Dữ liệu hoá đơn điện tử như “mạch máu” của nền kinh tế

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 5, 21/09/2023 15:45

Dữ liệu hoá đơn điện tử không chỉ có ích trong việc phân tích xu hướng kinh doanh của DN, mà còn hỗ trợ về mặt vĩ mô, thống kê cho sự phát triển của nền kinh tế.

Tại Hội thảo về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023 với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”, bà Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã chia sẻ về kết quả đạt được trong việc huy động nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển bền vững dựa trên dữ liệu số.

Cụ thể, đến hết tháng 6/2023, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Đáng chú ý, có 99,9% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; 100% doanh nghiệp triển khai hoá đơn điện tử, số lượng hoá đơn điện tử cơ quan thuế nhận và xử lý đạt hơn 4,22 tỷ hoá đơn.

Ngoài ra, có 21.400 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

Về lĩnh vực hải quan, dữ liệu số đã kết nối 13/14 bộ, ngành qua Cơ chế một cửa quốc gia; có 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia với 63.000 doanh nghiệp tham gia.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện dữ liệu hoá đơn điện tử được lưu trữ trên hệ thống thuế đã lên đến hơn 5 tỷ hoá đơn và sẽ tiếp tục gia tăng.

Kinh tế vĩ mô - Dữ liệu hoá đơn điện tử như “mạch máu” của nền kinh tế

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại hội thảo.

Từ những kết quả đạt được, ông Minh nhấn mạnh dữ liệu hoá đơn điện tử như “mạch máu” của nền kinh tế. Dữ liệu này không chỉ có ích trong việc phân tích xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ về mặt vĩ mô, thống kê cho sự phát triển của nền kinh tế.

Chính vì vậy, ông Minh cho rằng cần có một khung pháp lý phù hợp, làm nền tảng hỗ trợ để dữ liệu và phân tích dữ liệu có thể phục vụ quản lý rủi ro của ngành thuế một cách hiệu quả.

Theo đó, cơ quan thuế cần được bổ sung các quyền như yêu cầu cung cấp thông tin và các tài liệu khác từ người nộp thuế và các bên thứ ba để xác minh nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, trong bối cảnh ngành hải quan xây dựng các phương pháp xác định giá tính thuế, khi áp dụng công nghệ dữ liệu lớn và khoa học dữ liệu (Big data và Data science), việc thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về giá, áp dụng các mô hình phân tích khuyến nghị về giá sẽ hỗ trợ cơ quan thuế và hải quan đưa ra mức giá tính thuế tham khảo , hỗ trợ phân tích chống chuyển giá ngành thuế.

Đồng thời, ông Minh nhấn mạnh, cơ quan thuế cần được tiếp cận không giới hạn với các thông tin do ngân hàng nắm giữ, kiểm tra và ấn định thuế bằng các phương pháp gián tiếp có đầy đủ các biện pháp xử phạt hành chính và các chế tài khác, giảm nhẹ mức độ xử phạt đối với trường hợp người nộp thuế khai báo tự nguyên hoặc có hành vi hợp tác.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Nga cho rằng, cơ sở dữ liệu cần được kết nối tự động với các bên thứ 3 như các ngân hàng, cơ quan Chính phủ, Trung tâm dữ liệu quốc gia để tích hợp, phát hiện đầy đủ các thông tin định danh về đăng ký thuế thu nhập, đưa ra các yêu cầu khai báo đầy đủ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.