Phố núi Bảo Lộc, Đà Lạt, Liên Khương, Châu Sơn, Dran là những điểm đến mong ước, mà trong đó Bồng Lai, Tu Tra có thể được xem là “thánh địa dã quỳ”. Dã quỳ tràn ngập khắp núi đồi, len lỏi dưới những gốc thông già cổ thụ, soi mình bên dòng suối róc rách rồi vây quanh những ngôi nhà nhỏ xinh trên đồi cao.
Tam giác mạch Tây Bắc
Những con đường đất đỏ bazan ngoằn ngoèo uốn lượn trở nên lãng mạn hơn bao giờ hết với hàng triệu đóa hoa vàng đan xen thành những mái vòm quyến rũ. Thức dậy khi màn sương còn giăng ngập lối, du khách cố gắng chui ra khỏi chăn ấm, trèo lên đồi cao ngồi chờ đợi thời khắc diệu kỳ.
Và rồi khi bình minh đổ ánh vàng lên biển mây mênh mông, những đóa dã quỳ vươn mình thức giấc, triệu giọt sương lung linh trong nắng mai. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ hiện ra khi đất trời như giao hòa cùng con người.
Nếu như Tây Nguyên quyến rũ với sắc vàng của loài hoa hoang dại thì Tây Bắc là nơi khiến người lữ khách ru tình trong sắc hồng phớt trắng của những đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn. Khi những hạt lúa cuối cùng được thu hoạch và cất gọn gàng trong kho thì những đồng hoa tam giác mạch bắt đầu nở rộ.
Nói đến hoa tam giác mạch là phải nói đến cao nguyên Hà Giang. Đến tầm đầu tháng 11 thì Xín Mần, Phàn Thẻng, Phố Cáo, Sũng Là, Phó Bảng, Đồng Văn in dấu chân du khách khắp mọi miền tổ quốc. Hoa được gọi là tam giác mạch vì có ba cánh hồng phớt quay về ba hướng và ở giữa là hạt mạch trắng nhỏ.
Hoa cải Mộc Châu
Tam giác mạch chuyển màu theo chu kỳ chín của hoa, đầu tiên là trắng nhã, rồi chuyền hồng và cuối cùng là đỏ sậm. Một điều thú vị nữa là tam giác mạch được trồng trên những ruộng bậc thang, bởi thế khi ngắm những ruộng hoa trong ánh ban mai, người lữ khách có cảm giác những cánh hoa li ti nhỏ, xinh tươi kết lại cùng nhau như những nấc thang nối tiếp lên tận trời.
Không chỉ làm đẹp bằng những đồng hoa mênh mông, tam giác mạch còn gắn liền với văn hóa ẩm thực thú vị của đồng bào vùng cao. Hoa có thể làm rau, nấu canh trong bữa cơm gia đình, hạt của hoa được trộn chung với ngô khi nấu rượu để cho hương thơm hơn, nồng hơn. Và đặc biệt, quả được nghiền thành bột và làm bánh.
Đêm giữa núi rừng hùng vĩ, cùng quây quần bên bếp lửa hồng, thưởng thức hương rượu ngô nồng và nhấm nháp hương dịu nhẹ của bánh tam giác mạch sẽ làm những cảm giác người lữ khách không bao giờ quên được.
Tạm rời sắc vàng dã quỳ, sắc hồng tam giác mạch, lại theo những cung đường Tây Bắc để khám phá một mùa hoa luôn lấy mất tâm hồn người lữ khách khi một lần được ngắm nhìn, đó là những đồng hoa cải Mộc Châu.
Hoa dã quỳ Tây Nguyên
Chỉ cách Hà Nội gần 200km nên Mộc Châu thường là một điểm đến yêu thích của rất nhiều bạn trẻ yêu phượt. Vượt qua những thảo nguyên mênh mông, những nông trường bò sữa xinh xắn trong chút se lạnh của tiết trời chớm đông để thấy lẫn trong làn sương mờ ảo là những đồng hoa cải bạt ngàn.
Ba Phách, Bản Áng, Loóng Luông là nơi sẽ khiến du khách phải ngỡ ngàng. Màu xanh của những rừng táo, màu ngô non xanh biếc, chút lấm tấm đỏ của trạng nguyên góp phần cùng nhau để tôn vinh màu trắng tinh khôi của những đồng hoa cải.
Trong những năm gần đây khi càng nhiều du khách về thăm Mộc Châu, nếu như những bản gần trung tâm đã quá nhiều du khách ghé thăm thì những bản sâu lại càng thu hút dấu chân khám phá. Mà Ba Phách là một bản được rỉ tai như kiểu: “Ta rất tự hào tới được đây!”.
Bản Ba Phách còn lưu giữ những ngôi nhà Mông Cổ ngày xưa. Giữa mênh mông đồng hoa bát ngát, cứ theo lối mòn nhỏ giữa những thung lũng mà lang thang, những mái nhà người Mông bằng gỗ pơmu đen thẫm ẩn hiện đầy bí ẩn.
Trước sân em bé Mông trong trang phục sặc sỡ nô đùa dưới bóng táo, rồi tròn xoe mắt trong veo nhìn người khách lạ. Ở Mộc Châu, cảnh vật, con người đều ru tình say mê đến khó tả.
Theo Doanh nhân Sài Gòn