nhanh chuyển đổi số trong quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Thanh Hóa thông qua các sự kiện trong và ngoài nước; trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng số và tại các cảng hàng không. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; tập trung quản lý dịch vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch; kiểm soát việc công khai giá dịch vụ theo quy định và bán đúng giá niêm yết.
Dự báo về tình hình du lịch trong năm 2023, theo đánh giá từ Sở VHTT và DL Thanh Hóa thì năm nay ngành du lịch sẽ gặp một số khó khăn khi tình hình chính trị - kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp; lạm phát ở nhiều nước tăng cao; giá cả leo thang, đặc biệt là giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đầu tư, kinh doanh dịch vụ; tình hình dịch bệnh Covid ở nhiều nước trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường; nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi sau Covid-19; sự cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch giữa các tỉnh/thành trong nước ngày càng mạnh mẽ.
Trong khi đó nguồn nhân lực du lịch còn thiếu hụt sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; nhiều dự án lớn về DL chưa đưa vào khai thác và vận hành, nên chưa thể tạo ra điểm đến và dịch vụ mới, cao cấp; doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hội nhập chưa cao.
Tuy nhiên, cũng có những thuận lợi, kỳ vọng sẽ tào đà bứt phá cho du lịch Thanh Hóa cất cánh. Trước tiên là thành quả du lịch năm 2022 sẽ tạo tiền đề vững chắc cho thương hiệu du lịch Thanh Hóa; tiếp đó là tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới tuy vẫn còn nhưng cơ bản được kiểm soát; các loại hình du lịch của Thanh Hóa sau nhiều năm bồi đắp, xây dựng đã tương đối đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, nhu cầu của khách du lịch như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch trang trại, nông nghiệp, giải trí… với dịch vụ du lịch từ cao cấp, đến bình dân.
Cùng với đó, Thanh Hóa xác định ngành du lịch là một trong những ngành mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nên ngành du lịch đã, đang và tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo địa phương; Thương hiệu, hình ảnh văn hóa du lịch Thanh Hóa là "điểm đến hấp dẫn, an toàn" ngày càng được khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao và ghi nhận; Các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm đầu tư, làm mới sản phẩm dịch vụ thu hút khách du lịch.
Trong năm 2023, du lịch tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt du khách du lịch (trong đó khách quốc tế: 615.000 lượt). Tổng thu du lịch đạt 24.200 tỷ đồng.
Việt Phương