Tín hiệu tích cực để ngành du lịch lạc quan
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 98,5% so với khi chưa xảy ra Covid-19.
Đáng chú ý theo ghi nhận tại Vietravel, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, doanh nghiệp phục vụ số lượng khách quốc tế tăng 175% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, tăng trưởng nhiều ở khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Ấn Độ.
Trong khi đó Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist), so với cùng kỳ năm trước, dịp Tết Nguyên đán năm nay ghi nhận lượt khách quốc tế tăng trưởng 30 - 50%.
Trao đổi với báo Đầu Tư, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, ông Trần Tường Huy đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Việt Nam, là thành quả của chính sách thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu du lịch, cũng như nỗ lực của Chính phủ, người dân trong thực hiện quảng bá, xúc tiến thời gian qua.
“Với khởi đầu thuận lợi như vậy, cùng nỗ lực của cộng đồng du lịch Việt Nam, sự cầu thị của Chính phủ, cộng với tiềm năng du lịch và chính sách quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, tôi tin rằng, mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 hoàn toàn đạt được”, ông Huy nói.
Thu hút khách du lịch trong và ngoài nước
Năm 2023 đã khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng của du lịch Việt Nam, các chỉ tiêu phát triển du lịch "về đích" và vượt kế hoạch. Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng.
Du lịch Việt Nam vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) trao tặng, khẳng định thương hiệu và sức hút đặc biệt của du lịch Việt Nam.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, sự sôi động của hoạt động du lịch cùng kết quả đón khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch Việt Nam.
Chia sẻ với báo Tổ Quốc, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, để thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam hơn nữa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay, trước mắt cần tập trung khai thác tốt chính sách thị thực mới mà Chính phủ đã ban hành; tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.
Muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp, việc triển khai chính sách chậm và khó sẽ khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó thu hút được khách vào.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp, những người trực tiếp triển khai các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch cần nghiên cứu và có những đề xuất rất cụ thể đối với cơ quan quản lý.
Trúc Chi (t/h)