Được đánh giá là một trong 10 nước có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, tuy nhiên con số thực mà du lịch Việt Nam thu được lại “khiêm tốn” so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Singapore…
Cụ thể, về lượt khách năm 2012, Việt Nam đạt 6,847,678 lượt, trong khi đó Thái Lan đạt 22,303,065 lượt, Malaysia đạt 25,035,400 lượt. Về doanh thu, Năm 2012 du lịch Việt Nam đạt 6,610 tỉ USD; trong khi Thái Lan là 30,926 tỉ USD; Malaysia là 19,797 tỉ USD; và Singapore là 19,380 tỉ USD. So với nước bạn thì rõ ràng Việt Nam tăng về số lượng nhưng chất lượng còn thua xa.
Cần bắt đầu từ những công việc cụ thể
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cho là liên quan đến câu chuyện thương hiệu và định vị thương hiệu của du lịch Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, thương hiệu của một quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm xác lập hình ảnh đất nước như một điểm đến ấn tượng để từ đó tăng lợi thế cạnh tranh với thị trường du lịch thế giới đang trở thành vấn đề "sống còn" đối với ngành du lịch.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Trung Lương, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam cho biết: Du lịch nước ta ra đời từ những năm 60 nhưng từ đó đến nay vẫn làm theo kiểu "làm chay", chưa có thương hiệu du lịch quốc gia. Công tác xúc tiến chưa hiệu quả vì vẫn làm theo cách truyền thống, chưa đúng hướng. Nếu Tổng cục Du lịch ngừng hoạt động xúc tiến, quảng bá thì khách quốc tế vẫn vào Việt Nam vì họ đến đây chủ yếu qua lời mách bảo của người thân, bạn bè.
Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương: “Phát triển Du lịch, xây dựng thương hiệu rõ ràng không dễ, nhưng không phải là quá khó nếu được hiểu biết đúng về thương hiệu và xây dựng thương hiệu; làm đúng ngay từ bước đầu tiên. Khi đã định nghĩa đúng thì thông điệp sẽ rõ ràng và truyền thông cũng rất dễ.
Để có được thương hiệu du lịch Việt Nam mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, không phải đơn giản và thực hiện ngay được. Điều này đòi hỏi phải có thời gian và sự đầu tư thỏa đáng. Nhưng nếu ngay từ lúc này không bắt đầu từ công việc cụ thể, sẽ khó lòng có được một thương hiệu du lịch quốc gia như mong muốn”.
Du lịch Việt Nam phát triển không bền vững
Tuy là nước có nhiều tiềm năng và lợi thế về du lịch nhưng Việt Nam chưa quan tâm, đầu tư đúng hướng cho công tác xúc tiến, quảng bá và chưa định vị được thương hiệu cho mình nên vẫn chịu sự “lép vế” trước các nước trong khu vực.
Trước bối cảnh kinh tế suy thoái nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngành du lịch cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với sự nhạy bén, thức thời, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… đã quan tâm, đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu từ rất sớm và nhờ phát triển đúng hướng nên đã gặt hái được nhiều thành công. Đây chính là “cú hích” thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh để "hút" khách trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
Ngày 22/8, tại Hội thảo Định vị thương hiệu Du lịch Việt Nam, chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL thẳng thắn thừa nhận: Bên cạnh những thành tựu mà ngành du lịch đã đạt được, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững, tốc độ phát triển giảm dần, sản phẩm du lịch chưa phong phú, sức cạnh tranh chưa cao, hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch chưa được như mong đợi.
Để giải quyết bài toán này, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, đúng hướng thì nhiệm vụ quan trọng trước mắt cần xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam, đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Theo Dân trí